9 sai lầm tài chính phổ biến làm bạn nghèo đi

Chúng ta cùng xem xét một số sai lầm tài chính phổ biến nhất khiến mọi người gặp khó khăn về kinh tế. Ngay cả khi bạn đang gặp khó khăn, tránh được những sai lầm này có thể giúp bạn cải tiện tình hình tài chính hơn.

sai lầm tài chính
9 sai lầm tài chính thường gặp

1. Chi tiêu quá mức và phù phiếm

Chỉ tiêu 500 nghìn mỗi tuần cho việc ăn uống bên ngoài đã khiến bạn tốn 24 triệu mỗi năm. Với khoản tiền này, bạn có thể trả bớt nợ hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán để kiếm lời. Nếu bạn đang gặp khó khăn về tài chính, việc tránh được những sai lầm này thực sự quan trọng.

2. Những khoản thanh toán định kỳ

Hãy tự hỏi mình có thực sự cần những dịch vụ phải thanh toán hàng tháng hoặc hàng năm không. Những khoản tiền cho truyền hình cáp, dịch vụ âm nhạc, thành viên phòng tập gym buộc bạn phải thanh toán đều đặn hàng tháng.

Khi bạn có ngân sách tài chính eo hẹp hoặc bạn muốn tiết kiệm nhiều tiền hơn, việc tạo ra một lối sống đơn giản hơn có thể cải thiện tình hình và giúp bạn vượt qua khó khăn.

3. Vay để chi tiêu

Sử dụng thẻ tín dụng để chi tiêu đang dần trở nên phổ biến. Nhưng ngay cả khi đa số người tiêu dùng sẵn sàng trả lãi suất hai con số cho các khoản chi tiêu thường nhật thì cũng không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Việc sử dụng thẻ tín dụng làm cho bạn dễ dàng chi tiêu hơn là dùng tiền mặt, từ đó phát sinh các nhu cầu không quá quan trọng. Thói quen sử dụng thẻ tín dụng có thể làm mất cân đối trong việc chi tiêu dẫn đến các vấn đề lớn về tài chính.

4. Mua một chiếc ô tô mới

Hàng triệu chiếc ô tô mới được bán ra mỗi năm, mặc dù rất ít người mua có thể trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, không có khả năng trả tiền mặt cho một chiếc xe mới cũng đồng nghĩa với việc không đủ khả năng để mua chiếc xe đó.

Bằng cách vay tiền để mua một chiếc ô tô, người tiêu dùng đã quyết định trả tiền lãi cho một tài sản giảm giá (còn gọi là tiêu sản). Tệ hơn nữa, một số người còn thường xuyên thay đổi xe vài năm một lần, mỗi lần mua lại thêm 1 lần thua lỗ.

Trừ khi bạn cần một chiếc xe để kiếm sống, thì việc mua xe có thể mang lại khó khăn về tài chính cho bạn.

Nếu bạn cần mua một chiếc xe bằng tiền mặt hoặc tiền đi vay, hãy cân nhắc mua loại xe tiết kiệm nhiên liệu và ít tốn kém hơn để sửa chữa, bảo dưỡng và bảo hiểm. Nếu bạn sử dụngj toàn bộ tiền để mua xe, bạn có thể đánh mất cơ hội kiếm thêm tiền từ việc đầu tư.

5. Chi quá nhiều tiền cho ngôi nhà của bạn

Khi nói đến việc mua một ngôi nhà, lớn hơn không có nghĩa là tốt hơn. Trừ khi bạn có một gia đình đông người, việc chọn một ngôi nhà rộng đồng nghĩa với giá đắt hơn rất nhiều, mua nội thất nhiều, thêm tiền phí dịch vụ nếu là chung cư và mất thêm thời gian để dọn dẹp. Bạn có thể xem xét mua những ngôi nhà có diện tích vừa đủ và hợp với túi tiền.

6. Không có khoản tiết kiệm

Không có khoản tiết kiệm có thể làm cho bạn gặp vấn đề khi xảy ra một tình huống cần tiền không lường trước được. Dịch Covid là một ví dụ điển hình về tình huống không lường trước được. Rất nhiều hộ gia đình không có đủ khả năng mua lương thực, thực phẩm bời vì họ mất việc làm và không có khoản tiết kiệm. Chúng ta đã chứng kiến làn sóng người lao động phải rời bỏ các thành phố lớn vì không thể duy trì cuộc sống ở đó.

Nhiều chuyên gia tài chính đưa ra lời khuyên bạn cần một khoản tiền có thể chi tiêu trong 3 tháng để chuẩn bị cho các tình huống không lường trước. Cách này giúp bạn không bị rơi vào vòng xoáy nợ nần.

7. Không đầu tư

Nếu bạn không để tiền làm việc cho mình thì bạn có thể không bao giờ ngừng làm việc. Đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc các khoản tạo ra thu nhập khác giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho độ tuổi nghỉ hưu.

Trích ra một khoản cố định trong thu nhập hàng tháng để đầu tư là một hoạt động cần thiết để chuẩn bị cho tương lai. Những khoản đầu tư này có thể tạo ra dòng tiền giúp bạn có đủ tiền để sống khi không còn làm việc nữa.

8. Sử dụng khoản tiết kiệm hoặc đầu tư để trả nợ

Bạn có thể cho rằng nếu khoản vay đang có lãi 10%, trong khi khoản tiết kiệm có lãi 5% thì nên dùng khoản tiết kiệm để trả nợ sẽ tối ưu hơn. Nhưng không đơn giản như vậy.

Việc tiết kiệm hay đầu tư càng lâu thì bạn càng tận dụng được sức mạnh to lớn của lãi kép. Lợi nhuận tạo ra từ lãi kép có thể lớn hơn rất nhiều so với khoản lãi suất vay cố định.

Ngoài ra, nếu bạn sử dụng tiền tiết kiệm để trả nợ, sau khi trả nợ xong thì bạn sẽ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Việc này có thể làm bạn tiếp tục quay trở lại vòng xoáy vay nợ. Tiết kiệm và đầu tư là một thói quen tốt cần làm càng sớm càng tốt, ngay cả khi bạn đang có những khoản nợ.

9. Không có kế hoạch tài chính

Tương lai tài chính của bạn phụ thuộc vào những gì bạn đang làm ở hiện tại. Mọi người dành vô số giờ để xem TV hoặc lướt internet nhưng rất ít người dành vài giờ mỗi tuần để suy nghĩ về kế hoạch tài chính của mình. Bạn cần biết tình trạng thực tại, các mục tiêu và cách triển khai để xây dựng tương lai tài chính cho mình.

Kết luận

Để tránh nguy cơ bội chi, hãy bắt đầu từ việc theo dõi các khoản chi tiêu nhỏ, sau đó xem xét các khoản chi tiêu lớn. Hãy suy nghĩ thật cẩn thận mỗi khi quyết định vay nợ. Cần chú ý rằng việc có thể thanh toán một mặt hàng không có nghĩa là bạn có đủ khả năng để mua mặt hàng đó. Cuối cùng, hãy ưu tiên tiết kiệm hoặc đầu tư một phần thu nhập hàng tháng của bạn, cùng với việc dành thời gian xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp.