[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu HSG (Tập đoàn Hoa Sen)
Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt
Lưu ý: năm tài chính của HSG bắt đầu từ ngày 1/10 của năm trước và kết thúc vào ngày 30/9 của năm sau.
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 1/2023 của HSG
Kết quả kinh doanh

Hoạt động kinh doanh của HSG trong quý 1 của năm tài chính 2023 có một số điểm nổi bật cần chú ý như sau:
- Về mặt thu nhập, trong quý 1 của năm tài chính 2023, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của tiếp tục HSG giảm mạnh 53,2% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của Công ty cũng giảm hơn 79% khi lãi tiền gửi và lãi từ chênh lệch tỷ giá sụt giảm nhiều.
- Về phương diện chi phí, giá vốn hàng bán trong quý 1 giảm 47,6% so với cùng kì nhưng tốc độ giảm giá vốn vẫn chậm hơn so mức giảm của doanh thu nên biên lợi nhuận gộp của bị co hẹp nhanh xuống chỉ còn 2%, so với mức 12,5% của cùng kỳ năm 2022. Các chi phí kinh doanh khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt giảm đáng kể. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ đề bù đắp cho sự sụt giảm về doanh thu, dẫn đến việc Công ty ghi phải ghi nhận lỗ sau thuế 680 tỷ đồng trong quý 1/2023, trong khi cùng kỳ có lãi 638 tỷ.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản:
- Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản hợp nhất trên bảng cân đối kế toán của HSG ghi nhận ở mức 15.964 tỷ đồng, đánh dấu mức giảm 6,2% so với thời điểm đầu năm tài chính. Trong đó, các khoản mục có mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm có thể kể đến như hàng tồn kho (-19,1%) và tài sản cố định (-4,1%). Hàng tồn kho tiếp tục giảm mạnh phần nào thể hiện Công ty đang cắt giảm hoạt động sản xuất khi dự báo nhu cầu sản phẩm trong tương lai còn thấp.
- Ngoài ra, cơ cấu tài sản của HSG duy trì ở mức cân bằng giữa tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Trong đó hai khoản mục có tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là hàng tồn kho (chiếm 37,5%) và tài sản cố định (chiếm 35,8%). Nhìn chung, cơ cấu tài sản này là phù hợp với một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cơ bản như HSG.
Về mặt nguồn vốn:
- Tại ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả của HSG ở mức 5.777 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,9% so với thời điểm đầu niên độ kế toán, và tỷ trọng nợ phải trả trong tổng nguồn vốn tiếp tục duy trì quanh mức 36%. Đáng chú ý, nợ phải trả hiện tại của HSG hầu hết là các khoản mang tính chất ngắn hạn và gần như không có nợ dài hạn. Ngoài ra, các khoản vay ngân hàng của HSG đã giảm mạnh gần 34% so với đầu năm, cũng như chiếm tỷ trọng vừa phải (gần 17%) trong tổng nguồn vốn.
- Nhìn chung, cơ cấu tài chính của HSG đang ở mức khá cân bằng và an toàn khi các khoản nợ phải trả chỉ chiếm 36% trong tổng nguồn vốn. Đồng thời, trong quý vừa qua, Công ty vẫn tích cực hoàn trả các khoản nợ vay ngân hàng nhằm tiếp tục hạ đòn bẩy tài chính, hạn chế rủi ro và chi phí lãi vay.
Tình hình dòng tiền
- Tổng lưu chuyển tiền thuần của HSG trong quý 1 của năm tài chính 2023 ghi nhận ở mức dương 317 tỷ đồng, từ đó số dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ đã tăng gần gấp đôi so với đầu năm, lên mức 647 tỷ đồng.
- Điểm đáng chú ý nhất là, dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của HSG sụt giảm mạnh trong quý 1 nhưng do đã cắt giảm và hạn chế sản xuất thêm hàng tồn kho nên dòng tiền kinh doanh trong kỳ của Công ty vẫn khá tốt, thu ròng về gần 1.854 tỷ đồng. Dòng tiền thu từ hoạt động kinh doanh này sau đó đã được Công ty sử dụng chủ yếu để thanh toán các khoản vay tài chính với mức chi ròng lên đến 1.493 tỷ đồng trong quý.
Nhận xét
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của HSG trong quý đầu của năm 2023 tiếp tục duy trì đà suy giảm từ các quý trước. Giá bán lẫn sản lượng tiêu thụ thành phẩm giảm khiến cho doanh thu trong quý 1 giảm mạnh hơn 53% so với cùng kỳ. Tuy chi phí sản xuất và giá vốn có giảm nhiều nhưng vẫn chậm hơn tốc độ giảm của doanh thu. Công ty cũng tăng cường tiết giảm các chi phí hoạt động khác nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp những thiệt hại do doanh thu sụt giảm nên kết quả vẫn ghi nhận mức lỗ sau thuế khá lớn là 680 tỷ đồng.
Mặc dù kết quả kinh doanh không khả quan nhưng tình hình tài chính của HSG vẫn phần nào duy trì được sự ổn định. Công ty đã chủ động thanh toán khoản nợ, vay để giữ tỷ lệ đòn bẩy tài chính ở mức an toàn. Điều này đã phần nào cho thấy hiệu quả khi chi phí tài chính trong quý này của HSG đã giảm mạnh 32,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HSG cũng tốt một cách bất ngờ nhờ co hẹp sản xuất, giảm quy mô hàng tồn kho, từ đó là cơ sở để công ty thanh toán các khoản nợ, vay như đã nêu ở trên.
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của HSG
Về mặt kết quả kinh doanh

Hoạt động kinh doanh của HSG trong quý 4 cũng như năm tài chính 2022 có một số điểm nổi bật cần chú ý như sau:
- Trong quý 4/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của HSG giảm mạnh gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Do nhu cầu thép thành phẩm giảm mạnh cộng với chi phí sản xuất tăng cao nên Công ty đã phải bán hàng dưới giá vốn, khiến cho lợi nhuận gộp bị âm 231 tỷ đồng trong quý 4.
- Mặc dù các khoản chi phí hoạt động (chi phí bán hàng, chi phí quản lý…) được Công ty tiết giảm khá tốt nhưng do lợi nhuận gộp đã bị âm nên sau khi trừ tất cả các khoản chi phí, HSG vẫn ghi nhận con số lỗ khá lớn trong quý 4 năm tài chính 2022 với 887 tỷ đồng, so với mức lãi 940 tỷ của cùng kỳ.
- Do kết quả của ba quý trước có khả quan hơn nên khi tính lũy kế 4 quý, HSG vẫn có lãi sau thuế 251 tỷ đồng nhưng con số này vẫn khá khiêm tốn và đã giảm rất mạnh (-94%) khi so với mức lãi 4.313 tỷ của năm 2021.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản
- Tại ngày 30/9/2022, quy mô tổng tài sản của HSG ghi nhận ở mức 17.024 tỷ đồng, đánh dấu mức giảm khá mạnh (-36%) so với thời điểm đầu niên độ kế toán. Cụ thể, các khoản mục có mức giảm mạnh nhất kể từ đầu năm có thể kể đến như phải thu ngắn hạn khách hàng (-68%), hàng tồn kho (-40,3%). Phải thu khách hàng giảm mạnh có thể xuất phát từ việc hoạt động bán hàng, tiêu thụ sản phẩm của Công ty sụt giảm. Trong khi, hàng tồn kho giảm mạnh phần nào thể hiện Công ty đang cắt giảm hoạt động sản xuất do dự báo nhu cầu sản phẩm trong tương lai còn thấp.
- Cơ cấu tài sản của HSG đang khá cân bằng giữa tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Trong đó hai khoản mục có tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là hàng tồn kho và tài sản cố định, điều này là phù hợp với một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa như HSG.
Về mặt nguồn vốn
- Tại ngày 30/9/2022, tổng nợ phải trả của HSG ở mức 6.141 tỷ đồng, giảm rất mạnh (-61%) so với thời điểm đầu năm tài chính, khiến cho nợ phải trả chỉ còn chiếm 36% tổng nguồn vốn. Trong đó các khoản có mức giảm mạnh nhất là vay ngân hàng dài hạn (-91,6%), vay ngân hàng ngắn hạn (-25%) và phải trả người bán ngắn hạn (-76%). Điều này phần nào cho thấy Công ty đang chủ động hạ bớt tỷ lệ đòn bẩy tài chính nhằm giảm bớt rủi ro trong giai đoạn kinh doanh gặp khó khăn.
- Các chỉ số về khả năng thanh toán các khoản nợ của HSG nhìn chung vẫn được đảm bảo và có phần cải thiện sau khi Công ty giảm mạnh các khoản nợ phải trả trong kỳ (tỷ số thanh toán hiện hành = 1,64 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0,41 lần).
Tình hình dòng tiền
- Tổng lưu chuyển tiền thuần của HSG trong năm tài chính 2022 ghi nhận ở mức âm 215 tỷ đồng, từ đó số dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm xuống mức 339 tỷ đồng. Mức thâm hụt dòng tiền này của HSG chủ yếu đến từ hoạt động tài chính khi Công ty tăng trường hoàn trả các khoản vay ngân hàng.
- Đáng chú ý, dù lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của HSG sụt giảm mạnh nhưng do tăng cường thu hồi các khoản nợ của khách hàng, cộng với cắt giảm hàng tồn kho nên dòng tiền kinh doanh trong kỳ của Công ty vẫn khá tốt, thu về 2.844 tỷ đồng.
XEM THÊM:
[2022] Cập nhật triển vọng cổ phiếu HSG – Đẩy mạnh hệ thống phân phối
[Cập nhật mới nhất 2022] Đánh giá BCTC cổ phiếu NKG (Thép Nam Kim)
[Cập nhật mới nhất 2022] Đánh giá BCTC cổ phiếu HPG (Hòa Phát)
Nhận xét
Nhìn chung, hoạt động kinh doanh của HSG trong quý 4 là khá tiêu cực. Giá bán lẫn sản lượng tiêu thụ thành phẩm giảm khiến cho doanh thu trong quý giảm mạnh so với cùng kỳ. Đồng thời, chi phí sản xuất tăng mạnh dẫn đến việc Công ty phải bán hàng dưới giá vốn và phải chịu khoản lỗ khá lớn trong quý này. Lũy kế cả năm tài chính 2022, HSG vẫn có lãi nhẹ khoảng 251 tỷ đồng, nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ đạt 17% khi so với kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm.
Tuy kết quả kinh doanh không khả quan nhưng tình hình tài chính của HSG vẫn được duy trì tương đối ổn định. Công ty đã chủ động thanh toán khoản nợ, vay phải, đưa tỷ lệ đòn bẩy tài chính về mức an toàn hơn (nợ phải trả cuối năm chỉ còn chiếm 36% tổng tài sản so với mức 59% hồi đầu năm), nhằm giảm bớt rủi ro trong hoàn cảnh kinh doanh kém thuận lợi. Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của HSG cũng tốt một cách bất ngờ nhờ tăng cường thu hồi công nợ, giảm quy mô hàng tồn kho, từ đó là cơ sở để công ty thanh toán các khoản nợ, vay như đã nêu ở trên.
THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch
Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.
Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.
Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636
XEM THÊM:
- Tin nhanh chứng khoán 20.03.2023
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu ASM (Tập đoàn Sao Mai)
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa-Vũng Tàu)
- Tin nhanh chứng khoán 19.03.2023
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu DGW (Digiworld)
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu ABS (CTCP Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận)
Đăng ký mở tài khoản chứng khoán
Khóa học đầu tư thực chiến online miễn phí
Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư với chuyên gia
