[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu CII (CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 2/2023 của CII
  • Trong quý 2/2023, doanh thu kinh doanh của CII đạt mức 843 tỷ đồng, tuy có cải thiện so với quý trước nhưng khi so với cùng kỳ năm 2022 thì vẫn còn giảm 15,2%. Tuy doanh thu giảm nhưng giá vốn hàng bán vẫn tăng 18,2%, điều này khiến cho lợi nhuận gộp quý 2 giảm mạnh 55,4%. Doanh thu tài chính trong quý tăng mạnh 128% đã phần nào hỗ trợ thêm cho kết quả lợi nhuận. Nhưng ở chiều ngược lại, chi phí tài chính trong kỳ cũng tăng đáng kể (+41,2%).
  • Ngoài ra, CII đã tiết giảm khá tốt các chi phí hoạt động khác trong kỳ như chi phí bán hàng giảm 5,8% và chi phí quản lý giảm 25%. Tổng kết lại, trong quý 2/2023, CII đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 83,3 tỷ đồng, giảm 27,8% so với quý 2 năm trước. Khi tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu kinh doanh hợp nhất của CII đạt 1.591 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 7%, đồng thời, lợi nhuận sau thuế đạt 118 tỷ nhưng giảm mạnh đến 85,2% so với cùng kỳ năm trước.  

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 2/2023 của CII

Về mặt tài sản

  • Tại thời điểm cuối quý 2/2023, quy mô tổng tài sản của CII đạt 26.649 tỷ đồng và giảm 6,7% kể từ đầu năm. Mức giảm này của tổng tài sản chủ yếu do biến động của các khoản mục như tài sản cố định giảm 20,7%, hàng tồn kho giảm 45,4%. Ở chiều ngược lại, tiền mặt và tương đương tiền tăng mạnh 246%.
  • Về mặt cơ cấu, các loại tài sản dài hạn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với 71,2% trong tổng tài sản của CII. Cụ thể hơn, tài sản cố định (với phần lớn là quyền thu phí giao thông) cùng với các khoản phải thu dài hạn (với phần lớn là phải thu về cho vay dài hạn) là hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Công ty.

Về mặt nguồn vốn

  • Trong nửa đầu năm 2023, tổng các khoản nợ phải trả của CII đã giảm tương đối mạnh (8,5%) so với đầu năm và ở mức 18.542 tỷ đồng tại cuối quý 2. Tuy có giảm nhưng các khoản nợ phải trả tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với 69,6% trong tổng nguồn vốn. Ngoài ra, tổng các khoản vay tài chính (ngân hàng trái, trái phiếu…) ngắn và dài hạn của CII tiếp tục duy trì ở mức cao là 13.152 tỷ đồng, chiếm đến gần 50% tổng nguồn vốn.
  • Tóm lại, cơ cấu vốn của CII đang phụ thuộc nhiều vào nguồn vay, nợ khi chiếm đến gần 70% tổng nguồn vốn. Ngoài ra, mức độ thanh khoản và các chỉ số về khả năng thanh toán các khoản nợ của Công ty cũng chưa được đảm bảo và chưa có cải thiện gì nhiều so với quý trước (tỷ số thanh toán hiện hành = 0,82 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0,72 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CII trong 6 tháng đầu năm tiếp tục kém tích cực khi âm khá mạnh, gần 369 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức dương 405 tỷ của cùng kỳ năm 2022.
  • Đồng thời, hoạt động đầu tư của Công ty cũng có dòng tiền âm 6,9 tỷ đồng, chủ yếu là tiền chi cho vay và đầu tư công cụ nợ của đơn vị khác. Do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư sụt giảm nên CII đã phải tăng cường huy động từ nguồn đi vay với số tiền thu ròng về 1.055 tỷ.

Tổng kết

Trong quý 2 của năm 2023, kết quả hoạt động kinh doanh của CII nhìn chung vẫn chưa phải là khả quan. Doanh thu kinh doanh hợp nhất tuy tăng so với quý trước nhưng vẫn còn giảm 15,2% so với cùng kỳ. Mặc dù thu nhập từ hoạt động tài chính tăng mạnh, Công ty cũng tích cực tiết giảm một số chi phí hoạt động. Nhưng điều này là không đủ để bù đắp những sụt giảm về doanh thu cũng nhưng chi phí giá vốn hàng bán tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế quý 2 của Công ty đã giảm gần 28% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tình hình tài chính của CII vẫn còn một số điểm tồn tại đáng lưu ý như: Công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao khi nợ, vay phải trả chiếm gần 70% tổng nguồn vốn và phần lớn nợ phải trả là các khoản vay ngân hàng, trái phiếu. Ngoài ra khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của CII cũng chưa được đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành chỉ ở mức 0,82 lần, tức là giá trị tài sản ngắn hạn đang thấp hơn so với số dư các khoản nợ phải trả ngắn hạn). Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh quý này quay đầu và âm mạnh khiến cho Công ty vẫn phải huy động thêm tiền từ nguồn nợ vay để bù đắp.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 1/2023 cổ phiếu CII

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1.2023 của CII
  • Trong quý đầu của năm 2023, doanh thu kinh doanh hợp nhất của CII đã có dấu hiệu chững lại sau khi đã tăng khá đột biến trong quý 3 và quý 4/2022. Cụ thể, tổng doanh thu hợp nhất đạt 748 tỷ đồng và tăng nhẹ 5,1% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của Công ty cũng sụt giảm nhiều (-76,3%) do không còn được ghi nhận khoản lãi đột biến từ thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính như trong quý 1/2022.
  • Giá vốn kinh doanh của CII trong quý 1/2023 cũng tăng nhẹ theo mức tăng của doanh thu nên biên lợi nhuận gộp của Công ty gần như đi ngang so với cùng kỳ. Ngoài ra các chi phí kinh doanh còn lại đều được tiết giảm khá tốt (từ 5% đến 15%) so với cùng kỳ. Tuy vậy, do sự sụt giảm về doanh thu hoạt động tài chính như đã nêu ở trên đã khiến cho lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 của CII đã giảm mạnh gần 95% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1.2023 của CII

Về mặt tài sản:

  • Tại thời điểm cuối quý 1/2023, quy mô tổng tài sản của CII đạt gần 29.006 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6% so với đầu năm. Tuy nhiên, khi xem xét các khoản mục cụ thể sẽ thấy một số loại tài sản có mức biến động lớn trong kỳ như tiền mặt giảm 26,5%, hàng tồng kho giảm 17,3% và ở chiều ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 16,7%.
  • Về mặt cơ cấu, các loại tài sản dài hạn tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với 73,5% trong tổng tài sản của CII. Cụ thể hơn, tài sản cố định (với chủ đạo là quyền thu phí giao thông) cùng với các khoản phải thu dài hạn (với phần lớn là phải thu về cho vay dài hạn) là hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Công ty.

Về mặt nguồn vốn:

  • Trong quý 1/2023, tổng các khoản nợ phải trả của CII chỉ tăng nhẹ 2% so với đầu năm và ở mức 20.667 tỷ đồng tại cuối quý. Đồng thời, các khoản nợ phải trả tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với 71,2% trong tổng nguồn vốn. Ngoài ra, tổng các khoản vay tài chính (ngân hàng trái, trái phiếu…) ngắn và dài hạn của CII tiếp tục duy trì ở mức cao là 15.232 tỷ đồng, chiếm đến 52,5% tổng nguồn vốn và khoản vay ngắn hạn đã tăng mạnh 25% trong quý này.
  • Tóm lại, cơ cấu vốn của CII đang phụ thuộc nhiều vào nguồn vay, nợ khi chiếm đến 71,5% tổng nguồn vốn. Ngoài ra, mức độ thanh khoản và các chỉ số về khả năng thanh toán các khoản nợ của Công ty cũng chưa được đảm bảo và chưa có cải thiện gì nhiều so với quý trước (tỷ số thanh toán hiện hành = 0,72 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0,6 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần trong quý 1/2023 của CII ở mức âm 73,2 tỷ đồng, kéo theo số dư tiền mặt cuối quý giảm 26,5% so với thời điểm đầu năm.
  • Cụ thể hơn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CII trong quý này không được tốt khi ở mức âm gần 147 tỷ, sụt giảm mạnh so với mức dương 201,8 tỷ của cùng kỳ năm 2022. Đồng thời, hoạt động đầu tư của Công ty cũng có dòng tiền âm 571 tỷ đồng, chủ yếu là tiền chi cho vay và đầu tư công cụ nợ của đơn vị khác. Do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư sụt giảm nên CII đã phải tăng cường huy động từ nguồn đi vay với số tiền thu ròng về 645 tỷ.

Tổng kết

Trong quý đầu của năm 2023, kết quả hoạt động kinh doanh của CII nhìn chung vẫn chưa phải là tích cực. Doanh thu kinh doanh hợp nhất đã chậm lại và chỉ tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ, sau khi tăng khá đột biến trong quý 3 và quý 4 năm 2022. Tuy Công ty đã tích cực tiết giảm các chi phí kinh doanh nhưng do thu từ hoạt động tài chính giảm mạnh vì không còn ghi nhận các khoản lãi đột biến nhờ thoái vốn tại công ty con như trong quý 1/2022 nên lợi nhuận sau thuế quý này đã giảm đến gần 95% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tình hình tài chính của CII vẫn còn một số điểm tồn tại đáng lưu ý như: Công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao khi nợ, vay phải trả chiếm hơn 71% tổng nguồn vốn và phần lớn nợ phải trả là các khoản vay ngân hàng, trái phiếu. Ngoài ra khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của CII cũng chưa được đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành chỉ ở mức 0,76 lần, tức là giá trị tài sản ngắn hạn đang thấp hơn so với số dư các khoản nợ phải trả ngắn hạn). Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh quý này quay đầu và âm mạnh khiến cho Công ty vẫn phải huy động thêm tiền từ nguồn nợ vay để bù đắp.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 cổ phiếu CII

Kết quả kinh doanh

Dựa vào các thông tin trên báo tài chính, có thể rút ra một số điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của CII trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của CII
  • Trong quý 4/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính của CII đạt 1.865 tỷ đồng tăng đột biến 193% so với cùng kỳ, với đóng góp chủ yếu từ doanh thu kinh doanh bất động sản và thu phí giao thông tăng trưởng tích cực. Ngoài ra, trong quý này, CII đã thoái vốn ở một số công ty con, ghi nhận khoản lãi 810 tỷ đồng và giúp doanh thu từ hoạt động tài chính tăng khá mạnh (+34,3%).
  • Về mặt chi phí, đang chú ý nhất là Công ty đã kiểm soát khá tốt khoản chi phí tài chính, tiết giảm dược 23% so với cùng kỳ. Các chi phí hoạt động khác như chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng tăng ở mức độ vừa phải, trong khoảng 12%. Vì vậy, sau khi khấu trừ chi phí, CII ghi nhận lãi sau thuế 43,6 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều so với mức lỗ gần 368 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2021.
  • Tính chung cả năm 2022 thì hoạt động kinh doanh của CII cũng có được nhiều điểm tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần năm 2022 của Công ty đã tăng mạnh 101% so với năm 20221. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh bất động sản năm 2022 tăng gần 3 lần so với năm 2021 khi Công ty đã bắt đầu bàn giao dự án căn hộ tại khu vực Thủ Thiêm, cùng với doanh thu từ thu phí giao thông cũng tăng khá mạnh (+52,7%). Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm 2022 tăng 43% nhờ ghi nhận lãi khi thoái vốn tại các công ty cũng hỗ trợ nhiều cho con số lợi nhuận sau thuế 896 tỷ của CII.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của CII

Về mặt tài sản:

  • Tại thời điểm cuối quý 4/2022, quy mô tổng tài sản của CII đạt gần 28.596 tỷ đồng, giảm 7,4% so với đầu năm. Tuy nhiên, khi xem xét các khoản mục cụ thể sẽ thấy một số loại tài sản có mức biến động lớn trong năm như tiền mặt, hàng tồn kho và tài sản dở dang dài hạn đã giảm mạnh lần lượt 58%, 64% và 75% so với hồi đầu năm. Ở chiều ngược lại, các khoản mục có mức tăng đáng chú ý như phải thu dài hạn (+60,4%) và đầu tư tài chính dài hạn (+56%).
  • Về mặt cơ cấu, các loại tài sản dài hạn đang chiếm tỷ trọng cao với 74,6% trong tổng tài sản của CII. Cụ thể hơn, tài sản cố định (với chủ đạo là quyền thu phí giao thông) cùng với các khoản phải thu dài hạn (với phần lớn là phải thu về cho vay dài hạn) là hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Công ty.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại ngày 31/12/2022, tổng các khoản nợ phải trả của CII ở mức 20.265 tỷ đồng, giảm đáng kể, gần 10% so với thời điểm đầu năm và tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, khoảng 70,9% trong tổng nguồn vốn. Một điểm đáng chú ý nữa là tổng các khoản vay tài chính (ngân hàng trái, trái phiếu…) ngắn và dài hạn của CII đang ở mức 14.582 tỷ đồng, chiếm đến 51% tổng nguồn vốn. Cụ thể hơn nữa, Công ty đang có tổng giá trị nợ trái phiếu tại cuối quý 4 là 6.273,3 tỷ đồng, đã giảm đáng kể, hơn 1.400 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vẫn còn 3.133,7 tỷ sẽ đến hạn trả trong vòng 12 tháng tới.
  • Tóm lại, cơ cấu vốn của CII đang phụ thuộc nhiều vào nguồn vay, nợ khi chiếm đến 71,5% tổng nguồn vốn. Ngoài ra, mức độ thanh khoản và các chỉ số về khả năng thanh toán các khoản nợ của Công ty cũng chưa được đảm bảo như tỷ số thanh toán hiện hành = 0,76 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0,59 lần.

Tình hình dòng tiền

  • Trong năm 2022, hoạt động kinh doanh chính của CII mang lại dòng tiền ở mức dương 1.310 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức âm 881,6 tỷ trong năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu của mức tăng này là do lợi nhuận kinh doanh của năm 2022 đã tăng tốt, cùng với việc Công ty hạn chế đầu tư và co hẹp lượng hàng tồn kho trong năm.
  • Một điểm đáng chú ý khác là CII đã chi ròng đến 1.364 tỷ đồng trong hoạt động tài chính, chủ yếu dùng để trả nợ gốc vay. Ngoài ra, Công ty cũng chi ra 347,9 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư với chủ yếu để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và chi cho vay các đơn vị khác. Tổng kết lại, tổng lưu chuyển tiền thuần của CII trong năm 2022 ghi nhận ở mức âm gần 402 tỷ đồng, khiến cho số dư tiền và tương đương tiền cuối năm chỉ ở mức 287 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 58% so với thời điểm đầu năm.

Nhận xét

Trong quý 4/2022, hoạt động kinh doanh của CII đã ghi nhận một số kết quả khả quan như doanh thu thuần tăng mạnh 193% so với cùng kỳ, con số lợi nhuận cũng được cải thiện nhanh, đạt 43,6 tỷ đồng lãi sau thuế, so với mức lỗ lớn 368 tỷ của quý 4/2021.

Mặt khác, khi nhìn rộng cả năm năm 2022 thì hoạt động kinh doanh của CII cũng có được nhiều điểm tích cực. Cụ thể, doanh thu từ kinh doanh bất động sản năm 2022 tăng gần 3 lần so với năm 2021 khi Công ty đã bắt đầu bàn giao dự án căn hộ tại khu vực Thủ Thiêm, cùng với doanh thu từ thu phí giao thông cũng tăng khá mạnh (+52,7%). Đây là chính là hai đầu tầu giúp doanh thu hợp nhất năm 2022 của CII tăng gấp đối so với năm 2021. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm 2022 tăng 43% nhờ ghi nhận lãi khi thoái vốn tại các công ty cũng hỗ trợ nhiều cho con số lợi nhuận sau thuế 896 tỷ của CII.

Tuy kết quả kinh doanh được cải thiện nhưng tình hình tài chính của CII vẫn còn một số điểm tồn tại đáng lưu ý như: Công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao khi nợ, vay phải trả chiếm gần 71% tổng nguồn vốn và phần lớn nợ phải trả là các khoản vay ngân hàng, trái phiếu. Ngoài ra khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của CII cũng chưa được đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành chỉ ở mức 0,76 lần, tức là giá trị tài sản ngắn hạn đang thấp hơn so với số dư các khoản nợ phải trả ngắn hạn).


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của CII

Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa vào báo tài chính của CII, có thể rút ra một số điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 như sau:

kết quả kinh doanh quý 3.2022 CII
Nguồn: tổng hợp từ BCTC quý 3 của CII
  • Trong quý 3/2022, doanh thu thuần của CII đạt 2.184 tỷ đồng tăng đột biến 743% so với cùng kỳ, chủ yếu do doanh thu hoạt động bất động sản và thu phí giao thông tăng trưởng tích cực. Doanh thu lũy kế 9 tháng của Công ty cũng có sự tăng trưởng tốt (+75%) so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên Giá vốn hàng bán trong 9 tháng cũng tăng mạnh 92,6% nên tốc độ tăng của lợi nhuận gộp chỉ đạt 40% và biên lợi nhuận gộp cũng thu hẹp xuống mức 26,7% so với 33,4% của cùng kỳ.
  • Doanh thu từ hoạt động tài chính trong 3 quý đầu năm của Công ty cũng tăng mạnh 44,6% với đóng góp lớn từ lãi thoái vốn công ty con và chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính (806 tỷ đồng). Bên cạnh đó, chi phí tài chính được giữ khá ổn định khi chỉ tăng 5% so với cùng kỳ.
  • Sau khi tổng hợp tất cả các khoản doanh thu và chi phí, CII ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 cũng như lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 đều tăng trưởng đột biến (+373% và +576%) so với cùng kỳ. Với riêng quý 3 thì tăng trưởng mạnh của doanh thu và lợi nhuận gộp là các nhân tố chính tạo ra kết quả đột biến của lợi nhuận. Còn khi tính lũy kế 9 tháng, bên cạnh tăng trưởng tích cực của doanh thu, lợi nhuận của Công ty còn được hỗ trợ mạnh từ thu nhập bất thường của hoạt động tài chính (cụ thể là thoái vốn tại công ty con).  

Tình hình tài chính

tình hình tài chính quý 3.2022 CII
Nguồn: tổng hợp từ BCTC quý 3 của CII

Về mặt tài sản

  • Tại thời điểm cuối quý 3/2022, quy mô tổng tài sản của CII đạt 29.296 tỷ đồng, giảm nhẹ 5,1% so với đầu năm. Trong đó, các khoản mục có mức tăng mạnh nhất là phải thu dài hạn và đầu tư tài chính dài hạn với các mức tăng lần lượt +83% và +46% kể từ đầu năm 2022. Ở chiều ngược lại, hàng tồn kho và số dư tiền, các khoản tương đương tiền giảm mạnh 41% và 40% so với mức đầu năm. Mức biến động mạnh của các khoản mục tài sản trên một phần đến từ việc công ty thoái vốn một số công ty con trong kỳ dẫn đến số dư của các khoản mục trong báo cáo hợp nhất có nhiều thay đổi.
  • Về mặt cơ cấu, các loại tài sản dài hạn đang chiếm tỷ trọng cao với 75% trong tổng tài sản của CII. Cụ thể hơn, tài sản cố định (với chủ đạo là quyền thu phí giao thông) cùng với các khoản phải thu dài hạn (với phần lớn là phải thu về cho vay dài hạn) là hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Công ty.

Về mặt nguồn vốn

  • Tại ngày 30/9/2022, tổng các khoản nợ phải trả của CII ở mức 20.932 tỷ đồng, giảm gần 7% so với thời điểm đầu năm và chiếm tỷ trọng khoảng 71,5% trong tổng nguồn vốn. Một điểm đáng chú ý nữa là tổng các khoản vay (ngân hàng trái, trái phiếu…) ngắn và dài hạn của CII đang ở mức 15.329 tỷ đồng, chiếm đến 52% tổng nguồn vốn. Cụ thể hơn nữa, Công ty đang có tổng giá trị nợ trái phiếu tại cuối quý 3 là 6.211,3 tỷ đồng, đã giảm gần 1.400 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vẫn còn 3.132 tỷ sẽ đến hạn trả trong vòng 12 tháng tới.
  • Tóm lại, cơ cấu vốn của CII đang phụ thuộc vào nguồn vay, nợ (chiếm đến 71,5% tổng nguồn vốn) . Khả năng hoàn trả các khoản nợ của Công ty cũng chưa được đảm bảo thể hiện qua các hệ số thanh toán chưa được tốt  (tỷ số thanh toán hiện hành = 0,73 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0,11 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần của CII trong 9 tháng đầu năm ghi nhận ở mức âm 275 tỷ đồng, khiến cho số dư tiền và tương đương tiền cuối quý chỉ đạt mức 414 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với thời điểm đầu năm.
  • Cụ thể hơn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CII ở mức âm 10 tỷ đồng, tuy có cải thiện so với con số âm 1.084 tỷ của cùng kỳ nhưng dòng tiền này vẫn chưa tương xứng với kết quả lợi nhuận tăng mạnh của Công trong 9 tháng đầu năm. Hoạt động đầu tư đang là cứu cánh về dòng tiền cho CII trong kỳ khi mang về 340 tỷ đồng, chủ yếu do thu về từ hoạt động thoái vốn tại các công ty con. Trong khi đó, hoạt động tài chính có dòng tiền âm 605 tỷ đồng khi Công ty tăng cường trả nợ gốc vay.

Nhận xét

Xét trên phương diện con số doanh thu, lợi nhuận đạt được thì hoạt động kinh doanh của CII trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 có sự tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, doanh thu quý 3 tăng mạnh khi Công ty bắt đầu ghi nhận doanh thu bán hàng ở các dự án bất động sản. Lợi nhuận sau thuế quý 3 và lũy kế 9 tháng của Công ty đều tăng trưởng đột biến và gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý khi mức tăng trưởng lợi nhuận cao của 9 tháng có phần đóng góp lớn từ lãi thoái vốn tại một số công ty con của CII.

Tình hình tài chính của CII vẫn còn một số điểm tồn tại và rủi ro như: Công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao khi nợ, vay phải trả chiếm 71% tổng nguồn vốn, khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn cũng chưa được đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành chỉ ở mức 0,73 lần) cùng với áp lực từ các khoản nợ trái phiếu phải trả trong vòng 12 tháng lên đến hơn 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh của CII vẫn còn yếu mặc dù Công ty báo cáo kết quả lợi nhuận khá tốt.

THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch

Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.


Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.
Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636

XEM THÊM:

Chào các bạn, tôi là Đỗ Hoàng Quân. Tôi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007. Trải qua nhiều chu kỳ, tôi am hiểu quy luật vận động của thị trường và xây dựng cho mình những nguyên tắc quan trọng để có thể kiếm tiền bền vững trên thị trường chứng khoán. Tìm hiểu thêm về tôi tại đây.

anh Quan

Đăng ký mở tài khoản chứng khoán

Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư Miễn phí

Mở app Zalo, scan để tham gia nhóm tư vấn của E-Broker hoặc kết bạn với admin qua SĐT 0981 333 743

Đọc nhiều nhất

Chuyên mục