[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu MSN (Masan Group)
Cập nhật và đánh giá BCTC quý 1/2023 cổ phiếu MSN
Về mặt kết quả kinh doanh

- Doanh thu bán hàng hợp nhất trong quý đầu năm 2023 của MSN có sự cải thiện nhẹ khi tăng 2,8% so với cùng kỳ và đạt mức 18.706 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng được giữ ổn định nên lợi nhuận gộp quý này gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước.
- Doanh thu từ hoạt động tài chính quý 1/2023 đã giảm khá mạnh hơn 35%, trong khi đó chi phí tài chính lãi tăng nhanh (+53,5%), chủ yếu do chi phí lãi vay tăng lên. Phần lãi trong các công ty liên doanh liên kết cũng sụt giảm hơn 18% nên cũng phần nào ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận chung. Vì vậy, sau khi khấu trừ tất cả các loại chi phí, Masan chi ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2023 là 438 tỷ đồng, giảm sâu gần 77% so với cùng kỳ năm 2022.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản:
- Tại thời điểm cuối quý 1/2023, tổng tài sản hợp nhất của MSN đạt 145.784 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,1% so với mức đầu năm. Cơ cấu tài sản của MSN đang nghiêng nhiều về phía các tài sản dài hạn, với tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn đang là hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản với lần lượt 29,6% và 22,2%. Nhìn chung cơ cấu tài sản của MSN là tương đối hợp lý và phù hợp với lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là sản xuất, bán lẻ hàng tiêu dùng.
Về mặt nguồn vốn:
- Tổng nợ phải trả của MSN tại cuối quý 1/2023 chỉ tăng nhẹ 3,8% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, vẫn có những khoản mục có mức thay đổi đang chú ý như vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 27,2%, phải trả người bán ngắn hạn giảm 15,1%.
- Nói chung, MSN đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối cao, cơ cấu nguồn vốn nghiêng về phía nợ phải trả khi chiếm đến 74,5% tổng nguồn vốn. Trong đó, các khoản vay tài chính (ngân hàng, trái phiếu) tiếp tục chiếm tỷ trọng cao với tổng dư nợ ngắn và dài hạn tại cuối quý 1 là 75.671 tỷ đồng, chiếm gần 52% trong tổng vốn. Các chỉ số về khả năng thanh toán của MSN có được cải thiện so với quý trước nhưng cũng chưa phải là mức an toàn (tỷ số thanh toán hiện hành = 0.99 lần).
Tình hình dòng tiền
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Masan trong quý 1/2023 tuy có được cải thiện so với cùng kỳ nhưng vẫn ở mức âm gần 342 tỷ đồng. Công ty cũng chi ròng 2.582 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư trong quý với mục đích chủ yếu là đầu tư tài chính dưới dạng tiền gửi ngân hàng và một phần cho mua sắm tài sản cố định
- Để bù đắp lượng tiền thiếu hụt từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư, MSN đã phải tăng cường các khoản vay ngân hàng, trái phiếu với số tiền thu ròng về 5.279 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.
Tổng kết
Kết quả kinh doanh của Masan trong quý đầu năm nhìn chung vẫn chưa có nhiều điểm tích cực. Mặc dù doanh thu tăng nhẹ 2,8% so với cùng kỳ, lãi gộp cũng đi ngang nhờ giá vốn hàng bán được duy trì ổn định. Nhưng do doanh thu hoạt động tài chính và lãi tại các công ty liên kết giảm mạnh, cộng với chi phí tài chính tăng khá nhanh nên kết quả lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 của Masan chỉ đạt 439 tỷ đồng và giảm mạnh 76,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số các mảng kinh doanh chính của MSN thì chỉ có bộ phận MEATLife là có sự gia tăng đáng kể về doanh thu trong quý này, mảng bán lẻ tiêu dùng tăng nhẹ, trong khi mảng sản phẩm tiêu dùng suy giảm.
Tình hình tài chính của MSN tiếp tục có một số điểm đáng lưu tâm như sau: Công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối cao với tổng nợ phải trả chiếm 74,5% tổng nguồn vốn tại thời điểm cuối quý 1/2023. Nợ của Masan chủ yếu là các khoản vay ngân hàng, trái phiếu với tỷ trọng lên đến 52% trong tổng vốn. Đồng thời các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cũng chưa được tốt khi mà tổng tài sản ngắn hạn đang thấp hơn nợ ngắn hạn.
Cập nhật và đánh giá BCTC quý 4/2022 cổ phiếu MSN
Về mặt kết quả kinh doanh
Theo báo cáo KQKD từ Masan, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 có những điểm nổi bật như sau:

- Trong quý 4/2022, thu nhập từ các hoạt động của MSN đều có sự suy giảm tương đối mạnh khi so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính đạt 20.643 tỷ đồng, giảm 13,4%, đồng thời phần lãi thu được từ các công ty liên doanh, liên kết cũng giảm 24,5% và đặc biệt doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh nhất (-89,1%).
- Về mặt chi phí, giá vốn hàng bán quý 4 đã giảm 11% theo sự đi xuống của doanh thu, ngoài ra chi phí quản lý và chi phí bán hàng cũng được tiết giảm lần lượt là 14,9% và 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng điều này cũng không bù đắp được cho sự sụt giảm về doanh thu bán hàng và doanh thu tài chính nên lợi nhuận sau thuế quý 4 của MSN chỉ đạt 804 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 88% so với cùng kỳ năm 2021.
- Khi tính lũy kế cả năm 2022, kết quả kinh doanh của MSN cũng lặp lại kịch bản tương tự như trong quý 4 khi doanh thu thuần sụt giảm 14% và lợi nhuận sau thuế giảm gần 53% so với năm 2021.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản:
- Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của MSN đạt 141.343 tỷ đồng, tăng đáng kể 12,1% so với mức đầu năm. Cơ cấu tài sản của MSN đang nghiêng nhiều về phía các tài sản dài hạn, với tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn đang là hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản với lần lượt 30,8% và 22,4%.
- Đáng chú ý, trong năm 2022, Masan vẫn khá tích cực trong hoạt động đầu tư, thể hiện ở giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng hơn 10 lần, còn các khoản đầu tư tài chính dài hạn đã tăng gần 28%.
Về mặt nguồn vốn:
- Tổng nợ phải trả của MSN tại cuối năm 2022 đã tăng tương đối mạnh (+25%) so với đầu năm. Đáng chú ý có các khoản vay ngắn hạn (ngân hàng, trái phiếu) tăng nhanh hơn 115% trong năm 2022, trong khi các khoản vay dài hạn đã giảm gần 23% so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, Công ty cũng phát sinh khoản phải trả do ghi nhận một khoản đặt cọc hơn 10.200 tỷ đồng liên quan đến hoạt động đầu tư cũng là một nguyên nhân khiến tổng nợ phải trả tăng đáng kể.
- MSN đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối cao, cơ cấu nguồn vốn nghiêng về phía nợ phải trả khi chiếm đến 74% tổng nguồn vốn. Về mặt thanh khoản thì các chỉ số về khả năng thanh toán của MSN cũng chưa được tốt, hệ số thanh toán hiện hành của công ty chỉ ở mức 0,73 lần, tức là tài sản ngắn hạn đang không đủ để trả các khoản nợ ngắn hạn.
Tình hình dòng tiền
- Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trong năm 2022 của Masan chưa được tốt khi ở mức âm 3.788,8 tỷ đồng so với mức thu ròng 1.144 tỷ đồng trong năm 2021. Bên cạnh lý do lợi nhuận kinh doanh sụt giảm thì nguyên nhân phần lớn là do khoản hơn 3.300 tỷ dùng để mua chứng khoán kinh doanh.
- Hoạt động đầu tư trong năm 2022 đã chi ròng 26.447 tỷ đồng với mục đích chủ yếu là đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết cũng như đầu tư ngắn hạn dưới dạng cho vay và tiền gửi ngân hàng. Để bù đắp lượng tiền thiếu hụt từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính, MSN đã phải tăng cường thêm vay ngân hàng và phát hành tài chính nên thu ròng về 21.796 tỷ đồng từ hoạt động tài chính.
Nhận xét
Kết quả kinh doanh của MSN trong quý 4 cũng như lũy kế cả năm 2022 của MSN nhìn chung chưa được tích cực. Do điều kiện thị trường không thuận lợi khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đã khiến cho doanh thu bán hàng quý 4 và lũy kế cả năm 2022 giảm lần lượt 13,4% và 14% so với cùng thời kỳ năm 2021. Cộng với việc doanh thu từ hoạt động tài chính không còn được tốt như năm 2021 và chi phí tài chính tăng đáng kể nên lợi nhuận kinh doanh trong quý 4 đã giảm đến 88,7% so với quý 4/2021 và lợi nhuận cả năm 2022 giảm mạnh gần 53% so với năm 2021.
Ngoài ra, tình hình tài chính của MSN cũng có một số điểm đáng lưu tâm như sau: MSN đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối cao với tổng nợ phải trả chiếm 74% tổng nguồn vốn tài thời điểm cuối năm 2022. Nợ của Masan chủ yếu là các khoản ngắn hạn (chiếm 46,2% tổng nguồn vốn), và các khoản nợ ngắn hạn này đang lớn hơn tài sản ngắn hạn, đồng thời các tài loại tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn cũng đang chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn nên áp lực về thanh khoản đối với Công ty là không nhỏ.
Cập nhật và đánh giá BCTC quý 3/2022 cổ phiếu MSN
Kết quả kinh doanh

- Trong quý 3 năm 2022, MSN thu về 19,523 tỷ đồng doanh thu, giảm 17.29% so với cùng kỳ. Tuy giảm nhưng giá vốn hàng bán của MSN thậm chí còn giảm sâu hơn, giảm 19.48% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, lợi nhuận gộp thu về của MSN chỉ giảm 11.02% so với cùng kỳ, đạt 5,424 tỷ đồng.
- Lợi nhuận sau thuế của MSN trong quý 3 năm 2022 chỉ đạt 841 tỷ đồng, giảm đến gần 47% so với năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu đến từ chi phí vận hành doanh nghiệp của MSN đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó chi phí tài chính trong quý 3/2022 đã tăng đến gần 22%.
- Về khả năng sinh lời, trong quý 3/2022 MSN có biên lợi nhuận gộp tích cực, đạt 27.78% so với 25.83% của năm 2021. Tuy nhiên, do chi phí vận hành cao trong kỳ đã khiến biên lợi nhuận sau thuế của MSN chỉ đạt 4.31% so với mức 6.72% của năm 2021.
- Lũy kế 9 tháng năm 2022, tình hình kinh doanh của MSN đạt 55,546 tỷ đồng doanh thu thuần, chỉ giảm 14.28% so với 2021. Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của MSN cũng tăng đến 143.72%. Điều này giúp khả năng sinh lợi của MSN trong năm 2022 được cải thiện tích cực so với cùng kỳ.
Tình hình tài chính

Về tài sản:
- Tổng tài sản của MSN tính đến quý 3 năm 2022 không có nhiều sự thay đổi, chỉ tăng 4.08%. Trong số đó, tài sản ngắn hạn của MSN giảm 0.24%. Nguyên nhân do trong năm 2022 MSN đã lượng tiền mặt của họ gần 51% so với cùng kỳ năm 2021. Ngược lại khoản phải thu của MSN lại tăng 49.37%.
- Giá trị tài sản dài hạn của MSN trái lại tăng nhẹ 5.92%. Trong khi giá trị tài sản cố định của MSN ghi nhận giảm 7.89% so với năm 2021, giá trị tài sản dở dang dài hạn trong năm 2022 lại tăng 27% so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí trả trước dài hạn của MSN cũng ghi nhận tăng 5.48% so với năm 2021.
Về nguồn vốn:
- Nghĩa vụ nợ của MSN trong năm 2022 tăng nhẹ gần 2%. Cụ thể, nghĩa vụ nợ ngắn hạn của MSN đã tăng gần 60% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn của MSN đã tăng đến 98% so với cùng kỳ. Điều này có thể khiến khả năng thanh toán nợ vay và lãi vay của MSN bị ảnh hưởng.
- Tuy nợ vay ngắn hạn tăng mạnh, các nghĩa vụ tài chính khác của MSN trong quý 3 năm 2022 đều giảm. Cụ thể, những khoản phải trả người bán của MSN đã giảm gần 14%, trong khi đó vay nợ tài chính dài hạn của MSN giảm đến 49% so với cùng kỳ.
- Về vốn chủ, quý 3 năm 2022 giá trị vốn chủ của MSN đã tăng gần 10%, trong đó vốn góp chủ sở hữu của công ty đã tăng 20.6%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của MSN cũng đã tăng 46.13% so với cùng kỳ. Như vậy trong quý 3 hoạt động huy động vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu của MSN vẫn được duy trì hiệu quả.
Về cơ cấu tài sản của công ty:
- MSN là công ty có tỷ trọng tài sản dài hạn chiếm đa số. Trong quý 3 tỷ trọng tài sản cố định của MSN đạt 71.35%. Trong số đó, tài sản cố định của MSN có tỷ trọng 33.68% trên tổng giá trị tài sản. Ở chiều ngược lại, giá trị tiền mặt nắm giữ của MSN trong quý 3 chỉ chiếm 4.71%. Tương tự giá trị hàng tồn kho cũng chỉ chiếm 11.16% so với cùng kỳ. Điều này khiến khả năng tạo ra doanh thu từ tổng tài sản của MSN giảm nhẹ, trong khi khả năng thanh toán ngắn hạn của MSN lại giảm đáng kể trong quý 3/2022.
- Về nguồn vốn, MSN vẫn duy trì sử dụng nhiều nợ để vận hành hoạt động kinh doanh. Cụ thể, tỷ lệ nợ nợ vay của MSN chiếm 72.28% tổng nguồn vốn của cả MSN. Tuy nhiên, trong năm 2022 MSN thay vì sử dụng nợ vay dài hạn thì công ty chuyển sang vay nợ ngắn hạn nhiều hơn. MSN cũng đồng thời duy trì việc gia tăng nguồn vốn thông qua việc phát hành thêm và chia cổ tức bằng cổ phiếu, thể hiện qua tỷ lệ vốn chủ sở hữu tăng lên 27.72% so với cùng kỳ.
Tình hình dòng tiền
- Lưu chuyển tiền thuần trong quý 3 năm 2022 của MSN là -16,25 tỷ đồng. Trong đó dòng tiền kinh doanh của MSN năm 2022 là -2,295 tỷ đồng. Lý do bở trong năm 2022 MSN đã chi trả nhiều tiền cho việc chi trả tiền lãi vay và tiền nợ nhà cung cấp.
- MSN cũng chi thuần 13,573 tỷ cho hoạt động đầu tư. Nhưng thay vì đầu tư vào tài sản cố định, MSN sử dụng phần lớn tiền nhằm cho vay và mua các công cụ nợ tài chính. Về hoạt động tài chính, MSN thu về 7,651 tỷ đồng, chủ yếu đến từ việc đi vay ngắn hạn. Như vậy có thể thấy trong ngắn hạn dòng tiền của MSN có thể sẽ chịu nhiều áp lực khi phải chi trả nhiều khoản nợ ngắn hạn.
Nhận xét
Lũy kế 9 tháng năm 2022, tình hình kinh doanh của MSN ghi nhận một số điểm tích cực. Đầu tiên, khả năng sinh lời của MSN trong năm 2022 đã có sự cải thiện so với 2021 tuy rằng doanh thu thuần của công ty đã có sự sụt giảm khá cao so với những doanh nghiệp cùng ngành như MWG. Nguyên nhân đến từ việc MSN đã có thể quản trị tốt chi phí giá vốn của họ nhờ một hệ sinh thái khổng lồ. Biên lợi nhuận sau thuế của MSN cũng tăng cao nhờ doanh thu từ tài chính của công ty tăng mạnh trong 2022. Tuy nhiên trong tương lai khi doanh thu từ hoạt động này không còn, lợi nhuận sau thuế của MSN sẽ không còn quá cao như vậy.
Về tài sản, MSN vẫn tiếp tục duy trì tỷ lệ sử dụng đòn bẩy nợ vay cao để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên công ty đã chủ động chuyển đổi từ nợ vay dài hạn sang vay nợ ngắn hạn. Công ty cũng chỉ duy trì tỷ lệ hàng tồn kho ở mức thấp để có thể chủ động điều chỉnh quy mô hoạt động kinh doanh của mình. Nhờ vậy nên tuy doanh thu kinh doanh của công ty trong năm 2022 tuy có giảm, nhưng tỷ lệ sinh lời trên tài sản của MSN vẫn duy trì được qua thời gian. Một điểm trừ chính là khả năng thanh toán ngắn hạn của MSN sẽ giảm đi do công ty tiếp tục giảm tỷ trọng tài sản ngắn hạn của mình xuống.
Kết quả kinh doanh MSN quý 2/2022
Theo báo cáo KQKD từ Masan, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 2/2022 có những điểm đáng chú ý như sau:

- Doanh thu thuần quý 2/2022 của MSN đạt 17.834 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán lại giảm mạnh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp của MSN nhích nhẹ 2,5% trong quý 2.
- Doanh thu hoạt động tài chính của MSN trong quý 2 tăng đột biến (+138%) so với cùng kỳ năm trước, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết cũng đóng góp tích cực khi tăng hơn 22%.
- Các loại chi phí trong quý 2 của MSN cũng đồng loạt tăng với mức tăng hai con số.
- Tổng hợp lại, trong quý 2, MSN đạt mức lợi nhuận sau thuế 1.215 tỷ đồng, tăng 15,4% so với quý 2/2021.
- Các chỉ số về khả năng sinh lời của MSN trong quý 2 cũng được cải thiện: biên lợi nhuận gộp đạt 27,9%, tăng 5 điểm phần trăm so với quý 2/2021, biên lợi nhuận ròng đạt 6,81% so với mức 4,96% của cùng kỳ năm trước.
Tình hình tài chính

Về mặt tài sản
- Tại thời điểm 30/6/2022, tổng tài sản của MSN đạt 125.260 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,7% so với đầu năm.
- Xét về cơ cấu tài sản thì tàì sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn và hàng tồn kho là các khoản đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản với lần lượt 33,5%, 22,4% và 11%. Ngoài ra cơ cấu tài sản của MSN cũng nghiêng về phía tài sản dài hạn với tỷ trọng hơn 70%.
Về mặt nguồn vốn
- Tổng nợ phải trả của MSN tại ngày 30/6 tăng nhẹ 3,2% so với đầu năm. Đáng chú ý có các khoản vay ngắn hạn (ngân hàng, trái phiếu) tăng mạnh hơn 63% trong 6 tháng đầu năm, trong khi các khoản vay dài hạn lại có xu hướng giảm (-33,7%) so với thời điểm đầu năm. Tổng lại thì các khoản vay (ngắn hạn và dài hạn) đang chiếm đến 55% tổng nguồn vốn của MSN.
- Vốn chủ sở hữu của MSN tại ngày 30/6 ở mức 38.796 tỷ đồng, giảm 8,4% so với thời điểm đầu năm, mức giảm này chủ yếu do công ty thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông.
Về cơ cấu vốn và khả năng thanh toán
- MSN đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối cao, cơ cấu nguồn vốn nghiêng về phía nợ phải trả khi chiếm đến 69% tổng nguồn vốn.
- Về mặt thanh khoản thì các chỉ số về khả năng thanh toán của MSN cũng chưa được tốt, hệ số thanh toán ngắn hạn của công ty chỉ ở mức 0,7 lần, tức là tài sản ngắn hạn đang ít hơn các khoản nợ ngắn hạn. Tiền và các khoản tương đương tiền của MSN cũng giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm và chỉ chiếm 7,8% tổng tài sản vào thời điểm cuối tháng 6.
Tình hình dòng tiền
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình lưu chuyển tiền tệ của MSN có những điểm đáng chú ý sau:
- Tổng lưu chuyển tiền thuần ở mức âm 12.588 tỷ, giảm mạnh so với mức dương 3.823 tỷ của cùng kỳ năm 2021, dòng tiền âm khiến cho lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm mạnh hơn 56% so với thời điểm đầu năm.
- Xét về cơ cấu thì dòng tiền đi ra từ hoạt động đầu tư (do công ty đẩy mạnh các khoản đầu tài chính và chi mua tài sản cố định) là nguyên nhân chính khiến cho lưu chuyển tiền của MSN bị âm mạnh. Tuy hoạt động kinh doanh có lãi tốt nhưng do MSN cũng tăng cường hoàn trả các khoản nợ cũng như mua hàng tồn kho nên dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty cũng ở mức âm trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
Nhận xét
Hoạt động kinh doanh của Masan trong quý 2/2022 nhìn chung cho kết quả rất tích cực. Doanh thu hợp nhất quý 2 cũng như lũy kế 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu đến từ việc tập đoàn này đã chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi từ cuối năm 2021. Do Công ty đang kiểm soát tốt các loại chi phí nên biên lợi nhuận được cải thiện mạnh, kéo theo lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của MSN tăng trưởng khá đột biến (+122,7%) so với cùng kỳ năm năm 2021.
Đối với tình hình tài chính của MSN, có một số điểm đang chú ý như sau: MSN đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức tương đối cao với tổng nợ phải trả chiếm 69% tổng nguồn vốn tài thời điểm cuối quý 2. Mặt thanh khoản của MSN cũng cần được chú ý khi các hệ số thanh toán ngắn hạn của công ty chưa được tốt. Masan đang có tỷ trọng nợ nắn hạn khá cao (chiếm 41,8% tổng nguồn vốn), cũng như các khoản nợ ngắn hạn đang lớn hơn tài sản ngắn hạn, các tài loại tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt và đầu tư tài chính ngắn hạn cũng đang chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn.
Xem thêm:
- Tham gia nhóm Zalo Tư vấn đầu tư Miễn phí của chúng tôi
- Nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu? 5 công ty tốt nhất
- 5 cổ phiếu tốt nhất để đầu tư cho người mới bắt đầu năm 2023
- Cách đầu tư vào Quỹ ETF cho người mới bắt đầu
- Cách đơn giản để mua cổ phiếu Hòa Phát (HPG)
- Cách mua cổ phiếu online cho người mới bắt đầu
Folllow chuyên gia của chúng tôi
Đăng ký mở tài khoản chứng khoán
Khóa học đầu tư thực chiến online miễn phí
Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư với chuyên gia
