[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines)
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của HVN
Kết quả kinh doanh

Dựa vào các thông tin trên BCTC của Vietnam Airlines, có thể rút ra một số điểm chính về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 như sau:
- Trong quý 4/2022, hoạt động kinh doanh của HVN mang về 19.471 tỷ đồng doanh thu thuần và có sự phục hồi mạnh (tăng 112,1%) từ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên các chi phí đầu vào cho hoạt động khai thác bay vẫn neo cao dẫn đến giá vốn hàng bán trong kỳ cao hơn cả doanh thu và làm cho Công ty lỗ gộp 828 tỷ đồng.
- Ngoài ra, một số chi phí hoạt động khác như chi phí tài chính và chi phí bán hàng đồng loạt tăng đột biến. Vì vậy, sau khi khấu trừ tất cả các chi phí, HVN ghi nhận lỗ sau thuế quý 4/2022 là 2.586 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với mức lỗ 1.018 trong quý 4/2021.
- Tính chung cả năm 2022, kết quả kinh doanh của HVN cũng theo kịch bản tương tự như trong quý 4 khi doanh thu phục hồi tốt sau dịch Covid, tăng gần 153% so với năm 2021. Nhưng do ảnh hưởng bất lợi từ chi phí đầu vào làm giá vốn tăng cao, cộng với chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng mạnh khiến cho Công ty tiếp tục chịu khoản lỗ lớn lên đến 10.369 tỷ đồng trong năm 2022.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản:
- Tại thời điểm cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt mức 60.579 tỷ đồng và giảm nhẹ 3,9% kể từ đầu năm. Tuy nhiên, khi nhìn cụ thể các khoản mục sẽ thấy một số loại tài sản có mức biến động lớn như tiền mặt và các khoản phải thu dài hạn đã tăng mạnh (lần lượt là +45% và +48,4%), ở chiều ngược lại đầu tư tài chính ngắn hạn và tài sản dài hạn khác là các khoản có mức giảm đáng chú ý (lần lượt là -59,4% và -24,9%).
- Về mặt cơ cấu, tài sản của HVN phần lớn là các khoản mang tính chất dài hạn (chiếm đến gần 80% tổng tài sản). Trong đó, tài sản cố định là khoản mục quan trọng nhất, chiếm đến 67% tổng giá trị tài sản của Công ty. Tài sản cố định của HVN chủ yếu bao gồm máy bay, động cơ máy bay và các phương tiện, máy móc để cung cấp dịch vụ hàng không. Nhìn chung, cơ cấu tài sản này là phù hợp với ngành nghề kinh doanh của HVN.
Về mặt nguồn vốn:
- Tại cuối năm 2022, tổng nợ phải trả của Vietnam Airlines ở mức 70.778 tỷ đồng, tăng 13,2% so với thời điểm đầu năm. Nhìn chung, cơ cấu vốn của HVN đang rất mất cân bằng, Công ty đang phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn vay nợ khi mà vốn chủ sở hữu đang âm 10.199 tỷ đồng do kết quả kinh doanh thua lỗ. Ngoài ra, số dư nợ vay ngân hàng của HVN tuy đã giảm tương đối nhiều trong năm 2022 nhưng vẫn là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên đến 45,6% trong tổng vốn của HVN. Đồng thời, các chỉ số về khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của HVN cũng chưa được đảm bảo và có phần rủi ro khi tài sản ngắn hạn đang không đủ để trả các khoản nợ ngắn hạn.
Tình hình dòng tiền
- Tổng lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của HVN ở mức dương 741 tỷ đồng và giúp cho số dư tiền và tương đương tiền tăng đáng kể (+45%) so với đầu năm và đạt mức 2.485 tỷ đồng. Tuy vậy, số dư tiền mặt của HVN vẫn còn khá nhỏ khi so với quy mô tài sản cũng như so với số dư các khoản nợ phải trả ngắn hạn của Công ty.
- Cụ thể hơn, hoạt động kinh doanh trong năm 2022 của HVN đã thu ròng 6.883 tỷ đồng, đây là kết quả bất ngờ khi trong năm Vietnam Airlines phải chịu khoản lỗ lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư trong năm của HVN đã thu ròng về 1.467 tỷ đồng, chủ yếu nhờ việc thu hồi các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn. Dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư sau đó được HVN sử dụng cho hoạt động tài chính mà chủ yếu là trả nợ gốc vay với mức chi ròng 7.609 tỷ đồng.
Nhận xét
Kết quả kinh doanh quý 4 cũng như lũy kế cả năm 2022 của vẫn chưa cho thấy tín hiệu khả quan. Mặc dù doanh thu hồi phục tốt sau dịch Covid so với mức nền thấp của năm 2021. Nhưng do chi phí đầu vào cho hoạt động khai thác bay còn cao nên Công ty vẫn phải tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn và chịu lỗ gộp, cộng với việc chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng rất mạnh khiến cho HVN phải ghi nhận lỗ sau thuế lớn, lên đến 10.369 tỷ đồng trong năm 2022.
Tình hình tài chính của Vietnam Airlines cũng đang tiềm ẩn nhiều vấn đề và rủi ro. Đáng chú ý nhất là việc vốn chủ sở hữu của Công ty đang bị âm gần 10.200 tỷ đồng do kinh doanh thua lỗ. Mặt thanh khoản cũng chưa được đảm bảo khi số dư tiền mặt và các tài sản ngắn hạn đang không đủ để thanh toán các khoản nợ vay ngắn hạn. Tuy nhiên, HVN vẫn đang sở hữu nên tảng cơ bản ổn với tỷ trọng tài sản cố định đủ cao. Điều này giúp HVN có cơ sở để phục hồi hoạt động kinh doanh nhanh chóng sau đại dịch.
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3 của HVN
Kết quả kinh doanh

- Trong quý 3 năm 2022, HVN ghi nhận doanh thu cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 21,156 tỷ đồng. Điều này đã giúp công ty lần đầu tiên kể từ sau đại dịch ghi nhận lợi nhuận gộp dương so với cùng kỳ, đạt 165 tỷ đồng. Tuy nhiên áp lực từ chi phí bán hàng và chi phí tài chính trong kỳ tăng đến 200% đã khiến cho công ty lỗ ròng 2,547 tỷ đồng.
- Lũy kế 9 tháng năm 2022, HVN đã thu được 51,100 tỷ đồng doanh thu, tăng 172.79% so với cùng kỳ. Điều này giúp lãi thuần của HVN đã không còn lỗ quá nhiều so với lũy kế 9 tháng năm 2021.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản
- Trong năm 2022 công ty đã có chủ trương đưa các hoạt động kinh doanh chính quay trở lại. Điều đó thể hiện thông qua việc công ty tăng 56% giá trị hàng tồn kho nắm giữ so với cùng kỳ, trong đó phần lớn là tích trữ nhiên liệu bay. Các khoản phải thu của công ty cũng tăng lên, cho thấy tình hình kinh doanh đã phân nào khởi sắc trở lại sau đại dịch.
- Tài sản dài hạn của công ty ngược lại giảm 4.14%. Trong đó tài sản cố định, chiếm tỷ trọng cao nhất trong kết cấu tài sản giảm 5.54%. Điều này là bình thường khi mà HVN phải bán bớt tài sản và hạn chế mua mới sau khi trải qua 2 năm thua lỗ do ảnh hưởng của Covid. Sự suy giảm này ảnh hưởng không đáng kể đến quá trình kinh doanh của công ty.
Về mặt nguồn vốn
- Công ty vẫn đang phải duy trì tỷ lệ nợ vay rất cao, chiếm 112% tổng giá trị tài sản. Nguyên nhân bởi cho đến hiện tại lỗ lũy kế của công ty đã tăng thêm 43.54% so với cùng kỳ. Khoản lỗ lũy kế lớn đã khiến cho vốn chủ của HVN ghi nhận mức âm 7,510 tỷ đồng.
- Về nợ, các khoản tiền chi trả cho nhà cung cấp chiếm đa số (chiếm 40.97% tổng nguồn vốn). Thời gian tới HVN sẽ cần sự trợ giúp từ các cơ quan nhà nước để có thể giãn nợ với các nhà cung cấp.
- Về nợ vay tài chính, nợ vay dài hạn của HVN đã giảm 16.79% so với cùng kỳ. trong khi đó vay nợ ngắn hạn trong 9 tháng 2022 chỉ tăng thêm 0.83%. Điều này giúp áp lực về lãi vay của công ty trong tương lai không còn quá căng thẳng. Đặc biệt là các khoản vay hiện tại hầu hết là các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp trong thời gian Covid-19 đang diễn ra.
Tình hình dòng tiền
- Dòng tiền thuần cuối kỳ của HVN trong năm 2022 chỉ đạt 3,040 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu tích cực khi dòng tiền luân chuyển thuần trong kỳ của HVN đã tăng lên 1,320 tỷ đồng.
- Dòng tiền tăng trưởng chủ yếu đến từ việc HVN được gia hạn khoản nợ vay lớn với các nhà cung cấp. Tuy nhiên, công ty cũng đã phải chi ròng 4,559 tỷ đồng để trả nợ vay, trong đó có 318 tỷ tiền cổ tức. Các khoản tiền trả lãi vay này sẽ là gánh nặng cho HVN nếu như công ty không nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước và các cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp.
Nhận xét
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 tình hình kinh doanh của HVN đã có sự chuyển biến khá tích cực. Công ty đã có doanh thu đầu vào tăng trưởng tích cực sau khi giãn cách xã hội chấm dứt. Nhưng trong ngắn hạn công ty vẫn còn lỗ ròng do doanh thu vẫn chưa thể gánh được các chi phí cố định. Về dài hạn khả năng tăng trưởng trong tương lai vẫn tích cực do nhu cầu di chuyển và giao thương tiếp tục tăng trở lại sau khi các nước mở cửa nền kinh tế.
Vê mặt tài sản, công ty vẫn đang phải chịu áp lực lớn từ các tác động tiêu cực hậu Covid. Các khoản lỗ ròng của công ty vẫn tăng do chi phí nguyên vật liệu trong năm 2022 tăng cao. Tuy nhiên HVN vẫn đang sở hữu nên tảng cơ bản ổn với tỷ trọng tài sản cố định đủ cao. Điều này giúp HVN có cơ sở để phục hồi hoạt động kinh doanh nhanh chóng sau đại dịch. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất chính là nghĩa vụ nợ tài chính cao của công ty, khiến HVN khó gia hạn thêm các khoản vay trong thời gian tới nếu không nhận được sự hỗ trợ.
THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch
Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.
Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.
Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636
XEM THÊM:
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá tình hình kinh doanh của Dabaco – cổ phiếu DBC
- Tin nhanh chứng khoán 05.12.2023
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá tình hình kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn – cổ phiếu BSR
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá tình hình kinh doanh của Digiworld – cổ phiếu DGW
- Tin nhanh chứng khoán 04.12.2023
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá tình hình kinh doanh của Gemadept – cổ phiếu GMD
Chào các bạn, tôi là Đỗ Hoàng Quân. Tôi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007. Trải qua nhiều chu kỳ, tôi am hiểu quy luật vận động của thị trường và xây dựng cho mình những nguyên tắc quan trọng để có thể kiếm tiền bền vững trên thị trường chứng khoán. Tìm hiểu thêm về tôi tại đây.

Đăng ký mở tài khoản chứng khoán
Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư Miễn phí
