[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu DXG (Tập đoàn Đất Xanh)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 2/2023 của DXG
  • Kết quả hoạt động của DXG trong quý 2/2023 vẫn chưa có quá nhiều sự cải thiện. Cụ thể, doanh thu bán hàng hợp nhất quý này đạt gần 714 tỷ đồng và giảm gần 54% so với cùng kỳ. Kết hợp với mức giảm mạnh gần 79% của quý đầu năm đã khiến cho doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 của Công ty đi xuống 67,3% so với cùng thời điểm năm 2022.
  • Về phần chi phí, giá vốn hàng bán trong quý 2 cũng giảm theo doanh thu nhưng với tốc độ chậm hơn nên biên lợi nhuận gộp quý này cũng suy giảm đáng kể. Chi phí tài chính trong quý đã tăng 37,5% nhưng ở chiều ngược lại Công ty đã quản lý khá tốt các chi phí hoạt động khác như chi phí bán hàng giảm 60,6% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 63,3%. Tuy vậy, sau khi khấu trừ tất cả các loại chi phí, Đất Xanh chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2 ở mức 157 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ. Đồng thời, lợi nhuận lũy kế 6 tháng của Công ty chỉ đạt gần 40 tỷ đồng (chủ yếu do mức lỗ 117 tỷ của quý đầu năm) và suy giảm đến 94%.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 2/2023 của DXG

Về mặt tài sản

  • Trong quý 2/2023, quy mô tài sản của DXG gần như chỉ đi ngang so với đầu năm và đạt mức 30.498 tỷ đồng tại cuối quý. Trong cơ cấu tài sản của Đất Xanh, đa phần là các khoản mang tính chất ngắn hạn (chiếm đến 90,2% tổng giá trị tài sản). Trong đó, hàng tồn kho tiếp tục là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của Công ty với 48,5%, đồng thời, số dư hàng tồn kho cũng tăng đáng kể (+5,4%) kể từ đầu năm (chủ yếu do tăng bất động sản dở dang và hàng hóa bất động sản). Điều này cho thấy Công ty vẫn tiếp tục đầu tư xây, dựng các dự án bất động sản của mình, nhưng lại gặp khó khăn trong khâu bán hàng.

Về mặt nguồn vốn

  • Kết thúc quý 2/2023, tổng các khoản nợ phải trả của DXG ở mức 16.372 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,8% kể từ đầu năm và đang chiếm tỷ trọng gần 54% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu…) cả ngắn hạn và dài hạn là 6.027 tỷ đồng, tăng 4,4% kể từ đầu năm và chiếm tỷ trọng 19.8% tổng nguồn vốn của Công ty.
  • Tóm lại, cơ cấu tài chính của DXG vẫn chưa phải là mất cân bằng khi tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu đang ở mức 1.56 lần. Đồng thời, khả năng thanh toán các khoản nợ nắm hạn của Công ty cũng tương đối đảm bảo (tỷ lệ thanh toán hiện hành = 2,1 lần, tỷ lệ thanh toán nhanh = 0,97 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần của DXG trong hai quý đầu năm 2023 ghi nhận ở mức âm 464 tỷ đồng và khiến cho số dư tiền và tương đương tiền cuối quý giảm mạnh về mức 455 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với đầu năm. Nguyên nhân khiến cho dòng tiền thuần của DXG bị thâm hụt mạnh chủ yếu do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm 570 tỷ đồng, khi doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh cộng với việc Công ty tiếp tục gia tăng hàng tồn kho.
  • Đồng thời, Công ty cũng chi tiền mạnh cho hoạt động đầu tư mà chủ yếu là đầu tư và công cụ nợ của các đơn vị khác và một phần để mua sắm, xây dựng tài sản cố định. Do dòng tiền thâm hụt từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư nên DXG vẫn tiếp tục huy động từ nguồn đi vay cũng như phát hành thêm cổ phiếu, thu về 228 tỷ đồng từ hoạt động tài chính để bù đắp.

Tổng kết

Tiếp nối sự sụt giảm của quý đầu năm, hoạt động kinh doanh của DXG trong quý 2/2023 nói chung vẫn chưa có được sự tích cực. Cụ thể, mảng hoạt động chính là dịch vụ môi giới và bán căn hộ, đất nền tiếp tục suy giảm, dẫn đến tổng doanh thu hợp nhất quý này giảm gần 54% so với cùng kỳ năm 2022. Mặc dù Công ty đã tích cực tiết giảm các chi phí hoạt động, nhưng điều này là không đủ để bù đắp sự sụt giảm về doanh thu nên lợi nhuận ròng quý 2 của Công ty vẫn tiếp tục suy giảm 40% so với cùng kỳ. .

Mặc dù kết quả kinh doanh kém khả quan nhưng mặt tài chính của DXG nói chung vẫn duy trì được sự ổn định. Tuy các khoản nợ vay ngân hàng, trái phiếu của Công ty vẫn tăng đáng kể trong kỳ nhưng cơ cấu vốn của Công ty vẫn còn tương đối cân bằng và đòn bẩy tài chính chưa cao với tỷ trọng nợ phải trả trong tổng nguồn vốn đang là 54%. Đồng thời, các hệ số về thanh khoản và khả năng thanh toán đang ở mức đảm bảo.  


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 1/2023 của DXG

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1/2023 của DXG
  • Trong quý 1/2023, doanh thu từ hai mảng kinh doanh chính của Đất Xanh là dịch vụ môi giới và đầu tư phát triển bất động sản đều sụt giảm mạnh, dẫn đến tổng doanh thu kinh doanh hợp nhất chỉ đạt 378 tỷ đồng, giảm đến gần 79% so với cùng kỳ năm trước.
  • Giá vốn kinh doanh trong kỳ cũng giảm cùng với doanh thu nhưng với tốc độ có phần chậm hơn nên biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp đáng kể. Ngoài ra, Công ty cũng đã tiết giảm tích cực một số loại chi phí hoạt động như chi phí bán hàng giản 70% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 45,9%, nhưng ở mặt khác, chi phí tài chính vẫn tăng 38,6% do ảnh hưởng của lãi vay duy trì ở mức cao. Tổng kết lại, trong quý 1/2023, DXG tiếp tục ghi nhận lỗ sau thuế quý thứ 2 liên tiếp, ở mức (-117) tỷ đồng nhưng quy mô lỗ đã giảm rất nhiều so với quý trước.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1/2023 của DXG

Về mặt tài sản:

  • Trong quý 1/2023, quy mô tài sản hợp nhất của DXG hầu như đi ngang so với đầu năm và đạt gần 30.480 tỷ đồng tại cuối quý. Về mặt cơ cấu, đa phần tài sản của DXG là khoản mang tính chất ngắn hạn (chiếm đến 90,1% tổng tài sản). Trong đó, hàng tồn kho đang là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của Công ty với 49.6%, đồng thời, số dư hàng tồn kho cũng tăng đáng kể với 7,7% kể từ đầu năm (chủ yếu do tăng bất động sản dở dang và hàng hóa bất động sản). Điều này cho thấy Công ty vẫn tiếp tục đầu tư xây, dựng các dự án bất động sản của mình, nhưng lại gặp khó khăn trong khâu bán hàng.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại cuối quý 1/2023, tổng các khoản nợ phải trả của DXG ở mức 16.472 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% kể từ đầu năm và đang chiếm tỷ trọng 54% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu…) cả ngắn hạn và dài hạn là 5.965 tỷ đồng, tăng 3,3% trong quý và chiếm gần 20% tổng nguồn vốn của DXG.
  • Nhìn chung, cơ cấu tài chính của DXG vẫn chưa phải là mất cân bằng khi vốn chủ sở hữu vẫn còn chiếm 46% tổng nguồn vốn. Khả năng thanh toán các khoản nợ nắm hạn của Công ty cũng tương đối đảm bảo (tỷ lệ thanh toán hiện hành = 2,22 lần, tỷ lệ thanh toán nhanh = 0,99 lần)

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần của DXG trong quý 1/2023 ghi nhận ở mức âm 307,8 tỷ đồng và khiến cho số dư tiền và tương đương tiền cuối quý tụt về mức 615 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với đầu năm.
  • Nguyên nhân khiến cho dòng tiền thuần của DXG bị thâm hụt mạnh trong quý này chủ yếu do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm 204 tỷ đồng, khi doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh cộng với việc Công ty tiếp tục gia tăng hàng tồn kho. Đồng thời, Công ty cũng chi tiền mạnh cho hoạt động đầu tư mà chủ yếu là đầu tư và công cụ nợ của các đơn vị khác và một phần để mua sắm, xây dựng tài sản cố định. Ngoài ra, DXC cũng tiếp tục huy động từ nguồn đi vay cũng như phát hành thêm cổ phiếu, thu về 192 tỷ đồng từ hoạt động tài chính để bù đắp thiếu hụt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Tổng kết

Kết quả kinh doanh của DXG trong quý đầu của năm 2023 nói chung vẫn chưa có điểm gì khả quan. Các mảng hoạt động chính là dịch vụ môi giới và bán căn hộ, đất nền tiếp tục suy giảm, dẫn đến tổng doanh thu hợp nhất quý này giảm đến gần 79% so với quý 1/2022. Đồng thời doanh thu cũng không đủ để bù đắp cho các khoản chi phí kinh doanh phát sinh, kéo theo Công ty đã phải ghi nhận khoản lỗ sau thuế quý thứ 2 liên tiếp với hơn 117tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ này đã giảm nhiều so với mức hơn 420 tỷ của quý 4/2022.

Mặc dù kết quả kinh doanh kém tích cực nhưng tình hình tài chính của DXG nói chung vẫn duy trì được sự ổn định. Tuy các khoản nợ vay ngân hàng, trái phiếu của Công ty vẫn tăng đáng kể trong kỳ nhưng cơ cấu vốn của Công ty vẫn còn cân bằng và đòn bẩy tài chính chưa cao với tỷ trọng nợ phải trả trong tổng nguồn vốn đang là 54%. Đồng thời, các hệ số về thanh khoản và khả năng thanh toán đang ở mức tương đối đảm bảo.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của DXG

Kết quả kinh doanh

Dựa vào báo tài chính của DXG, có thể rút ra một số điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của DXG
  • Trong quý 4/2022, hoạt động kinh doanh của DXG thu về 987 tỷ đồng doanh thu thuần và tiếp tục ghi nhận đà sụt giảm mạnh (-56,6%) so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu của hai mảng quan trọng nhất bán căn hộ, đất nền và môi giới bất động sản đều sụt giảm mạnh lần lượt 69% và 56% so với cùng thời điểm năm 2021. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng sụt giảm 86,7% do trong kỳ hầu như không ghi nhận lãi từ hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư.
  • Về mặt chi phí, mặc dù công ty đã nỗ lực tiết giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 4, nhưng ở chiều ngược lại, chi phí tài chính lại tăng đáng kể (+24,5%) so với cùng kỳ. Vì vậy sau khi khấu từ tất cả các chi phí kinh doanh, DXG ghi nhận lỗ sau thuế quý này lên đến 460 tỷ đồng, so với mức lãi 245 tỷ của cùng kỳ. Kết quả kinh doanh ảm đạm của DXG cũng kéo dài xuyên suốt cả năm 2022, cụ thể, doanh thu cả năm 2022 giảm 44,7% và lợi nhuận sau thuế giảm 70,6% so với năm 2021.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của DXG

Về mặt tài sản:

  • Quy mô tổng tài sản của DXG tại cuối quý 4/2022 đạt 30.771 tỷ đồng và tăng 8,9% so với thời điểm đầu năm. Về mặt cơ cấu, đa phần tài sản của DXG là khoản mang tính chất ngắn hạn (chiếm đến 90,3% tổng tài sản). Trong đó, hàng tồn kho đang là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của Công ty với 46.3%, đồng thời, số dư hàng tồn kho cũng tăng 26,7% kể từ đầu năm (chủ yếu do tăng bất động sản dở dang và hàng hóa bất động sản). Điều này cho thấy Công ty vẫn tích cực đầu tư xây dựng các dự án của mình, nhưng lại gặp khó khăn trong khâu bán hàng.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại ngày 31/12/2022, tổng các khoản nợ phải trả của DXG ở mức 16.751 tỷ đồng, tăng 12,6% kể từ đầu năm và đang chiếm tỷ trọng 54,4% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu…) cả ngắn hạn và dài hạn là 5.771 tỷ đồng, chiếm gần 19% tổng nguồn vốn của DXG. Đáng chú ý, Công ty đã đẩy mạnh việc huy động thông qua vay ngân hàng và phát hành trái phiếu dài hạn (dư nợ tăng gần 147% so với mức đầu năm), nhưng lại tăng cường hoàn trả các khoản vay ngắn hạn (dư nợ giảm 31,7%)
  • Mặc dù số dư nợ phải trả mà đặc biệt là vay tài chính đã tăng khá mạnh trong năm 2022 nhưng cơ cấu vốn của DXG vẫn chưa phải là mất cân bằng khi vốn chủ sở hữu vẫn còn chiếm gần 46% tổng nguồn vốn. Khả năng thanh toán các khoản nợ nắm hạn của Công ty cũng tương đối đảm bảo (tỷ lệ thanh toán hiện hành = 2,18 lần, tỷ lệ thanh toán nhanh = 1,06 lần)

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần của DXG trong cả năm 2022 ghi nhận ở mức âm 1.819 tỷ đồng và khiến cho số dư tiền và tương đương tiền cuối năm tụt về mức 919 tỷ đồng, giảm hơn 66% so với đầu năm.
  • Nguyên nhân khiến cho dòng tiền thuần của DXG bị thâm hụt mạnh trong năm 2023 chủ yếu do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm đến 3.873 tỷ đồng, khi doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh cộng với việc Công ty tiếp tục gia tăng hàng tồn kho, đồng thời, dòng tiền cũng bị chiếm dụng bởi các khoản phải thu tăng lên. Ngoài ra, hoạt động đầu tư thu ròng 235 tỷ đồng do Công ty tăng cường thanh lý, thu hồi các khoản đầu tư tài chính. Ngoài ra, công ty cũng phải đẩy mạnh huy động từ đi vay và thu về gần 1.820 tỷ đồng từ hoạt động tài chính để bù đắp thiếu hụt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Nhận xét

Xét trên phương diện kết quả kinh doanh, DXG tiếp tục ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý 4. Trong đó, hai mảng hoạt động chính là bán căn hộ, đất nền và dịch vụ môi giới bất động sản đồng loạt giảm mạnh trên 50% so với cùng kỳ, kéo theo doanh thu quý 4 giảm 56,6%. Đồng thời doanh thu cũng không đủ để bù đắp cho các khoản chi phí kinh doanh phát sinh, kéo theo Công ty đã phải ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 460 tỷ đồng trong quý 4/2022. Tình trạng kém tích cực cũng duy trì xuyên suốt cả năm kinh doanh 2022 khi doanh thu năm giảm 44,7% và lợi nhuận sau thuế giảm 70,6% so với năm 2021.

Tuy kết quả kinh doanh kém khả quan nhưng tình hình tài chính của DXG nhìn chung vẫn duy trì được sự ổn định. Mặc dù các khoản nợ vay ngân hàng, trái phiếu của Công ty tăng mạnh trong kỳ nhưng cơ cấu vốn của Công ty vẫn còn cân bằng, đòn bẩy tài chính chưa cao (nợ phải trả đang chiếm 54% tổng nguồn vốn) và các hệ số về khả năng thanh toán đang ở mức tương đối đảm bảo. Công ty cũng tiếp tục đầu tư, xây dựng dự án, mở rộng hàng tồn kho, nhưng điều này đang góp phần làm cho dòng tiền kinh doanh của DXG bị sụt giảm mạnh.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của DXG

Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa vào báo tài chính của DXG, có thể rút ra một số điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 như sau:

kết quả kinh doanh DXG quý 3.2022
Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 3 của DXG
  • Trong quý 3/2022, hoạt động kinh doanh của DXG ghi nhận 1.255 tỷ đồng doanh thu thuần và nối tiếp đà sụt giảm từ hai quý đầu năm. Do đó, lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của DXG đã giảm khá mạnh hơn 41% so với cùng kỳ năm 2021. Do doanh thu giảm nên một số chi phí trong kỳ của DXG cũng giảm theo, cụ thể, giá vốn hàng bán 9 tháng giảm 37,6%, chi phí bán hàng cũng giảm 48% so với cùng kỳ.
  • Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính trong 9 tháng của DXG đạt gần 430 tăng đột biến hơn 360% so với cùng kỳ (chủ yếu đến từ lãi thanh lý các khoản đầu tư), đóng góp khá nhiều vào kết quả lợi nhuận chung của Công ty.
  • Sau khi tổng hợp các khoản doanh thu và chi phí, DXG ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 có phần cải thiện, đạt 258,5 tỷ đồng, tăng 61,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do kết quả kinh doanh suy giảm mạnh trong 2 quý đầu năm nên lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của DXG ghi nhận giảm hơn 31% so với cùng thời điểm năm 2021. So với kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm, Công ty mới chỉ hoàn thành 42% chỉ tiêu doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận của năm 2022.

Tình hình tài chính

tình hình tài chính DXG quý 3.2022
Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 3 của DXG

Về mặt tài sản

  • Quy mô tổng tài sản của DXG tại cuối quý 3/2022 đạt 31.301 tỷ đồng và tăng 10,8% so với thời điểm đầu năm. Về mặt cơ cấu, hầu hết tài sản của DXG là các loại tài sản ngắn hạn (chiếm đến 91,3% tổng tài sản). Trong đó, hàng tồn kho đang là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của DXG với 45.1%, ngoài ra, số dư hàng tồn kho cũng tăng 25% kể từ đầu năm (chủ yếu do tăng bất động sản dở dang và hàng hóa bất động sản). Điều này cho thấy Công ty vẫn tích cực đầu tư xây dựng các dự án của mình.

Về mặt nguồn vốn

  • Tại ngày 30/9/2022, tổng các khoản nợ phải trả của DXG ở mức 16.725 tỷ đồng, tăng 12,5% kể từ đầu năm và chiếm tỷ trọng 53,4% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu…) cả ngắn hạn và dài hạn là 9.983 tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng nguồn vốn của DXG. Đáng chú ý, Công ty cũng đẩy mạnh việc huy động thông qua vay ngân hàng và phát hành trái phiếu dài hạn (dư nợ tăng gần 92% so với mức đầu năm).
  • Nhìn chung, cơ cấu vốn của DXG đang khá cân bằng giữa vốn nợ và vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu chiếm gần 47% tổng nguồn vốn). Khả năng thanh toán các khoản nợ nắm hạn của Công ty cũng tương đối đảm bảo (tỷ lệ thanh toán hiện hành = 1,87 lần, tỷ lệ thanh toán nhanh = 1,04 lần)

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần của DXG trong 9 tháng đầu năm ghi nhận ở mức âm 1.661 tỷ đồng, khiến cho số dư tiền và tương đương tiền cuối quý 3 giảm hơn 60% so với mức đầu năm.
  • Nguyên nhân khiến cho dòng tiền thuần của DXG bị hao hụt mạnh trong 3 quý đầu năm chủ yếu do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm đến 3.776 tỷ đồng, khi doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh cộng với việc Công ty tiếp tục gia tăng hàng tồn kho, dòng tiền cũng bị chiếm dụng bởi các khoản phải thu tăng lên. Ngoài ra, hoạt động đầu tư thu ròng 346 tỷ đồng do Công ty tăng cường thanh lý, thu hồi các khoản đầu tư tài chính. Công ty cũng đẩy mạnh huy động từ đi vay và thu về gần 1.770 tỷ đồng từ hoạt động tài chính để bù đắp thiếu hụt dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

XEM THÊM:
Cổ phiếu DXG – Kỳ vọng dự án GemSky World – 14.02.2022
Cổ phiếu HDG – Điểm giao thoa của năng lượng và bất động sản – 01.07.2022

Nhận xét

Xét trên phương diện kết quả kinh doanh, con số lợi nhuận của DXG trong quý 3/2022 có phần được cải thiện (tăng 61% so với cùng kỳ), tuy nhiên, do kết quả hai quý đầu năm kém khả quan nên doanh thu và lợi nhuận lũy kế 9 tháng của DXG vẫn suy giảm mạnh so với cùng thời điểm năm 2021. Công ty vẫn còn cách khá xa so với mục tiêu lợi nhuận đề ra từ đầu năm khi mới hoàn thành được 40% chỉ tiêu.

Tình hình tài chính của DXG nhìn chung vẫn duy trì được sự ổn định. Mặc dù các khoản nợ vay ngân hàng, trái phiếu của Công ty tăng mạnh trong kỳ nhưng cơ cấu vốn của Công ty vẫn còn cân bằng, đòn bẩy tài chính chưa cao (nợ phải trả đang chiếm 53% tổng nguồn vốn) và các hệ số về khả năng thanh toán đang ở mức tương đối đảm bảo. Công ty cũng tiếp tục đầu tư, xây dựng dự án, mở rộng hàng tồn kho, nhưng điều này đang góp phần làm cho dòng tiền kinh doanh của DXG bị sụt giảm mạnh.

THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch

Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.


Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.
Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636