[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu DIG (DIC Corp)
Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của DIG
Kết quả kinh doanh

Kết quả kinh doanh quý 4 và lũy kế cả năm 2022 của DIG có một số điểm đáng chú ý như sau:
- Trong quý 4/2022, doanh thu bán hàng của DIG chỉ đạt mức 390,8 tỷ đồng và tiếp tục ghi nhận mức giảm mạnh (-57,2%) so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cũng giảm theo doanh thu nhưng với tốc độ chậm hơn (-45,7%) dẫn đến lợi nhuận gộp quý 4 giảm rất mạnh (-72,3%). Mặc dù Công ty đã tiết giảm khá tốt các chi phí hoạt động như chi phí bán hàng giảm 60%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 6,1% nhưng cũng không bù đắp được sự sụt giảm của doanh thu. Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế của DIG trong quý 4 đã giảm đến 99,7% so với cùng kỳ năm 2021 và chỉ đạt mức khiêm tốn là 2,7 tỷ đồng.
- Đồng thời, kết quả kinh doanh lũy kế cả năm 2022 của DIG cũng không mấy tích cực. Trong đó, doanh thu năm 2022 đạt 1.909 tỷ đồng, giảm 25,7% so năm trước. Mặt khác, chi phí tài chính cũng tăng rất mạnh (+158,7%) do chi phí lãi vay cao, lợi nhuận từ hoạt động khác cũng giảm đến 98% do không còn ghi nhận khoản thu đột biến từ đánh giá lại tài sản. Những điều trên khiến cho, lãi sau thuế của Công ty giảm mạnh gần 85% so với năm 2021. Vì vậy, khi so với kế hoạch kinh doanh của năm 2022, DIG chỉ hoàn thành 38,38% mục tiêu doanh thu và 10,37% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản:
- Trong năm 2022, giá trị tổng tài sản hợp nhất của DIG đã có giảm khá mạnh (-12,5%) và đạt mức 14.743 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm. Trong cơ cấu tài sản của DIG, các loại tài sản có tính chất ngắn hạn đang chiếm phần lớn với tỷ trọng gần 74% tổng tài sản. Trong đó, hàng tồn kho đang là khoản mục có giá trị lớn nhất, chiếm 35,6% tổng tài sản của Công ty. Ngoài ra, hàng tồn kho (chủ yếu là chi phí xây dựng các dự án bất động sản dở dang) cũng đã tăng mạnh 54% so với đầu năm phần nào cho thấy Công ty vẫn tích cực triển khai đầu tư, xây dựng các dự án của mình. Đây sẽ là nguồn hàng hóa lớn, tiềm năng mang lại doanh thu khi Công ty hoàn thành xây dựng và cung cấp ra thị trường bất động sản.
Về mặt nguồn vốn:
- Tại cuối quý 4/2022, tổng nợ phải trả của DIG ở mức gần 6.966 tỷ đồng, giảm mạnh gần 24% kể từ đầu năm và chỉ còn chiếm tỷ trọng 47,4% trong tổng nguồn vốn của Công ty. Trong số nợ phải trả của DIG thì các khoản vay tài chính (ngân hàng, trái phiếu) dài hạn đang là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 19,3% tổng nguồn vốn, nhưng số dư các khoản vay dài hạn này đã giảm mạnh 34% trong năm 2022, chủ yếu do Công ty đã chủ động mua lại nhiều lô trái phiếu dài hạn đã phát hành của mình.
- Nhìn chung, cơ cấu tài chính của DIG vẫn còn khá cân bằng giữa vốn nợ và vốn chủ sở hữu, đòn bẩy tài chính sử dụng ở mức vừa phải. Các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cũng đang ở mức khá tốt với tỷ số thanh toán hiện hành là 2,7 lần và tỷ số thanh toán nhanh là 1,3 lần.
Tình hình dòng tiền
- Do kết quả doanh thu và lợi nhuận giảm sút mạnh nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của DIG trong năm 2022 tiếp tục âm mạnh 2.531 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức âm 801 tỷ đồng của năm 2021. Nguyên nhân của mức sụt giảm trên chủ yếu do dòng tiền dùng để chi trả cho nhà cung cấp, trả lãi vay và chi khác cho hoạt động kinh doanh tăng mạnh.
- Để bù đắp thiếu hụt của dòng tiền kinh doanh, Công ty đã đẩy mạnh thu hồi các khoản cho vay, đầu tư công cụ nợ trong hoạt động đầu tư và thu ròng về 2.951 tỷ đồng. Ngoài ra, DIG cũng tăng cường trả nợ gốc vay, đặc biệt là mua lại các trái phiếu đã phát hành với số tiền chi ròng ra là 1.174 tỷ đồng. Tổng hợp lại, lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của DIG ở mức âm 754 tỷ đồng và khiến cho số dư tiền mặt cuối năm của Công ty giảm mạnh 75% và chỉ còn 246 tỷ đồng.
Nhận xét
Tình hình kinh doanh của DIG trong quý 4 cũng như cả năm 2022 nói chung là kém tích cực. Tình hình thị trường bất động sản không thuận lợi khiến cho doanh thu quý 4 giảm hơn một nửa so với cùng kỳ đồng thời chi phí tài chính tăng mạnh đã khiến cho Công ty chỉ có lãi khiêm tốn 2,7 tỷ đồng, giảm 99,7% so với quý 4/2021.
Tuy kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh nhưng tình hình tài sản và nguồn vốn của DIG về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định. Công ty vẫn tích cực đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản của mình, thể hiện qua số dư hàng tồn kho tăng khá mạnh. Cơ cấu vốn của DIG vẫn tương đối an toàn, đòn bẩy tài chính ở mức độ vừa phải khi vốn nợ và vốn chủ sở hữu khá cân bằng nhau. Tuy vậy, Công ty cần chú ý hơn về mặt quản lý dòng tiền khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 âm mạnh 2.531 tỷ đồng.
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của DIG
Về mặt kết quả kinh doanh
Dựa trên BCTC, có thể rút ra một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 của DIG như sau:

- Trong quý 3/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của DIG ghi nhận mức giảm khá mạnh (-21,3%) so với cùng kỳ và đạt mức 423,6 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng giảm cũng kéo theo chí phí giá vốn, chí bán hàng trong kỳ giảm với tỷ lệ tương đương. Doanh thu từ hoạt động tài chính của DIG tăng khá đột biến (236,8%) nhờ lãi tiền gửi, cho vay nhưng ở chiều ngược lại chi phí tài chính cũng tăng nhanh (+154,9%) do chi phí lãi vay. Sau khi tổng hợp các khoản doanh thu và chi phí, DIG ghi nhận mức lỗ sau thuế quý 3/2022 là 0,97 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với con số lãi 42,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021.
- Lũy kế 3 quý đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của DIG cũng không mấy tích cực. Cụ thể, doanh thu trong 9 tháng đạt 1.517 tỷ đồng, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, chi phí tài chính cũng tăng rất mạnh do chi phí lãi vay cao. Từ đó khiến cho, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 20,5% so với cùng kỳ và nhờ lợi nhuận từ các hoạt động khác được cải thiện mà Công ty mới có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 2,2% so với cùng thời điểm năm 2021. So với kế hoạch kinh doanh của năm 2022 thì Công ty mới chỉ hoàn thành 10,2% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản
Tại cuối quý 3/2022, tổng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán hợp nhất của DIG là 15.829 tỷ đồng, giảm 6% so với thời điểm đầu năm. Trong cơ cấu tài sản của DIG, các loại tài sản có tính chất ngắn hạn đang chiếm phần lớn với tỷ trọng 77% tổng tài sản. Trong đó, hàng tồn kho đang là khoản mục có giá trị lớn nhất, chiếm 35,6% tổng tài sản của Công ty. Ngoài ra, hàng tồn kho (chủ yếu là chi phí xây dựng các dự án bất động sản dở dang) cũng đã tăng mạnh 46,4% so với đầu năm phần nào cho thấy Công ty vẫn tích cực triển khai đầu tư, xây dựng các dự án của mình.
Về mặt nguồn vốn
- Tại cuối quý 3/2022, tổng nợ phải trả của DIG ở mức 8.309 tỷ đồng, giảm 9,4% kể từ đầu năm và đang chiếm tỷ trọng 52,5% trong tổng nguồn vốn của Công ty. Trong số nợ phải trả của DIG thì các khoản vay tài chính (ngân hàng, trái phiếu) dài hạn đang là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 28,4% tổng nguồn vốn, vay ngân hàng ngắn hạn của Công ty cũng tăng mạnh 31,5% so với đầu năm và đang chiếm 5,1% tổng nguồn vốn.
- Cơ cấu vốn của DIG nói chung vẫn khá cân bằng giữa vốn nợ và vốn chủ sở hữu. Các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cũng đang ở mức khá tốt với tỷ số thanh toán hiện hành là 3,4 lần và tỷ số thanh toán nhanh là 1,8 lần.
Tình hình dòng tiền
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của DIG trong 9 tháng đầu năm 2022 ở mức âm 2.380 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức âm 353 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân của mức sụt giảm trên chủ yếu do dòng tiền dùng để chi trả cho nhà cung cấp, trả lãi vay và chi khác cho hoạt động kinh doanh tăng mạnh.
- Để bủ đắp thiếu hụt của dòng tiền kinh doanh, Công ty đã đẩy mạnh thu hồi các khoản cho vay, đầu tư công cụ nợ trong hoạt động đầu tư cũng như huy động thêm từ hoạt động tài chính thông qua vay nợ. Tổng hợp lại, trong 9 tháng đầu năm, tổng lưu chuyển tiền thuần của DIG là âm 17,7 tỷ đồng, số dư tiền và tương đương tiền giảm nhẹ xuống mức 982 tỷ đồng.
Nhận xét
Kết quả kinh doanh của DIG trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2022 nhìn chung chưa có sự tích cực. Doanh thu quý 3 giảm khá mạnh (-21%) đồng thời chi phí tài chính tăng mạnh đã khiến cho Công ty chịu lỗ sau thuế. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ nhưng mức tăng này chủ yếu do đóng góp từ nguồn lợi nhuận khác, còn thu nhập từ hoạt động kinh doanh cốt lõi thì lại suy giảm so.
Tình hình tài sản và nguồn vốn của DIG về cơ bản vẫn duy trì được sự ổn định. Công ty vẫn tích cực đầu tư, xây dựng các dự án bất động sản của mình, thể hiện qua số dư hàng tồn kho tăng khá mạnh. Cơ cấu vốn của DIG vẫn tương đối an toàn, đòn bẩy tài chính ở mức độ vừa phải khi vốn nợ và vốn chủ sở hữu khá cân bằng nhau. Tuy vậy, Công ty cần chú ý hơn về mặt quản lý dòng tiền khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng đầu năm âm mạnh 2.380 tỷ đồng.
Mở tài khoản chứng khoán VPS để đồng hành cùng Đầu Tư Từ Đâu và luôn được cập nhật các mã cổ phiếu khỏe nhất thị trường
Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu
Xem thêm:
- Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu? 5 công ty tốt nhất
- 5 công ty chứng khoán tốt nhất cho người mới bắt đầu năm 2023
- 5 cổ phiếu tốt nhất để đầu tư cho người mới bắt đầu năm 2023
- Cách đầu tư vào Quỹ ETF cho người mới bắt đầu
- Cách đơn giản để mua cổ phiếu Hòa Phát (HPG)
- Cách mua cổ phiếu online cho người mới bắt đầu
Folllow chuyên gia của chúng tôi
Đăng ký mở tài khoản chứng khoán
Khóa học đầu tư thực chiến online miễn phí
Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư với chuyên gia
