[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu IJC (CTCP phát triển hạ tầng kỹ thuật)
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của IJC
Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa vào các thông tin trên báo tài chính, có thể rút ra một số điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của IJC trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 như sau:
- Trong quý 4/2022, hoạt động kinh doanh chính của IJC mang lại 213,7 tỷ đồng doanh thu thuần và quay đầu giảm 18,5% so với cùng kỳ, sau khi đã tăng tốt trong quý 2 và quý 3. Ngoài ra, giá vốn hàng bán trong kỳ vẫn tăng 0,9% khiến cho lợi nhuận gộp quý này giảm mạnh 34,3%.
- Tuy công ty đã tích cực kiểm soát và tiết giảm các chi phí kinh doanh như chi phí tài chính giảm 15%, chi phí quản lý giảm 11% nhưng cũng không cải thiện được kết quả lợi nhuận. Cụ thể, lãi sau thuế quý 4/2022 đã giảm 50,5% so với cùng kỳ năm 2021 và chỉ đạt mức 33 tỷ đồng.
- Các kết quả kém khả quan trong quý 4 và quý 1 đã kéo tụt kết quả kinh doanh cả năm 2022 của IJC, mặc cho Công ty đã hoạt động khá hiệu quả trong quý 2 và quý 3. Trong đó, doanh thu năm 2022 giảm 24,3% và lợi nhuận sau thuế cả năm cũng giảm 17% so với năm 2021. Đồng thời, khi so với kế hoạch kinh doanh của năm 2022, IJC chỉ hoàn thành được 70% mục tiêu về doanh thu và 75% mục tiêu về lợi nhuận.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản:
- Tại cuối quý 4/2022, tổng tài sản hợp nhất của IJC đạt 6.523 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,2% so với thời điểm đầu năm. Tuy vậy, khi xem xét kỹ hơn hơn thì vẫn có thể thấy sự biến động khá mạnh trong các khoản mục tài sản cụ thể của Công ty. Trong đó, các khoản có mức tăng mạnh là tiền và tương đương tiền (+54%), tài sản cố định (tăng 10%) và ở chiều ngược lại, khoản mục có mức giảm đáng chú ý là hàng tồn kho (giảm 11,3%). Việc hàng tồn kho giảm phần nào cho thấy Công ty đang khá thận trọng, chưa đẩy mạnh đầu tư các dự án bất động sản trong bối cảnh thị trường không thuận lợi.
- Về mặt cơ cấu, tài sản của Idico phần lớn là các khoản có tính chất ngắn hạn khi chiếm đến gần 67,6% tổng tài sản. Trong đó, hàng tồn kho và phải thu ngắn hạn là hai khoản mục quan trọng và chiếm tỷ lệ cao trong tổng tài sản của Công ty với lần lượt 54,1% và 9,1%.
Về mặt nguồn vốn:
- Tại cuối năm 2022, tổng các khoản nợ phải trả của IJC ở mức 2.707 tỷ đồng, giảm mạnh gần 22% so với thời điểm đầu năm và và kéo tỷ lệ nợ phải trả trong tổng nguồn vốn của Công ty giảm xuống mức 41,5%. Trong nợ phải trả của IJC thì các khoản mang tính chính thương mại như phải trả người bán, chi phí phải trả, doanh thu chưa thực hiện đang chiếm phần lớn. Còn lại, số dư nợ vay ngân hàng, trái phiếu chiếm tỷ trọng vừa phải, khoảng 15,5% trong tổng nguồn vốn.
Tình hình dòng tiền
- Trong năm 2022, tuy kết quả doanh thu và lợi nhuận của IJC chưa được tốt nhưng do đã quản lý tài sản và công nợ hiệu quả hơn, đặc biệt là hàng tồn kho giảm nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn ở mức dương 275 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức âm 964 tỷ của năm 2021.
- Dòng tiền mạnh từ hoạt động kinh doanh chính là cơ sở để Công ty tăng cường trả nợ gốc vay, hạ đòn bẩy tài chính với mức chi ròng 119 tỷ đồng trong hoạt động tài chính. Trong kỳ, IJC cũng chi ròng 76,7 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, chủ yếu sử dụng để mua sắm tài sản cố định và góp vốn đầu tư vào các đơn vị khác.
Nhận xét
Trong quý 4/2022, kết quả hoạt động kinh doanh của IJC nhìn chung chưa được tích cực. Công ty không phát sinh doanh thu bán bất động sản trong quý, trong khi cùng kỳ năm 2021 thu về 136 tỷ đồng. Điều này khiến cho tổng doanh thu quý 4 giảm 18,5% so với cùng kỳ trước, kéo theo lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn 50%. Mặc cho Công ty đã có nhiều cố gắng và hoạt động khá hiệu quả trong quý 2 và quý 3 nhưng chính kết quả kém tích cực trong quý 4 đã góp phần kéo tụt kết quả kinh doanh cả năm 2022 của IJC. Cụ thể, doanh thu năm 2022 giảm 24,3% và lợi nhuận sau thuế cả năm cũng giảm 17% so với năm 2021.
Tuy kết quả kinh doanh không được tốt nhưng tình hình tài chính của IJC nói chung vẫn duy trì được sự ổn định. Nhờ quản lý tài sản và công nợ tốt hơn nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn có nhiều cải thiện so với năm trước. Từ đó, Công ty có cơ sở để thanh toán bớt các khoản nợ vay ngân hàng, trái phiếu, hạ mức đòn bẩy tài chính để giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lãi suất gia tăng.
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của IJC
Kết quả kinh doanh

- Doanh thu thuần của công ty trong quý 3 có sự tăng trưởng tốt, tăng 42.3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên cùng thời điểm giá vốn của IJC cũng tăng lên gần 59%, khiến cho lợi nhuận gộp trong kỳ của IJC chỉ còn tăng 19.45%. Lợi nhuận sau thuế trong quý 3 của công ty tăng mạnh 44.52% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong kỳ của IJC đều giảm đáng kể.
- Tuy nhiên, do tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm chưa được tốt nên tính lũy kế 9 tháng, kết quả kinh doanh của IJC lại có sự sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần trong 9 tháng của doanh nghiệp giảm 25.05% so với cùng thời điểm năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2022 của IJC cũng giảm nhẹ 12.19% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, IJC đã hoàn thành 62% kế hoạch doanh thu và 70% kế hoạch lợi nhuận đặt ra trong năm 2022.
Tình hình tài chính

Về tài sản:
Tổng tài sản của IJC trong 9 tháng đầu năm 2022 đã sụt giảm 5.65%. Sự suy giảm chủ yếu đến từ suy giảm trong tài sản ngắn hạn. Cụ thể:
- Tính đến quý 3/2022, tài sản ngắn hạn của IJC đã giảm gần 10% so với cùng kỳ. Trong đó sụt giảm mạnh nhất là lớp tài sản tiền mặt và hàng tồn kho, lần lượt giảm 10.17% và 11.96% so với đầu năm. Trong đó đáng chú ý nhất là sự suy giảm về hàng tồn kho khi đây là tài sản có tỷ trọng cao nhất trong toàn bộ lớp tài sản của công ty (hiện đang chiếm 55.14% tổng giá trị tài sản). Ở chiều ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn của doanh nghiệp ghi nhận tăng 7.16% về giá trị, đưa tỷ trọng các khoản phải thu lên 9.64% tại quý 3 năm 2022.
- Tài sản dài hạn của IJC ngược lại ghi nhận sự tăng trưởng 4.24% xuyên suốt 9 tháng đầu năm 2022. Điều này do giá trị tài sản cố định và phải thu dài hạn của IJC trong kỳ đều lần lượt tăng 8.96% và 7.98%. Trong đó một lần nữa các khoản phải thu lại chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các tài sản dài hạn, chiếm 12.38%. Điều này sẽ làm giảm dòng tiền doanh nghiệp thu về từ hoạt động kinh doanh trong kỳ.
Về nguồn vốn:
- Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, IJC có xu hướng giảm dần việc sử dụng nợ vay cho các hoạt động. Tổng giá trị vốn nợ của công ty đã giảm 24.06% so với đầu năm. Đối với nợ ngắn hạn, giá trị các khoản nợ trong kỳ ghi nhận giảm 7.21%. Trong đó, các khoản nợ giảm sâu nhất chính là nợ vay tài chính ngắn hạn, giảm 20.38% so với đầu năm. Trong khi đó, nghĩa vụ nợ ngắn hạn có tỷ trọng lớn nhất là phải trả người bán ngắn hạn, chiếm 11.76% tổng vốn, cũng giảm 9.2% kể từ đầu năm.
- Đối với nợ dài hạn, tổng giá trị vốn nợ giảm đến 45.9% so với đầu năm. Sự sụt giảm lớn nhất đến từ khoản mục doanh thu chưa thực hiện dài hạn (giảm đến 84.99%) và các khoản phải trả người bán ngắn hạn (giảm 23.59%). Trong khi đó, nợ vay tài chính dài hạn, khoản mục có tỷ trọng cao nhất trong nợ dài hạn, chỉ giảm có 8.1%.
- Vốn chủ của IJC trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng lên 13.43%. Sự gia tăng này không đến từ việc doanh nghiệp chủ động tăng vốn mà chủ yếu đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của doanh nghiệp, tăng 38.76% giá trị so với đầu năm.
Tình hình dòng tiền
- Trái ngược với kết quả kinh doanh lũy kế không quá tích cực, dòng tiền thực thu về từ hoạt động kinh doanh của IJC đã cải thiện rất mạnh so với thời điểm lũy kế 9 tháng năm 2021. Công ty thu ròng 191 tỷ đồng so với mức -1,010 tỷ đồng của 3 quý đầu năm 2021. Nguyên nhân do giá trị hàng tồn kho trong kỳ của IJC được ghi nhận giảm trong khi năm 2021 lại tăng khá mạnh.
- Bên cạnh đó, do chủ động hoàn trả nghĩa vụ nợ cũng như giảm tỷ trọng nợ vay nên khiến dòng tiền từ hoạt động tài chính của công ty ghi nhận mức giảm sâu so với thời điểm năm 2021. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần của IJC trong 9 tháng đầu năm 2022 là -14.9 tỷ. Trong đó dòng tiền được doanh nghiệp sử dụng chủ yếu để tất toán nợ và mua sắm một số tài sản cố định.
Nhận xét
Kết quả kinh doanh của công ty trong quý 3 đã ghi nhận một kết quả tích cực. Nguyên nhân của sự tăng trưởng doanh thu trong quý 3 năm 2022 đến từ doanh thu từ bán vé cầu đường của doanh nghiệp. Đây là nguồn thu bền vững của IJC trong thời gian tới, đặc biệt là giá vốn của mảng này rất thấp. Một điểm khác chính là việc IJC đã tiết giảm tốt các khoản chi phí vận hành trong kỳ, đặc biệt là chi phí tài chính. Nhờ đó giúp lợi nhuận sau thuế đạt được mức tăng ấn tượng dù lợi nhuận gộp không tăng quá mạnh.
Về tài sản, IJC cho thấy xu hướng muốn rút về phòng thủ của mình thông qua việc chủ động giảm hàng tồn kho về mức tương đối và duy trì giá trị nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ở mức thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tất toán rất nhiều các khoản nợ tiền hàng đối với nhà cung cấp, phải trả người bán và nợ doanh thu chưa thực hiện. Điều này cho thấy công ty đang chủ động hạ thấp đòn bẩy tài chính, duy trì tỷ trọng nợ ở mức vừa phải và ưu tiên hoàn thiện các dự án trong hiện tại.
Folllow chuyên gia của chúng tôi
Đăng ký mở tài khoản chứng khoán
Khóa học đầu tư thực chiến online miễn phí
Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư với chuyên gia
