[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu GMD (Gemadept)
Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của GMD
Kết quả kinh doanh
Dựa trên BCTC của Gemadept, có thể rút ra một số điểm nổi bật về hoạt động kinh doanh của Công ty trong quý 4 cũng như cả năm 2022 như sau:

- Trong quý 4/2022, hoạt động kinh doanh của GMD thu về 1.065,8 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng doanh thu trong quý này đã giảm khá nhiều so với mức bình quân hơn 30% của 9 tháng đầu năm.
- Về mặt chi phí, giá vốn hàng bán trong quý 4 giảm đáng kể 16,8% đã giúp cho lãi gộp của GMD tăng gần 50% so với cùng kỳ. Nhưng ở chiều ngược lại, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều có mức tăng mạnh lần lượt là 107,8% và 108,2% khi so với quý 4 năm trước. Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý 4/2022 chỉ có mức tăng nhẹ là 3,3% so với cùng kỳ và đạt mức 215,5 tỷ đồng.
- Tính vậy, khi tính chung cả năm 2022, kết quả kinh doanh của GMD vẫn có được sự tăng trưởng khá tích cực, nhờ đóng góp chủ yếu của ba quý đầu năm. Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 đạt 3.915,6 tỷ đồng, tăng 22,1% và lợi nhuận sau thuế đạt 720,6 tỷ, tương ứng với mức tăng 60,6% so với năm 2021. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra từ đầu năm thì GMD đã hoàn thành vượt 3% mục tiêu doanh thu và vượt 16% mục tiêu lợi nhuận của năm 2022.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản:
- Tổng tài sản của Gemadept tại cuối năm 2022 đã ghi nhận mức tăng đáng kể gần 23% so với đầu năm và đạt mức 13.190 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,5%. Mức tăng của trên của tổng tài sản chủ yếu đến từ các khoản mục như tài sản dở dang dài hạn (+62,5%) và tiền mặt (+114%).
- Trong cơ cấu tài sản của GMD, các loại tài sản dài hạn chiếm phần lớn với hơn 79%. Cụ thể hơn, các khoản mục quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị tài sản của Công ty là tài sản cố định (24,7%), đầu tư tài chính dài hạn (23,3%) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (21,5%). Nhìn chung, cơ cấu tài sản này là tương đối phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng, cảng biển cũng như cho thấy Công ty vẫn tích cực đầu tư, phát triển năng lực kinh doanh.
Về mặt nguồn vốn:
Tại ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả của GMD ở mức 5.246,6 tỷ đồng, tăng khá mạnh (+42,3%) so với thời điểm đầu năm và tỷ trọng nợ phải trả trong tổng nguồn vốn tại cuối năm cũng tăng lên mức 40%. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu khiến cho nợ phải trả của GMD tăng mạnh đến từ các khoản mục như phải trả ngắn hạn khác (tăng 360% do ghi nhận khoản nhận đặt cọc hơn 1000 tỷ đồng để bán vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ), phải trả người bán (tăng 120%) và vay ngân hàng dài hạn (tăng 40%).
Nhìn chung, mặc dù số dự nợ phải trả tăng tương đối mạnh nhưng cơ cấu vốn của Gemadept đang khá an toàn với vốn chủ sở hữu là nguồn tài trợ chính (chiếm 60%). Đồng thời, dư nợ các khoản nợ vay ngân hàng phải trả lãi cũng chưa phải là cao và cũng chiếm tỷ trọng vừa phải, khoản 15,4% tổng nguồn vốn của Công ty
Tình hình dòng tiền
- Tổng lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của GMD ở mức dương 725,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với chỉ 211 tỷ của năm 2021. Vì vậy đã giúp cho số dư tiền mặt cuối năm đạt 1.364 tỷ và tăng 114% so với mưc đầu năm.
- Trong cơ cấu dòng tiền của Gemadept, thu từ hoạt động kinh doanh vẫn tích cực và là nguồn tạo tiền chủ yếu khi mang về gần 2.333 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2021. Điều này là phù hợp với kết quả lợi nhuận tăng trưởng tốt trong năm 2022 của Công ty. Dòng tiền mạnh từ hoạt động kinh doanh chính là cơ sở để Công ty đẩy mạnh xây dựng, mua sắm tài sản cố định (chi ra 1.269 tỷ đồng) mà không phải phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền vay, nợ.
Nhận xét
Hoạt động kinh doanh trong quý 4/2022 của Gemadept chỉ có được sự tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 khi doanh thu bán hàng tăng 2,7% và lợi nhuận sau thuế tăng 3,3%. Tốc độ tăng trưởng này đã sụt giảm khá nhiều so với đà tăng trên 30% của 9 tháng đầu năm.
Tuy vậy, khi tính chung cả năm 2022 thì kết quả hoạt động của GMD nói chung vẫn có được nhiều điểm khả quan. Doanh thu hoạt động tăng 22,1%, trong đó, hoạt động khai thác cảng vẫn là mảng kinh doanh cốt lõi, đóng góp hơn 79% tổng doanh thu cùng mức tăng trưởng hơn 12% trong năm 2022. Cùng với đóng góp tích cực từ lãi tại các công ty liên doanh, liên kết đã giúp cho lợi nhuận sau thuế của GMD có mức tăng 60,6% so với năm 2021.
Ngoài ra, tình hình tài chính của Công ty tiếp tục có được sự ổn định và an toàn. Dù nợ phải trả có tăng mạnh (chủ yếu do tăng khoản nhận đặt cọc để bán vốn tại công ty con) nhưng mức sử dụng đòn bẩy tài chính của GMD vẫn ở mức vừa phải khi tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn đang là gần 40%. Đồng thời, hoạt động kinh doanh tiếp tục tạo được dòng tiền mạnh, làm cơ sở cho GDM tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh.
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của GMD
Về mặt kết quả kinh doanh
Dựa trên BCTC của Gemadept, có thể rút ra một số điểm nổi bật về hoạt động kinh doanh của Công ty trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 như sau:

- Trong quý 3/2022, hoạt động kinh doanh của GMD mang lại gần 992 tỷ đồng doanh thu thuần, duy trì đà tăng tốt so với cùng kỳ (+36%), từ đó đưa doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 lên mức 2.850 tỷ, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán vẫn tăng chậm hơn doanh thu nên biên lợi nhuận gộp của quý 3 cũng như 9 tháng đều được cải thiện mạnh.
- Về mặt chi phí, chí phí tài chính trong 9 tháng của GMD tăng khá mạnh (+58%), chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá; chi phí bán hàng được tiết giảm tốt (-10%) trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ (+9,3%) so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, phần lãi thuộc GDM trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp liên doanh, liên kết tăng mạnh 109% trong kỳ 9 tháng, góp phần đáng kể trong tăng trưởng lợi nhuận cung của Công ty.
- Sau khi tổng hợp các loại doanh thu và chi phí, GMD báo cáo lợi nhuận sau thuế quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 lần lượt là 287 và 941 tỷ đồng, tiếp tục ghi nhận các mức tăng trưởng cao (+76,8% và +83,6%) so với cùng kỳ năm 2021. Nếu so với kế hoạch kinh doanh của năm 2022 thì Công ty đã hoàn thành 74% chỉ tiêu doanh thu và 88% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản
- Tổng tài sản của Gemadept tại cuối quý 3/2022 ghi nhận ở mức 11.750 tỷ đồng, tăng nhẹ 9,5% so với thời điểm đầu năm. Trong cơ cấu tài sản của GMD, các loại tài sản dài hạn chiếm phần lớn với hơn 82%. Cụ thể hơn, các khoản mục quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị tài sản của Công ty là tài sản cố định (26,5%), đầu tư tài chính dài hạn (26,3%) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (18,6%). Nhìn chung, cơ cấu tài sản này là tương đối phù hợp với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng, cảng biển cũng như cho thấy Công ty vẫn duy trì mở rộng hoạt động kinh doanh.
Về mặt nguồn vốn
- Tại ngày 30/9/2022, tổng nợ phải trả của GMD ở mức 3.631 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,5% so với thời điểm đầu năm và tỷ trọng nợ phải trả trong tổng nguồn vốn tại cuối quý 3 là gần 31%. Trong đó, các khoản mục có mức tăng cao nhất kể từ đầu năm là vay và nợ thuê tài chính dài hạn (+22%) và phải trả người bán ngắn hạn (+21%), ở chiều ngược lại vay ngân hàng ngắn hạn giảm mạnh (-28,5%). Ngoài ra, tổng các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu, thuê tài chính) ngắn hạn và dài hạn tại cuối quý 3 là 1.911 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng vừa phải với hơn 16% trong tổng nguồn vốn của Công ty.
- Nhìn chung, cơ cấu vốn của Gemadept đang khá an toàn với vốn chủ sở hữu là nguồn tài trợ chính (chiếm 69%). Các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Công ty cũng ở các mức tương đối đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành = 1,05 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 1,01 lần).
Tình hình dòng tiền
- Tổng lưu chuyển tiền thuần của GMD trong 9 tháng ghi nhận ở mức dương 94 tỷ đồng, đưa só dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ lên mức 731 tỷ đồng, tăng nhẹ 15% so với thời điểm đầu năm.
- Trong cơ cấu dòng tiền của Công ty, thu từ hoạt động kinh doanh vẫn tích cực và là nguồn tạo tiền chủ yếu khi mang về 988 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ. Điều này là phù hợp với kết quả lợi nhuận tăng trưởng tốt kể từ đầu năm của Công ty. Dòng tiền mạnh từ hoạt động kinh doanh chính là cơ sở để Công ty đẩy mạnh xây dựng, mua sắm tài sản cố định (chi ra 901 tỷ đồng) mà không phải phụ thuộc vào nguồn tiền vay, nợ.
Nhận xét
Kết quả kinh doanh của GMD trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2022 nhìn chung là tích cực. Doanh thu các quý duy trì được tốc độ tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước. Các loại chi phí hoạt động cũng được kiểm soát khá tốt cộng với lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết tăng mạnh đã góp phần giúp lợi nhuận sau thuế của Công ty trong 9 tháng đầu năm có mức tăng trưởng cao (+84%) so với cùng thời điểm năm 2021.
Tình hình tài chính của Công ty tiếp tục có được sự ổn định và an toàn. Công ty sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức vừa phải, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng nguồn vốn vẫn tương đối thấp (31%). Mức độ thanh khoản và khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn được đảm bảo. Hoạt động kinh doanh cũng tạo được dòng tiền mạnh, tạo cơ sở cho GDM tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh.
THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch
Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.
Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.
Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636
XEM THÊM:
- Tin nhanh chứng khoán 20.03.2023
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu ASM (Tập đoàn Sao Mai)
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa-Vũng Tàu)
- Tin nhanh chứng khoán 19.03.2023
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu DGW (Digiworld)
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu ABS (CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận)
Đăng ký mở tài khoản chứng khoán
Khóa học đầu tư thực chiến online miễn phí
Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư với chuyên gia
