[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu MSB (Maritime Bank)
Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt
cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 cổ phiếu MSB
Về mặt kết quả kinh doanh
Dựa vào các thông tin trên báo cáo tài chính, có thể rút ra một số điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh quý 4 cũng như lũy kế cả năm 2022 của MSB như sau:

- Đối với hoạt động tín dụng, do chi phí lãi huy động đầu vào tăng mạnh (+80,4%) trong quý 4 nên thu nhập lãi thuần của MSB đã có phần sụt giảm so với quý trước nhưng dù vậy vẫn đạt mức tăng khả quan (+23,9%) so với cùng kỳ năm trước.
- Các mảng hoạt động ngoài tín dụng của MSB trong quý 4 nhìn chung chưa được tích cực. Cụ thể, lãi từ hoạt động dịch vụ ngân hàng giảm mạnh gần 40% so với cùng kỳ, hoạt động đầu tư chứng khoán chị lỗ 130 tỷ đồng so với mức 167 tỷ trong quý 4 năm trước và chỉ có mảng kinh doanh ngoại hối là có sự gia tăng về thu nhập.
- Về mặt chi phí, chi phí hoạt động của MSB trong quý 4 ở mức 1.633 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã giảm rất mạnh hợn 87% và đóng góp phần nhiều trong mức tăng của lợi nhuận. Tổng hợp lại, trong quý 4/2022, MSB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 772 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.
- Tính lũy kế cả năm 2022, hoạt động kinh doanh của MSB vẫn đạt được những kết quả tương đối khả quan. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi là hoạt động tín dụng đang là điểm sáng khi có mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần gần 34%, bù đắp được cho những sụt giảm trong hoạt động dịch vụ và hoạt động khác. Ngoài ra, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được cắt giảm mạnh cũng đóng góp khá nhiều trong mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 14,4% trong năm 2022 của MSB.
Tình hình tài sản và nguồn vốn

Về mặt tài sản
- Tổng giá trị tài sản tại cuối quý 4/2022 của MSB đạt mức 213.394 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,8% so với thời điểm đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 123.223 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng trong quý 4 đã tăng khá mạnh giúp MSB có mức tăng trưởng tín cao hơn so với mức trong bình 14,5% của toàn ngành ngân hàng trong năm 2022.
- Tổng giá trị nợ xấu hợp nhất tại thời điểm 31/12/2022 của MSB là 2.057 tỷ đồng tăng khoản 16,3% so với mức đầu năm, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng cho vay. Từ đó, tỷ lệ nợ xấu được giữ ổn định quanh mức 1,7%, cho thấy Ngân hàng đang kiểm soát khá tốt chất lượng các khoản cho vay của mình.
Về mặt nguồn vốn
- Tại cuối quý 4/2022, tổng giá trị tiền gửi huy động từ khách hàng của MSB đạt 117.121 tỷ đồng, tăng khá mạnh (+ 23,8%) so với thời điểm đầu năm. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi này của MSB là khá ấn tượng và cao hơn nhiều so với mức trung bình trên 6% của toàn ngành ngân hàng trong năm 2022. Tuy tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cũng giảm theo xu thế chung của nhiều ngân hàng nhưng tỷ lệ CASA của MSB vẫn còn ở mức khá cao trên 30% và duy trì trong nhóm dẫn đầu ngành.
- Tổng vốn chủ sở hữu của MSB tại ngày 31/12/2022 ở mức 26.653 tỷ đồng tăng gần 21% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, đóng góp vào mức tăng này chủ yếu nhờ việc trong năm ngân hàng này đã phát hành thêm cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ lên mức 19.857 tỷ đồng.
Nhận xét
Kết quả hoạt động trong quý 4/2022 của MSB nhìn chung chưa quá tích cực. Thu nhập từ nhiều mảng kinh doanh như dịch vụ ngân hàng, đầu tư chứng khoán và hoạt động khác đã có sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Điểm sáng lớn nhất chỉ thuộc về hoạt động tín dụng khi thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng tốt (+23,9%) mặc cho chi phí lãi huy động tăng cao. Tuy vậy, tổng thu nhập hoạt động trong quý 4 vẫn giảm 8,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý này của MSB vẫn tăng nhẹ 3,5% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng chủ yếu nhờ giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro.
Tính lũy kế cả năm 2022, hoạt động kinh doanh của MSB vẫn đạt được những kết quả tương đối khả quan. Hoạt động tín dụng tiếp tục là mảng kinh doanh cốt lõi và là đầu tầu với mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần gần 34% so với năm 2021. Ngoài ra, biên NIM cũng tăng lên mức 4,5% cho thấy hiệu quả hoạt động tín dụng của MSB tiếp tục được cải thiện. Kết hợp với việc chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh đã giúp lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng có được mức tăng 14,4% so với năm 2021.
Chất lượng các khoản cho vay của MSB được giữ ổn định trong năm 2022 khi tỷ lệ nợ xấu được duy trì quanh mức 1,7%. Tuy nhiên, do đã mạnh tay cắt giảm chi phí dự phòng để hỗ trợ lợi nhuận nên tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu của MSB đã giảm đáng kể xuống chỉ còn gần 70% tại cuối năm 2022. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng sử dụng các khoản dự phòng làm bộ đệm để ổn định lợi nhuận trong trong các kỳ sau.
cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 cổ phiếu MSB
Về mặt kết quả kinh doanh
Theo các thông tin trên báo cáo tài chính, hoạt động kinh doanh trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 của MSB có những điểm đáng chú ý như sau:

- Trong quý 3/2022, MSB ghi nhận 2.200 tỷ đồng thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng, tương ứng với mức tăng 35,2% so với cùng kỳ.
- Các nguồn thu nhập ngoài lãi của MSB tiếp tục mang lại các kết quả khá trái chiều trong quý 3. Cụ thể, thu nhập từ hoạt động dịch vụ trong quý 3 đạt 276 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận kết quả khá đột biến với với 327 tỷ đồng thu nhập thuần, tăng gần 300% so với quý 3/2021. Ở chiều ngược lại, thu nhập thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 20,5% so với cùng kỳ, các hoạt động khác ghi nhận khoản lỗ 116 tỷ đồng trong kỳ cùng kỳ năm 2021 mang về khoản thu nhập 160 tỷ đồng.
- Về mặt chi phí, chi phí hoạt động của MSB trong quý 3 ở mức 996 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng mà Ngân hàng trích lập trong kỳ tiếp tục ghi nhận giảm 39,7% so với cùng kỳ năm 2021.
- Tổng hợp lại, trong quý 3/2022, MSB ghi nhận 1.489 tỷ đồng lợi nhuận nhuận sau thuế, tăng 47,6% so với quý 3/2021 nhưng lại giảm gần 20% so với quý liền trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng đã đạt được 4.824 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 16,8% so với cùng kỳ cũng như hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận đề ra từ đầu năm.
Xem thêm: [2022] Cập nhật cổ phiếu MSB – Triển vọng bứt phá
Tình hình tài sản và nguồn vốn
Về mặt tài sản
- Tổng giá trị tài sản tại cuối quý 3/2022 của MSB đạt mức 194.182 tỷ đồng, giảm gần 4,7% so với thời điểm đầu năm. Tổng dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) đạt 115.120 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 10% kể từ đầu năm. Mức tăng trưởng tín dụng này của MSB vẫn thấp hơn so với mức trung bình gần 11% của toàn ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2022. Giá trị các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của MSB tại cuối quý 3 là 2.941 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ, chỉ 2,6% so với tổng dư nợ tín dụng.
- Tổng nợ xấu hợp nhất tại thời điểm 30/9/2022 của MSB là 1.681 tỷ đồng tương đương với mức cuối quý 2 và giảm nhẹ gần 5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được duy trì quanh mức 1,5% và có phần cải thiện hơn so với mức 1,7% hồi đầu năm.
Về mặt nguồn vốn
- Tại thời điểm cuối quý 3, tổng giá trị tiền gửi huy động từ khách hàng của MSB đạt 95.679 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,1% so với đầu năm nhưng lại giảm 2,6% so với quý liền trước. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA đạt 38,2%, cải thiện hơn so với tỷ lệ 36% tại đầu năm 2022, giúp MSB duy trì trong top các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất.
- Tổng vốn chủ sở hữu của MSB tại ngày 30/9/2022 ở mức 25.797 tỷ đồng tăng hơn 17% so với hồi đầu năm, đóng góp vào mức tăng trên chủ yếu đến từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Nhận xét
Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý 3 của MSB tiếp tục đến từ mảng tín dụng. Mặc dù tăng trưởng cho vay không quá cao nhưng do kiểm soát tốt chi phí huy động nên thu nhập lãi thuần của MSB trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm đều có mức tăng khá ấn tượng, trên 35% so với cùng kỳ năm trước.
Xét trên phương điện lợi nhuận hoạt động thì sau 9 tháng đầu năm, MSB ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt 4.824 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này chỉ ở mức trung bình và không phải là cao khi so với các ngân hàng khác có quy mô tương đương với MSB. Ngoài ra, Ngân hàng mới chỉ hoàn thành hơn 70% kế hoạch lợi nhuận nên trong quý 4 MSB cần phải cổ gắng hơn nữa mới có thể đạt chỉ tiêu của năm 2022.
Chất lượng các khoản cho vay của MSB tiếp tục được duy trì ổn định và có phần cải thiện trong quý 3. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất cuối quý 3 được giữ quanh mức 1,5%, giảm nhẹ so với mức 1,7% hồi đầu năm. Điều này là cơ sở để Ngân hàng giảm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm, góp phần hỗ trợ khá mạnh cho tăng trưởng lợi nhuận.
cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 2 cổ phiếu MSB
Kết quả kinh doanh MSB quý 2/2022
Theo các thông tin trên báo cáo KQKD, hoạt động kinh doanh trong quý 2 cũng nhưng 6 tháng đầu năm 2022 của MSB có những điểm đáng chú ý như sau:

- Trong quý 2/2022, hoạt động tín dụng của MSB mang lại khoản thu nhập lãi thuần ở mức 2.060 tỷ đồng, tăng khá mạnh (+39,5%) so với cùng kỳ năm trước.
- Các nguồn thu nhập ngoài lãi của MSB đang cho kết quả khá trái chiều trong quý 2. Hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 200% so với cùng kỳ, trong khi hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng mang về khoản lãi đột biến 558 tỷ đồng, so với mức lỗ 337 tỷ đồng trong quý 2/2021. Thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng trong quý 2/2021, MSB đã ghi nhận một khoản thu nhập dịch vụ đột biến từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Prudential. Ngoài ra, các hoạt động khác của MSB ghi nhận khoản lỗ khá lớn với 390 tỷ đồng trong quý 2.
- Về mặt chi phí, chi phí hoạt động của MSB trong quý 2 ở mức 1.085 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đối với chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong quý 2 ngân hàng đã hoàn nhập 115 tỷ đồng do số lượng nợ xấu giảm, trong khi cùng kỳ trích lập chi phí 241 tỷ đồng.
- Tổng hợp lại, trong quý 2/2022, MSB ghi nhận 1.492 tỷ đồng lợi nhuận nhuận sau thuế, giảm nhẹ 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh của MSB mang lại 2.641 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng nhẹ 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Tình hình tài chính
Về mặt tài sản
- Tổng giá trị tài sản của MSB tài ngày 30/6/2022 đạt mức 195.057 tỷ đồng, giảm hơn 4% so với thời điểm đầu năm. Tổng dư nợ cho vay tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ở mức 113.524 tỷ đồng, tăng 8,5% kể từ đầu năm, mức tăng này thấp hơn một chút so với trưởng tín dụng chung 9,35% của toàn ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm.
- Chất lượng tài sản của MSB được cải thiện khá tốt. Tổng nợ xấu giảm đạt mức 1.661 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Từ đó kéo tỷ lệ nợ xấu hợp nhất xuống mức 1,5% so với 1,7% hồi đầu năm.
Về mặt nguồn vốn
- Tại thời điểm cuối quý 2, MSB ghi nhận tổng tiền gửi huy động của khách hàng đạt mức 98.326 tỷ đồng, tăng 3,9% kể từ đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của MSB ở mức khá cao 36,7%, và tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất.
- Tổng vốn chủ sở hữu của MSB tại ngày 30/6/2022 ở mức 24.578 tỷ đồng tăng hơn 11% so với hồi đầu năm, mức tăng này chủ yếu đến từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Ngoài ra, theo báo cáo từ MSB, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cuối quý 2 đạt mức 12,3%, tăng nhẹ so với mức 11,52% của thời điểm đầu năm cũng như cao hơn nhiều so với mức tối tiểu 8% của chuẩn Basel II.
Nhận xét
Trên phương diện kết quả kinh doanh, nếu như so sánh với cùng kỳ năm trước thì con số lợi nhuận MSB đạt được trong quý 2 và 6 tháng đầu năm không phải là tốt. Cũng cần lưu ý rằng lợi nhuận quý 2/2021 tăng khá đột biến do khoản thu hơn 1500 tỷ đồng từ hợp đồng phân phối độc quyền bảo hiểm. Nếu loại trừ khoản thu bất thường này để so sánh tương đương thì tăng trưởng lợi nhuận của MSB trong quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.
Điểm sáng lớn nhất trong kết quả kinh doanh của MSB đến từ mảng tín dụng. Mặc dù tăng trưởng cho vay không quá cao nhưng do kiểm soát tốt chi phí huy động nên thu nhập lãi thuần của MSB trong quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm tăng mạnh gần 40% so với cùng kỳ năm trước.
Chất lượng tài sản của MSB được cải thiện khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được kéo xuống mức mức 1,5% so với 1,7% hồi đầu năm. Từ đó ngân hàng có thể hoàn nhập một phần chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 2, góp phần hỗ trợ cho lợi nhuận.
THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch
Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.
Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.
Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636
XEM THÊM:
Folllow chuyên gia của chúng tôi
Đăng ký mở tài khoản chứng khoán
Khóa học đầu tư thực chiến online miễn phí
Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư với chuyên gia
