[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu DCM (Đạm Cà Mau)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 1/2023 của DCM

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1/2023 của DCM
  • Trong quý đầu tiên của năm 2023, doanh thu bán hàng của Đạm Cà Mau chỉ đạt gần 2.735 tỷ đồng, quay đầu sụt giảm gần 33% so với cùng kỳ, sau khi có sự phục hồi khá tốt trong quý 4/2022. Tuy doanh thu giảm mạnh nhưng giá vốn sản xuất không giảm mà còn tăng nhẹ 3,3%, dẫn dến lợi nhuận gộp quý này giảm mạnh 71,2% và biên lợi nhuận gộp cũng chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ.
  • Doanh thu từ hoạt động tài chính trong kỳ tăng 71% nhờ lãi từ tiền gửi ngân hàng tăng mạnh. Một số chi phí kinh doanh trong kỳ đã được Công ty tiết giảm tốt như chi phí tài chính giảm 54,4%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 40,6%. Chỉ có chi phí bán hàng là tăng mạnh 55,5%. Như vậy, sau khi trừ hết các khoản chi phí, Đạm Cà Mau ghi nhận lãi sau thuế quý 1/2023 ở mức 229,7 tỷ đồng và sụt giảm mạnh gần 84% so với quý 1/2023. Cùng với đó là biên lợi nhuận ròng giảm về chỉ còn 8,4% so với mức 37,2% của cùng kỳ năm 2022.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1/2023 của DCM

Về mặt tài sản:

  • Tại cuối quý 1/2023, quy mô tổng tài sản của DCM đạt mức 14.571 tỷ đồng, giảm gần 3% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản tiền mặt và tương đương tiền tăng 12,3% và đang chú ý nhất là các khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp nhiều lần (chủ yếu do trả trước cho người bán ngắn hạn tăng mạnh).
  • Trong cấu tài sản của DCM, các loại tài sản ngắn hạn đang chiếm đa số với tỷ trọng lên đến 85%. Một điểm đáng chú ý là công ty đang có 6.842 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, đây cũng là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến hơn 47% trong tổng tài sản. Tài sản cố định và hàng tồn kho cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng tài sản với 15,4% và 12,9% nhưng đều đang có xu hướng giảm so với đầu năm.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tổng các khoản nợ phải trả của DCM tại cuối quý 1/2023 là 3.760 tỷ đồng và đã tăng 5,6% so với thời điểm đầu năm. Đồng thời, nợ phải trả tiếp tục duy trì tỷ trọng nhỏ khi chỉ chiếm 25,8% trong tổng nguồn vốn của Công ty. Một điểm đáng chú ý là các khoản vay ngân hàng của DCM chỉ có số dư rất nhỏ, dưới 3 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng không đáng kể trong cơ cấu vốn.
  • Nhìn chung, tình hình tài chính của DCM khá lành mạnh và an toàn khi công ty chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và vay nợ ngân hàng ở mức thấp. Vay nợ thấp và số dư các tài sản có thanh khoản ở mức cao nên các chỉ số về năng thanh toán nợ của DCM cũng đang ở ngưỡng an toàn (tỷ số thanh toán hiện hành = 4,07 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 3,33 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Do kết quả doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của DCM trong quý 1/2023 cũng suy giảm, chỉ đạt mức dương 252 tỷ đồng, so với 1.973 tỷ của cùng kỳ năm 2022.
  • Hoạt động đầu tư trong quý 1 của DCM đã thu ròng về 9,7 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi ngân hàng thu được. Trong khi đó, hoạt động tài chính của Công ty khá khiêm tốn, chỉ chi ròng ra 0,8 tỷ để trả nợ gốc vay.

Tổng kết

Trong quý 1/2023, hoạt động kinh doanh của DCM bắt đầu cho thấy sự sụt giảm mạnh. Doanh thu từ mặt hành kinh doanh chính là phân ure giảm mạnh, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, khiến cho doanh thu bán hàng hợp nhất giảm gần 33% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá vốn hàng bán không giảm theo doanh thu mà vẫn neo ở mức cao. Mặc dù Công ty đã tiết giảm tốt chi phí tài chính, chi phí quản lý, cộng với thu nhập tốt từ hoạt động tài chính, nhưng vẫn không đủ để bù đắp sự sụt giảm của doanh thu bán hàng. Vì vậy, trong quý 1/2023, DCM chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt gần 230 tỷ đồng, giảm mạnh gần 84% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận ròng cũng bị co hẹp mạnh về chỉ còn 8,4%.

Tuy kết quả kinh doanh chưa được tích cực nhưng tình hình tài chính của DCM nhìn cũng vẫn duy trì được duy trì được sự ổn định và an toàn. Điều này phần nào được thể hiện qua cơ cấu vốn thận trọng, tỷ lệ vay nợ thấp, chỉ chiếm gần 25,8% trong tổng nguồn vốn. Công ty cũng có cơ cấu tài sản khá an toàn với phần nhiều là các tài sản ngắn hạn, thanh khoản cao như tiền gửi ngân hàng và tiền mặt.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của DCM

Kết quả kinh doanh

Dựa vào các thông tin trên BCTC của Đạm Cà Mau, có thể rút ra một số điểm nổi bật về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4 và toàn niên đã kiểm toán năm 2022 của DCM
  • Trong quý 4/2022, kết quả kinh doanh của DCM tiếp tục giảm tốc sau khi đạt đỉnh hồi quý 1/2022. Mặc dù doanh thu bán hàng vẫn duy trì mức tăng khả quan 14,1% so với cùng kỳ, nhưng do các chi phí sản xuất đầu vào vẫn còn cao nên giá vốn hàng bán đã tăng gần 31%, mạnh hơn cả mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp đã suy giảm 13,5% so với quý 4/2021.
  • Về mặt chi phí, DCM đã tiết giảm tương đối mạnh chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 4 (-89%). Nhưng ở chiều ngược lại, các chi phí hoạt động còn lại như chi phí bán hàng, chi phí tài chính đều tăng mạnh. Điều này góp phần khiến cho lợi nhuận sau thuế quý 4 của Công ty giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
  • Tuy nhiên, khi tính lũy kế cả năm 2022, hoạt động kinh doanh của DCM vẫn có được sự tăng trưởng tích cực, với đóng góp chủ yếu đến từ các kết quả khá đột biến trong ba quý đầu năm. Cụ thể, doanh thu cả năm 2022 đạt 15.924,5 tỷ đồng, tăng 61,3% so với năm 2021. Các chi phí kinh doanh trong năm cũng tăng vừa phải và thấp hơn mức tăng của doanh thu nên lợi nhuận kinh doanh năm 2022 của DCM đã tăng 136,6% so với năm trước.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của DCM

Về mặt tài sản:

  • Tại cuối quý 4/2022, quy mô tổng tài sản của DCM đạt mức 14.166 tỷ đồng, tăng 28% so với thời điểm đầu năm. Cụ thể, các khoản mục có mức tăng mạnh trong năm là tiền mặt (tăng 397%), đầu tư tài chính ngắn hạn (chủ yếu dưới dạng tiền gửi ngân hàng, tăng 56%).
  • Trong cấu tài sản của DCM, các loại tài sản ngắn hạn đang chiếm đa số với tỷ trọng 82%. Một điểm đáng chú ý là công ty đang có 6.812 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, đây cũng là khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến hơn 48% trong tổng tài sản. Tài sản cố định và hàng tồn kho cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng tài sản với 16,1% và 15,6% nhưng đang có xu hướng giảm so với đầu năm.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại ngày 31/12/2022, tổng các khoản nợ phải trả của DCM ở mức 3.561 tỷ đồng, giảm nhẹ gần 1% so với hồi đầu năm, đồng thời, nợ phải trả chỉ chiếm 25,1% trong tổng nguồn vốn của Công ty. Một điểm đáng chú ý là DCM đã đẩy mạnh việc hoàn trả các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu) và đưa tổng dự nợ vay phải trả (cả ngắn và dài hạn) xuống chỉ còn 3,5 tỷ đồng so với mức 692 tỷ đồng hồi đầu năm.
  • Nhìn chung, tình hình cơ cấu vốn của DCM khá lành mạnh và an toàn khi công ty chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và vay nợ ngân hàng ở mức thấp. Vay nợ thấp và số dư các tài sản có thanh khoản ở mức cao nên các chỉ số về năng thanh toán nợ của DCM cũng đang ở ngưỡng an toàn (tỷ số thanh toán hiện hành = 3,9 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 3,2 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Trong năm 2022, hoạt động kinh doanh chính của Đạm Cà Mau thu ròng về 5.786 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 2,2 lần so với năm trước. Kết quả dòng tiền này là phù hợp với mức tăng mạnh của doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022.
  • Dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh sau đó được Công ty sử dụng cho hoạt động đầu tư (chủ yếu là đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng tiền gửi ngân hàng) với mức chi ròng 2.374 tỷ đồng, và hoạt động tài chính (để trả nợ gốc vay và trả cổ tức cho cổ đông) vưới mức chi 1.636 tỷ đồng.

Nhận xét

Trong quý 4, hoạt động kinh doanh của DCM đã chững lại khá nhiều sau ba quý đầu năm tăng trưởng tốt. Giá các mặt hàng phân bón tiếp tục hạ nhiệt khiến cho doanh thu chỉ tăng 14% so với cùng kỳ, cộng với việc các chi phí kinh doanh duy trì ở mức cao nên lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 đã giảm 8,4% so với cùng thời điểm năm 2021.

Tuy nhiên, nhìn cả năm 2022 thì kết quả hoạt động của Đạm Cà Mau vẫn có được sự tăng trưởng cao nhờ đóng góp tích cực từ ba quý đầu năm. Trong đó, doanh thu năm 2022 tăng trưởng 61% và lợi nhuận tăng 136,6% so với năm 2021. Đồng thời, đây cũng là mức lợi nhuận cao kỷ lục từ trước tới nay của Công ty.

Mặt khác, tình hình tài chính của DCM tiếp tục được duy trì được sự ổn định và an toàn. Điều này phần nào được thể hiện qua cơ cấu vốn thận trọng, tỷ lệ vay nợ thấp, chỉ chiếm gần 28% trong tổng nguồn vốn. Hoạt động kinh doanh của Công ty cũng tạo ra được dòng tiền mạnh giúp cho thanh khoản dồi dào, làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư cũng như đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ, vay.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của DCM

Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa vào các thông tin trên BCTC của Đạm Cà Mau, có thể rút ra một số điểm nổi bật về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2022 như sau:

  • Trong quý 3/2022, hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau mang lại 3.307 tỷ đồng doanh thu thần, tăng mạnh gần 83% so với cùng kỳ, tuy nhiên khi so với quý liền trước thì có sự sụt giảm hơn 16%. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm thì mức doanh thu đạt được của DCM là 11.466 tỷ đồng, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021.
  • Giá vốn hàng bán trong 9 tháng đầu năm của DCM cũng có mức tăng đáng kể (+52,8%) nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh, tăng 214% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp cũng được mở rộng lên mức 37,8% so với mức 22,8% của cùng kỳ năm 2021.
  • Doanh thu từ hoạt động tài chính trong 3 quý đầu năm đạt 217 tỷ đồng, tăng hơn 97% so với cùng kỳ và chủ yếu do đóng góp của các khoản lãi tiền gửi và lãi từ chênh lệch tỷ giá. Chí phí hoạt động tài chính cũng tăng 105% nhưng do quy mô nhỏ nên không có nhiều ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận chung.
  • Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm của DCM cũng có các mức tăng đáng kể với lần lượt +52,9% và +93% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các mức tăng chi phí này là vẫn còn thấp hơn so với tốc độ tăng của doanh thu nên biên lợi ròng 9 tháng của Công ty được mở rộng tích cực, đạt hơn 28,5% so với chỉ 13,6% của cùng kỳ năm 2021.
  • Sau khi tổng hợp các khoản doanh thu và chi phí, Đạm Cà Mau ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 và 9 tháng đầu năm lần lượt đạt 731 tỷ đồng và 4.466 tỷ đồng, tương ứng với các mức tăng 95,5% và 297,6% so với cùng kỳ năm 2021. Do kế hoạch lợi nhuận cho năm 2022 khá khiêm tốn với 513 tỷ đồng nên sau 9 tháng hoạt đông, DCM đã hoàn thành và vượt xa chỉ tiêu kế hoạch này.

Tình hình tài chính

tình hình tài chính quý 3.2022 DCM

Về mặt tài sản

  • Tại cuối quý 3/2022, quy mô tổng tài sản của DCM đạt mức 13.436 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với thời điểm đầu năm. Cụ thể về các khoản mục thì phải thu ngắn hạn của khách hàng là khoản tăng mạnh nhất, gấp hơn 9 lần so với đầu năm, tiếp đến là tiền và các khoản tương đương tiền với mức tăng 80% và đầu tư tài chính ngắn hạn, tăng 58,5% kể từ đầu năm. Ở chiều ngược lại, tài sản cố định là khoản mục giảm mạnh nhất so với đầu năm (-28%).
  • Trong cấu tài sản của DCM, các loại tài sản ngắn hạn đang chiếm đa số với tỷ trọng 79%. Một điểm đáng chú ý là công ty đang có 9.912 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn (dưới dạng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn) và chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến hơn 51% trong tổng tài sản. Tài sản cố định và hàng tồn kho cũng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng tài sản với 18,3% và 15,7% nhưng đang có xu hướng giảm so với đầu năm.

Về mặt nguồn vốn

  • Tại ngày 30/9/2022, tổng các khoản nợ phải trả của DCM ở mức 3.696 tỷ đồng, tăng 2,8% so với hồi đầu năm. Đáng chú ý là Công ty đã đẩy mạnh việc hoàn trả các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu) và đưa tổng dự nợ vay phải trả (cả ngắn và dài hạn) xuống mức 37 tỷ đồng so với mức 692 tỷ đồng hồi đầu năm. Các khoản mục có mức tăng đáng chú ý là quỹ phát triển khoa học và công nghệ (tăng hơn 90%) và người mua trả tiền trước ngắn hạn (tăng 43%).
  • Quy mô vốn chủ sở hữu của Đạm Cà Mau tại thời điểm 30/9/2022 đạt 9.741 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 30% so với đầu năm. Mức tăng này của chủ sở hữu chủ yếu đến nguồn lợi nhuận chưa phân phối khi kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của DCM tăng trưởng tích cực.
  • Nhìn chung, tình hình cơ cấu vốn của DCM khá lành mạnh và an toàn khi công tỷ sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối thấp với tỷ số nợ phải trả trên tổng nguồn vốn là 27,5%. Công ty cũng duy trì và đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ ở ngưỡng an toàn (tỷ số thanh toán hiện hành = 3,6 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 2,6 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng lưu chuyển tiền thuần của Đạm Cà Mau ghi nhận ở mức dương 338 tỷ đồng, từ đó kéo số dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ tăng mạnh hơn 80% so với đầu năm và đạt mức 772 tỷ đồng.
  • Hoạt động kinh doanh tiếp tục tạo được dòng tiền mạnh và là nguồn tạo tiền chủ yếu khi mang về cho DCM 4.423 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2022, kết quả này chủ yếu đến từ việc lợi nhuận hoạt động của Công ty tăng mạnh cũng như việc quản lý tài sản, công nợ ổn định. Nguồn tiền có được từ hoạt động kinh doanh được sau đó được Công ty sử dụng vào hoạt động đầu tư (chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn) và hoạt động tài chính (đẩy mạnh hoàn trả các khoản vay, trả cổ tức cho cổ đông).

Nhận xét

Kết quả đạt được từ hoạt động kinh doanh của Đạm Cà Mau trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2022 là rất tích cực khi so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ lực như phân ure, phân NKP được hưởng lợi cả về giá bán lẫn sản lượng tiêu thụ nên doanh thu bán hàng của Công ty tăng mạnh so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, các loại chi phí như giá vốn, chi phí bán hàng, cũng được Công ty kiểm soát khá tốt, tốc độ tăng chậm hơn so với doanh thu nên biên lợi nhuận của được cải thiện khá nhanh. Từ đó, con số lợi nhuận 9 tháng cũng tăng đột biến, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng doanh thu và lợi nhuận của DCM đã đạt đỉnh trong quý 1/2022 và bắt đầu giảm dần trong 2 quý gần nhất.

Tình hình tài chính của DCM tiếp tục được duy trì được sự ổn định và an toàn. Điều này phần nào được thể hiện qua tỷ trọng vay nợ nhỏ, chỉ chiếm gần 28% trong tổng nguồn vốn. Hoạt động kinh doanh cũng tạo ra được dòng tiền mạnh giúp công ty có lượng thanh khoản dồi dào, làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư cũng như đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ, vay.

THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch

Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.


Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.
Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636

XEM THÊM: