[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu DGW (Digiworld)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của DGW

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của DGW

Dựa trên BCTC của Digiworld, có thể rút ra một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quý 4 và lũy kế cả năm 2022 của Công ty như sau:

  • Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 4/2022 của DGW đạt 4.075 tỷ đồng và đã bất ngờ quay đầu giảm mạnh (-48,2%) so với cùng kỳ, sau khi đã tăng trưởng tương đối tốt trong 3 quý đầu năm. Cộng với việc chi phí tài chính trong quý tăng mạnh đã khiến cho lợi nhuận sau thuế ghi nhận trong quý 4 giảm 52% so với cùng kỳ năm 2021.
  • Kết quả kém tích cực trong quý 4 cũng đã kéo giảm tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của cả năm 2022. Cụ thể, doanh thu năm 2022 ghi nhận ở mức 22.059 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,5% và lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 683,6 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm 2021. Đồng thời, Công ty chỉ hoàn thành 84% kế hoạch doanh thu và 86% kế hoạch lợi nhuận của năm 2022.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của DGW

Về mặt tài sản:

  • Tổng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của DGW tại cuối năm 2022 đạt mức 6.355 tỷ đồng, và giảm nhẹ 2,9% so với thời điểm đầu năm. Đa phần tài sản của Digiworld là các loại tài sản ngắn hạn (chiếm đến 91% tổng tài sản). Trong đó, hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn (chủ yếu là phải thu khách hàng) đang là hai khoản mục quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của DGW với lần lượt 51,2% và 24,8%. Nói chung, cơ cấu tài sản như trên là tương đối phù hợp với hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ của Công ty.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại cuối quý 4/2022, tổng nợ phải trả hợp nhất của DGW là 3.932 tỷ đồng, giảm đàng kể (-17,5%) so với thời điểm đầu năm. Điều này khiến cho tỷ trọng nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của DGW giảm từ mức 72,7% hồi đầu năm về còn 61,9%. Phần lớn nợ phải trả của Digiworld là các khoản ngắn hạn, trong đó, khoản có tỷ trọng lớn nhất là vay ngân hàng ngắn hạn với số dư gần 1.915 tỷ, tăng mạnh hơn 71% kể từ đầu năm. Khoản phải trả người bán cũng chiếm tỷ trọng cao (19% tổng nguồn vốn) nhưng đã giảm hơn một nửa so với mức đầu năm.
  • Tóm lại, cơ cấu tài chính của DGW đang khá phụ thuộc vào nguồn vốn nợ, đòn bẩy tài chính tương đối cao khi nợ phải trả đang gấp 1.62 lần vốn chủ sở hữu, nhưng đây cũng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ khác. Các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của Công ty cũng chỉ ở mức tương đối đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành = 1,5 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0,65 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Trong năm 2022, tổng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DGW ở mức âm 1.176 tỷ đồng và sụt giảm mạnh so với mức thu ròng 149 tỷ của năm 2021. Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ việc trong năm Công ty đã đẩy mạnh hoàn trả các khoản nợ người bán. Do thiếu hụt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh nên Công ty phải tăng cường huy động thông qua hoạt động tài chính (thu ròng về gần 770 tỷ đồng) mà cụ thể là vay ngân hàng ngắn hạn và một phần nhỏ thông qua phát hành thêm cổ phiếu.
  • Tổng hợp lại, tổng lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của Digiworld ở mức âm 666,5 tỷ đồng, dẫn đến số dư tiền và tương đương tiền cuối năm giảm mạnh gần 45% so với đầu năm và ở mức 1.494 tỷ đồng.

Nhận xét

Kết quả kinh doanh của DGW đã bất ngờ quay đầu đi xuống trong quý 4/2022 sau khi đã tăng trưởng khá tích cực trong ba quý đầu năm. Doanh thu bán hàng quý này đã giảm mạnh 48% so với cùng kỳ do nhau cầu mảng máy tính xách tay suy giảm sau giai đoạn bùng nổ do xu hướng làm viêc tại nhà, mảng kinh doanh điện thoại cũng kém tích cực do nhu cầu tiêu dùng giảm xuống trong bối cảnh kinh thế sụt giảm. Đồng thời, chi phí tài chính cũng tăng nhanh khiến cho lãi sau thuế quý 4/2022 giảm mạnh 52% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, Công ty cần chú ý hơn về mặt quản lý dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 đã thâm hụt khá mạnh sau khi Công ty tăng cường trả các khoản nợ cho nhà cung cấp. Điều này dẫn đến việc đã dẫn đến việc DGW phải huy động thêm từ nguồn vay nợ ngân hàng, kéo theo chi phí lãi vay tăng cao.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của DGW

Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa trên BCTC của Digiworld, có thể rút ra một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 của Công ty như sau:

  • Trong quý 3/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của DGW tăng khá đột biến (+58,6%) từ mức nền so sánh thấp của quý 3/2021, góp phần đưa doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 17.984 tỷ đồng cùng mức tăng tích cực (37,8%) so với cùng kỳ năm 2021.
  • Giá vốn hàng bán trong 9 tháng tăng không quá mạnh nên lợi nhuận gộp trong kỳ của DGW có mức tăng tốt (+32,8%). Doanh thu từ hoạt động tài chính 9 tháng cũng tăng 25,7% với đóng góp chủ yếu từ lãi chênh lệch tỷ giá và chiết khấu thanh toán được hưởng.
  • Về mặt chi phí, chi phí tài chính lũy kế 3 quý đầu năm tăng mạnh 242% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng cao. Nhưng bù lại khoản chi phí hoạt động lớn nhất là chi phí bán hàng được kiểm soát khá tốt, chỉ tăng nhẹ 0,4%, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của doanh thu
  • Sau khi tổng hợp các khoản doanh thu và chi phí, Digiworld ghi nhận lãi sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 528 tỷ đồng, tăng mạnh gần 60% so với cùng kỳ năm 2021. So với kế hoạch kinh doanh của năm 2022 thì Công ty đã hoàn thành 68% mục tiêu doanh thu và 66% mục tiêu lợi nhuận.

Tình hình tài chính

Về mặt tài sản

  • Tổng giá trị tài sản của DGW tại cuối quý 3/2022 đạt mức 6.609,8 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với thời điểm đầu năm. Đa phần tài sản của Digiworld là các loại tài sản ngắn hạn (chiếm đến gấn 92% tổng tài sản), trong đó hàng tồn kho và các khoản phải thu ngắn hạn (chủ yếu là phải thu khách hàng) đang là hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của DGW với lần lượt 41% và 34%. Nhìn chung, cơ cấu tài sản như trên là tương đối hợp lý với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ của Công ty.

Về mặt nguồn vốn

  • Tổng nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán cuối quý 3 của DGW là 4.369 tỷ đồng, giảm 8,3% so với thời điểm đầu năm. Tuy vậy, tỷ trọng nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của Công ty vẫn đang ở mức khá cao với 66%. Phần lớn nợ phải trả của Digiworld là các khoản ngắn hạn, trong đó, khoản có tỷ trọng lớn nhất là vay ngân hàng ngắn hạn với số dư 2.372,4 tỷ, tăng mạnh hơn 112% kể từ đầu năm. Khoản phải trả người bán cũng chiếm tỷ trọng cao (21,7% tổng nguồn vốn) nhưng đã giảm gần một nửa so với mức đầu năm.
  • Cơ cấu nguồn vốn của DGW đang khá phụ thuộc vào nguồn vốn vay, nợ, nhưng đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại, bán lẻ khác. Các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của Công ty cũng chỉ ở mức tương đối đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành = 1,39 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0,77 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Trong 9 tháng đầu năm 2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của DGW ở mức âm 1.437 tỷ đồng, chưa tương xứng với kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng tích cực. Nguyên nhân chính của tình trạng này đến từ việc trong kỳ Công ty đã đẩy mạnh hoàn trả các khoản nợ người bán.
  • Việc thiếu hụt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh khiến cho Công ty phải tăng cường huy động thông qua hoạt động tài chính (thu ròng về gần 1.187 tỷ đồng) mà cụ thể là vay ngân hàng ngắn hạn và một phần nhỏ thông qua phát hành thêm cổ phiếu.
  • Tổng hợp lại, lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng đầu năm của Digiworld ở mức âm 597 tỷ, khiến cho số dư tiền và tương đương tiền cuối quý 3/2022 giảm 34% so với mức đầu năm.

Nhận xét

Kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 của Digiworld nhìn chung đã có sự tăng trưởng tích cực. Doanh số bán các sản phẩm cốt lõi như điện thoại di động, máy tính xách tay, thiết bị văn phòng đều tăng tốt, giúp cho doanh thu 9 tháng tăng mạnh gần 38%. Đồng thời giá vốn hàng bán cùng các chi phí hoạt động khác được kiểm soát khá tốt nên lợi nhuận sau thuế đạt được trong 9 tháng tăng đến gần 60% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, Công ty cần chú ý hơn về mặt quản lý dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đã thâm hụt khá mạnh sau khi Công ty tăng cường trả các khoản nợ cho nhà cung cấp. Điều này dẫn đến việc đã dẫn đến việc DGW phải huy động thêm từ nguồn vay nợ ngân hàng, kéo theo chi phí lãi vay tăng cao.

Mở tài khoản chứng khoán VPS để đồng hành cùng Đầu Tư Từ Đâu và luôn được cập nhật các mã cổ phiếu khỏe nhất thị trường

Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu