[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu QNS (Đường Quảng Ngãi)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 2/2023 của QNS
  • Trong quý 2/2023, doanh thu bán hàng của QNS vẫn duy trì được sự tích cực khi tăng 43,2% so với cùng kỳ và đạt mức 3.152 tỷ đồng. Từ đó, giúp đưa doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm lên mức 5.282 tỷ, tăng 31,6% so với cùng thời điểm năm 2022.
  • Giá vốn hàng bán trong quý 2 tăng gần 40% nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng của doanh thu nên lợi nhuận gộp đã tăng mạnh 51,6% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính trong kỳ đã tăng mạnh 104% nhưng đã được bù đắp bởi mức tăng tương ứng của doanh thu tài chính. Ngoài ra, các chi phí hoạt động khác được giữ ổn định trong quý, vì vậy sau khi khấu trừ tất cả các chi phí, QNS ghi nhận lãi sau thuế quý 2 đạt gần 712 tỷ đồng, tăng 94,9% so với cùng kỳ. Kết hợp với kết quả cao trong quý đầu năm nên tính chung nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của QNS đã đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 90,1% và đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2023. Kết hợp với kết quả cao trong quý đầu năm nên tính chung nửa đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của QNS đã đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 90,1% và đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận của cả năm 2023.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 2/2023 của QNS

Về mặt tài sản

  • Kết thúc 6 tháng đầu năm, tổng tài sản hợp nhất của QNS đã tăng khá mạnh (+15,2%) so với thời điểm đầu năm và đạt mức 11.832 tỷ đồng. Các khoản mục chính đóng góp vào mức tăng này của tổng tài sản bao gồm: hàng tồn kho (tăng 85,4%), tiền và tương đương tiền (tăng 48,1%), đầu tư tài chính ngắn hạn (tăng 21,1%).
  • Cơ cấu tài sản của QNS tiếp tục duy trì theo hướng nghiêng nhiều về phía các tài sản ngắn hạn với tỷ trọng lên đến gần 67,5%. Một điều đáng lưu ý là công ty đang có lượng tiền lớn với 4.296 tỷ đồng được giữ dưới dạng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với tỷ trọng lớn nhất 44% trong tổng tài sản. Tài sản cố định là khoản mục chiếm tỷ trọng cao tiếp theo với 30,2% tổng tài sản. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho tăng mạnh trong kỳ đã đưa tỷ trọng của loại tài sản này tăng lên 14,8%.

Về mặt nguồn vốn

  • Tính đến cuối quý 2/2023, tổng các khoản nợ phải trả của QNS ở mức 4.102 tỷ đồng, tăng mạnh 46,4% so với thời điểm đầu năm, khiến cho tỷ trọng nợ phải trả trong tổng nguồn vốn tăng lên mức 34,7%. Nguyên nhân chủ yếu khiến cho nợ phải trả của QNS tăng mạnh là do khoản nợ vay ngân hàng ngắn hạn tăng mạnh gần 51% kể từ đầu năm. Đồng thời, nợ vay ngân hàng cũng đang chiếm tỷ trọng đáng kể với 24,2% trong tổng vốn.
  • Tuy nợ phải trả mà đặc biệt nợ vay ngân hàng đã tăng mạnh trong kỳ nhưng nhìn chung QNS vẫn đang có một cơ cấu tài chính khá an toàn khi tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chỉ là hơn 0,5 lần. Khả năng hoàn các khoản nợ của Công ty cũng được đảm bảo thể hiện quan các hệ số thanh toán đang ở mức cao (tỷ số thanh toán hiện hành = 1.97 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 1,54 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chính của QNS trong trong 6 tháng đầu năm 2023 ở mức dương 728 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với mức dương 383 tỷ của cùng kỳ năm trước. Kết quả dòng tiền này là phù hợp với việc doanh thu và lợi nhuận của Công ty đã tăng mạnh trong kỳ.
  • Mặt khác, Công ty đã chi ròng 845 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư với phần lớn là chi đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng tiền gửi ngân hàng. Ngoài ra, QNS đã thu ròng về 211 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, chủ yếu là tiền thu được từ vay ngân hàng ngắn hạn.

Tổng kết

Nhìn chung, sự tích cực và ổn định trong kết quả kinh doanh của QNS được duy trì xuyên suốt trong cả quý 2 lẫn 6 tháng đầu năm 2023. Cụ thể, các sản phẩm chủ lực của Công ty tiếp tục giữ được mức tăng trưởng doanh thu cao như Đường tăng 151%, Nha tăng 14% đã giúp cho tổng doanh thu bán hàng quý 2 của QNS tăng mạnh đến 43,2%. Đồng thời, Công ty đã kiểm soát tốt chi phí đầu vào, khiến cho giá vốn tăng chậm hơn doanh thu, giúp cho biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Cộng với việc doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng mạnh đã góp phần đưa lợi nhuận sau thuế quý 2 cũng như lũy kế 6 tháng đầu năm của QNS tăng trưởng mạnh trên 90% so với cùng kỳ năm trước.

Về mặt tài chính, cơ cấu tài sản của QNS mang nhiều tính an toàn khi Công ty đang có số dư khoản đầu tư tài chính dưới dạng tiền gửi ngân hàng lớn, lên đến 44% trong tổng tài sản, giúp cho Công ty có thanh khoản tốt, cung như mang lại khoản lãi đáng kể trong kỳ. Mặc dù nợ vay ngân hàng trong kỳ đã tăng mạnh nhưng nhìn chung đòn bẩy tài chính của QNS vẫn đang ở mức an toàn, nợ phải trả mới chỉ chiếm 34,7% so với tổng tài sản. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty cũng khá dồi dào, phù hợp với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 1/2023 của QNS

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1/2023 của QNS
  • Doanh thu bán hàng của QNS trong quý 1/2023 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng từ các quý trước khi đạt mức 2.130 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng mạnh 88,7% (chủ yếu nhờ lãi tiền gửi, cho vay) và đóng góp thêm phần nào cho kết quả lợi nhuận.
  • Chi phí giá vốn trong kỳ được QNS kiểm soát khá tốt, tăng chậm hơn so với doanh thu nên lợi nhuận gộp quý này tăng tích cực (+23,1%) so với cùng kỳ. Ngoại trừ chi phí tài chính tương mạnh (+75,8%) do ảnh hưởng của chi phí lãi vay thì các chi phí hoạt động còn lại đều giảm hoặc có mức tăng vừa phải. Vì vậy, sau khi khấu trừ tất cả các khoản chi phí, Đường Quảng Ngãi ghi nhận lãi sau thuế quý 1/2023 đạt 316,5 tỷ đồng, tăng khá ấn tượng (+80,1%) so với cùng thời điểm năm 2022.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1/2023 của QNS

Về mặt tài sản:

  • Quy mô tổng tài sản của QNS tại cuối quý 1/2023 đã tăng tương đối mạnh +15% so với đầu năm và đạt mức 11.815 tỷ đồng. Các khoản mục chính đóng góp vao mức tăng này của tổng tài sản bao gồm: hàng tồn kho (tăng 123,5%), tiền và tương đương tiền (tăng 63,4%), đầu tư tài chính ngắn hạn (tăng 12,9%).
  • Cơ cấu tài sản của QNS nói chung là đang nghiêng nhiều về phía các tài sản ngắn hạn với tỷ trọng lên đến gần 67%. Một điều đáng lưu ý là công ty đang có lượng tiền lớn với 4.296 tỷ đồng được giữ dưới dạng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn với tỷ trọng lớn nhất 41,1% trong tổng tài sản. Tài sản cố định là khoản mục chiếm tỷ trọng cao tiếp theo với 30,8% tổng tài sản. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho tăng mạnh trong kỳ đã đưa tỷ trọng của loại tài sản này tăng lên 17,9%.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tính đến cuối quý 1/2023, tổng các khoản nợ phải trả của QNS ở mức 4.335 tỷ đồng, tăng mạnh 54,7% so với thời điểm đầu năm, khiến cho tỷ trọng nợ phải trả trong tổng nguồn vốn tăng lên mức 36,7%. Nguyên nhận chính khiến cho nợ phải trả của QNS tăng mạnh là do khoản nợ vay ngân hàng ngắn hạn tăng mạnh gần 74% kể từ đầu năm. Đồng thời, nợ vay ngân hàng cũng đang chiếm tỷ trọng lớn với 27,9% trong tổng vốn.
  • Mặc dù nợ vay ngân hàng đã tăng mạnh trong kỳ nhưng QNS vẫn đang có một cơ cấu vốn khá an toàn khi tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chỉ là 0,6 lần . Khả năng hoàn các khoản nợ của Công ty cũng được đảm bảo thể hiện quan các hệ số thanh toán đang ở mức cao (tỷ số thanh toán hiện hành = 1.85 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 1,35 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh chính của QNS trong quý 1/2023 ở mức âm 416,8 tỷ đồng và sụt giảm đáng kể so với mức âm 310,8 tỷ của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính khiến cho dòng tiền kinh doanh âm mạnh là do trong quý ngày QNS đã tăng cường hoạt động sản xuất và đưa lượng hàng tồn kho tăng mạnh.
  • Ngoài ra, Công ty cũng chi ròng 552,6 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư mà chủ yếu là dùng để đầu tư ngắn hạn dưới dạng tiền gửi ngân hàng. Ở chiều ngược lại, hoạt động tài chính của QNS thu ròng về 1.098 tỷ đồng, chủ yếu là tiền thu được từ vay ngân hàng ngắn hạn.

Tổng kết

Trong quý đầu của năm 2023, kết quả kinh doanh của QNS đã cho thấy nhiều điểm tích cực. Một số sản phẩm của Công ty có mức tăng trưởng doanh thu cao như Đường tăng 80%, Nha tăng 23% đã giúp cho tổng doanh thu bán hàng quý 1 của QNS tăng 17,4%. Ngoài ra, Công ty đã kiểm soát tốt chi phí đầu vào, khiến cho giá vốn tăng chậm hơn doanh thu và biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Cộng với việc doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng mạnh đã góp phần đưa lợi nhuận sau thuế quý này của QNS tăng trưởng mạnh 80% so với cùng kỳ năm 2022.

Cơ cấu tài sản của QNS nhìn chung mang tính an toàn khi Công ty đang có số dư khoản đầu tư tài chính dưới dạng tiền gửi ngân hàng lớn, lên đến 41% trong tổng tài sản, giúp cho Công ty có thanh khoản tốt, cung như mang lại khoản lãi đáng kể trong kỳ. Mặc dù nợ vay ngân hàng trong kỳ đã tăng mạnh nhưng nhìn chung đòn bẩy tài chính của QNS vẫn đang ở mức an toàn, nợ phải trả mới chỉ chiếm 36,7% so với tổng tài sản. Đồng thời các chỉ số về thanh khoản, khả năng thanh toán nợ cũng đang được duy trì ở mức độ đảm bảo.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của QNS

Kết quả kinh doanh

Hoạt động kinh doanh của QNS trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 có những điểm đáng chú ý như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của QNS
  • Trong quý 4/2022, doanh thu bán hàng của QNS đạt mức 1.947,8 tỷ đồng và tăng khá tốt, gần 25% so với cùng kỳ. Từ đó, góp phần đưa doanh thu lũy kế cả năm 2022 lên mức 8.255 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 12,5% so với năm 2021. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm 2022 của QNS cũng tăng khá mạnh (+33,7%), chủ yếu nhờ phần cổ tức và lợi nhuận được chia.
  • Về mặt chi phí, giá vốn hàng bán trong quý 4 cũng như cả năm 2022 đều tăng mạnh hơn một chút so với doanh thu nên biên lợi nhuận gộp của Công ty có phần sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số chi phí hoạt động khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng của năm 2022 đã tăng khá mạnh với tốc độ trên 25% so với năm 2021. Vì vậy, lợi nhuận sau thuế ghi nhận trong năm 2022 của QNS chỉ tăng nhẹ 2,6% so với năm trước và đạt mức 1.286,7 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành vượt 3% mục tiêu doanh thu và vượt 27% so với mục tiêu lợi nhuận của kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của QNS

Về mặt tài sản:

  • Tại thời điểm cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản của QNS đã tăng nhẹ 4% so với đầu năm và đạt mức 10.266 tỷ đồng. Trong đó khoản mục có mức tăng mạnh nhất là phải thu ngắn hạn với mức tăng trên 52% kể từ đầu năm (chủ yếu do trả trước cho người bán tăng). Ở chiều ngược lại, tài sản cố định và tài sản dở dang dài hạn là các khoản có mức giảm mạnh, đáng chú ý trong năm 2022.
  • Cơ cấu tài sản của QNS nói chung là đang khá cân bằng giữa tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Một điều đáng lưu ý là công ty đang có lượng tiền lớn với 4.296 tỷ đồng được giữ dưới dạng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn mà chưa được tái đầu tư vào sản xuất và chiếm tỷ trọng lớn nhất với 41,8% trong tổng tài sản. Tài sản cố định là khoản mục chiếm tỷ trọng cao tiếp theo với 38,1% tổng tài sản. Ngoài ra, tỷ trọng hàng tồn kho so với tổng tài sản tại cuối năm vẫn còn tương đối thấp với chỉ 9,2%.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại ngày 31/12/2022, tổng các khoản nợ phải trả của QNS ở mức 2.801 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với thời điểm đầu năm và đang chiếm tỷ trọng khoảng 27% trong tổng nguồn vốn. Một điểm đáng chú ý khác là hầu hết nợ phải trả của QNS là các khoản mang tính chất ngắn hạn, phải trả dài hạn chỉ có giá trị nhỏ và gần như không đáng kể. Ngoài ra, số dư vay ngân hàng ngắn hạn cuối năm của Công ty cuối năm 2022 là gần 1.896 tỷ và đang chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn vốn với 18,5%.
  • Nhìn chung, QNS đang có một cơ cấu vốn khá an toàn khi tỷ lệ vay, nợ ở mức tương đối thấp, chỉ chiếm 27% tổng nguồn vốn. Khả năng hoàn các khoản nợ của Công ty cũng được đảm bảo thể hiện quan các hệ số thanh toán đang ở mức cao (tỷ số thanh toán hiện hành = 2,21 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 1,87 lần).

3. Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của QNS ở mức dương 22,9 tỷ đồng, tốt hơn rất nhiều so với mức âm 243 tỷ đồng của năm 2021. Vì vậy, số dư tiền mặt cuối năm 2022 của Công ty đã tăng đáng kể 13,3% so với thời điểm đầu năm.
  • Một điểm tích cực khác là hoạt động kinh doanh chính của Công ty vẫn tạo được dòng tiền ổn định, mang về 1.385 tỷ đồng trong năm 2022. Dòng tiền mạnh thu được từ hoạt động kinh doanh là cơ sở để công ty đẩy mạnh hoàn trả nợ vay ngân hàng và trả cổ tức cho cổ đông với mức chi ròng 1.041 tỷ cho hoạt động tài chính.

Nhận xét

Kết quả đạt được từ hoạt động kinh doanh của QNS trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 gần như đi ngang so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, doanh thu cả năm 2022 tăng 12,5% nhờ đóng góp chủ yếu từ hoạt động kinh doanh sữa đậu nành và các sản phẩm đường. Tuy vậy, các loại chi phí kinh doanh như giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng tăng nhanh hơn doanh thu một chút nên lợi nhuận sau thuế năm 2022 chỉ ghi nhận tăng nhẹ 2,6% so với năm trước.

Do hoạt động kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm không có gì đột biến nên Công ty đang giữ một khoản vốn lớn dưới dạng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn mà chưa có động thái đầu tư thêm vào hàng tồn kho hay mở rộng tài sản cố định. Tình hình tài chính của QNS nói chung vẫn giữ được sự ổn định với cơ cấu vốn an toàn, sử dụng nợ vay ở mức độ thấp. Hoạt động kinh doanh chính tạo đươc dòng tiền khá mạnh nên Công ty có cơ sở để đẩy mạnh thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng và trả cổ tức cho cổ đông.

Xem thêm: