[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu SSI (CTCP Chứng khoán SSI)
Tác giả: Chuyên viên phân tích – Ngô Tùng Ngọc
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3 của SSI
Kết quả kinh doanh

Tính riêng quý 3/2022, doanh thu chung của SSI đã suy giảm 22.89% so với cùng kỳ. Trong đó, duy nhất chỉ có doanh thu từ các lớp tài sản tài chính (TSTC) ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) là có tăng trưởng so với cùng kỳ. Còn lại doanh thu từ các tài sản tài chính như các tài sản nắm giữ đến khi đáo hạn (HTM) hay tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đều ghi nhận sụt giảm sâu so với cùng kỳ. Cụ thể:
- Lợi nhuận từ hoạt động tự doanh của SSI:

- Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận từ hoạt động mua bán TSTC của SSI vẫn ghi nhận tăng trưởng 11.76%. Trong đó mua bán chứng quyền chính là hoạt động có sự cải thiện lớn nhất khi công ty ghi nhận lãi 254 tỷ đồng so với mức lỗ 239.7 tỷ đồng của kỳ trước. Lợi nhuận từ cổ tức và tiền lãi từ tài sản FVTPL chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lợi nhuận của SSI. Ngược lại cổ tức và tiền lãi từ các tài sản HTM của SSI lại suy giảm 38.48% trong khi đây là nguồn lợi nhuận chính trong 9 tháng đầu năm 2021.
- Trong khi đó, các khoản lãi/lỗ từ chênh lệch đánh giá lại tài sản sau 9 tháng của SSI lại có những sự biến động mạnh so với cùng kỳ. Các khoản lỗ từ việc đánh gia lại giá trị cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết do SSI nắm giữ đều tăng mạnh. Đặc biệt là các chứng quyền do công ty phát hành lỗ tận 173 tỷ, tăng gấp 106 lần so với cùng kỳ. Điều này khiến lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 của SSI đạt gần 234 tỷ đồng.
- Tổng kết lại, tuy hoạt động tự doanh của SSI trong 9 tháng có sự tăng trưởng tốt đến từ việc bán các TSTC nhưng lợi nhuận gộp đã có sự suy giảm 9.63% so với cùng kỳ.
2. Doanh thu hoạt động môi giới, cho vay và ngân hàng đầu tư:
9 tháng đầu năm 2022 chứng kiến doanh thu môi giới sụt giảm 19.63%, trong đó riêng quý 3/2022 doanh thu môi giới đã giảm sâu đến 49.18%. Trong khi đó chi phí môi giới của SSI lại tăng thêm 2.21%. Điều này khiến cho biên lợi nhuận của mảng môi giới giảm sâu còn 12.38% so với cùng kỳ. Trái ngược với môi giới, hoạt động cho vay của SSI lại đem lại doanh thu tăng mạnh đến 43.38% so với cùng kỳ, trở thành mảng có doanh thu cao thứ nhì sau 9 tháng năm 2022. Doanh thu mảng ngân hàng đầu tư (IB) của SSI cũng có kết quả tích cực hơn khi tăng trưởng 28.29% so với năm 2021. Về hiệu suất hoạt động, biên lợi nhuận mảng môi giới giảm mạnh từ 42.35% xuống 26.33%, trong khi mảng IB ghi nhận tăng hơn 10%.
3. Hoạt động tài chính và lợi nhuận sau thuế:
Doanh thu hoạt động tài chính của SSI sau 9 tháng có sự tăng trưởng 47.7%. Dẫu vậy con số thực tế thu về là khá thấp, khoảng 75 tỷ. Trong khi chi phí tài chính và chi phí quản lý trong kỳ của SSI cũng tăng lần lượt 20.58% và 13.12%. Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận hoạt động của SSI đã giảm 9% còn lợi nhuận sau thuế của SSI cũng chỉ đạt 1,464 tỷ đồng, giảm 13.75% so với cùng kỳ.
XEM THÊM:
Báo cáo tài chính là gì và các thành phần của báo cáo tài chính
Phân tích báo cáo tài chính của công ty như thế nào?
6 Tỷ lệ tài chính quan trọng khi phân tích cơ bản một doanh nghiệp
Tình hình tài chính
Về mặt tài sản

Tài sản ngắn hạn của SSI sau 9 tháng kinh doanh trong năm 2022 đã giảm 9.7%. Hầu hết các lớp tài sản tài chính, chiếm 92.16% tổng tài sản cả công ty, đều ghi nhận suy giảm, chỉ duy nhất các tài sản FVTPL là ghi tăng. Lớp tài sản giá trị nhất vào đầu năm là các khoản cho vay, chủ yếu là cho vay margin, chiếm 46.66% đã giảm sâu 34.2% sau 9 tháng. Ngược lại, SSI đã gia tăng nắm giữ các tài sản tài chính FVTPL từ 23.67% lên 6.87%, tăng tận 77.13% giá trị so với đầu năm 2022. Trong số này chiếm phần lớn là các chứng chỉ tiền gửi với giá trị ghi nhận đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng. Về tài sản dài hạn, SSI cũng ghi nhận sự suy giảm 19.78% về mặt giá trị, chủ yếu do công ty giảm bớt các khoản đầu tư dài hạn đang nắm.
Về mặt nguồn vốn

Nguồn vốn của SSI trong 9 tháng đầu cũng có những sự thay đổi rõ ràng. Công ty đã giảm 36.36% giá trị nợ ngắn hạn trong 9 tháng đầu năm. Trong số đó, nợ vay tài chính là khoản nợ có tỷ trọng lớn nhất trên tổng nguồn đã giảm 31.22%. Nợ vay dài hạn của công ty cũng ghi nhận mức giảm 43.39% so với đầu năm nhưng tỷ trọng của khoản này không đáng kể. Ở chiều ngược lại, vốn chủ sở hữu của SSI đã tăng 55.85% sau 9 tháng, với sự tăng trưởng vượt trội đến từ vốn góp. Cụ thể SSI đã phát hành cổ phiếu cho người lao động với tổng giá trị 100 tỷ và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tổng giá trị gần 5 nghìn tỷ. Những khoản này đã khiến vốn đầu tư chủ sở hữu của SSI tăng 70.93% sau 9 tháng.
Tình hình dòng tiền
- Dòng tiền kinh doanh của SSI đã có sự thay đổi rất mạnh, trong đó công ty chỉ chi ra 1,209.6 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2022 so với 10,804 tỷ đồng của năm 2021. Sự suy giảm này đến từ việc công ty đã cắt giảm rất mạnh hoạt động cho vay trong 3 quý đầu năm 2022. Một thay đổi lớn khác trong dòng tiền kinh doanh của SSI chính là công ty đã chi rất nhiều tiền để gia tăng nắm giữ các tài sản FVTPL, với mức tăng đáng kể so với cùng kỳ.
- Hoạt động đầu tư của SSI cũng có sự thay đổi, khi công ty tiến hành thu hồi mạnh tay các khoản đầu tư vào các công ty con và các hoạt động kinh doanh liên kết. Ngược lại số tiền chi ra để đầu tư lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Kết quả là SSI đã thu về 3,851 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư so với 418.6 tỷ đồng của quý 3/2021.
- Công ty cũng triệt để tất toán các khoản nợ vay hiện tại trong kỳ của doanh nghiệp. Do vậy, mặc dù đã thu về đến 7,550 tỷ đồng từ hoạt động phát hành cổ phiếu nhưng dòng tiền tài chính của SSI vẫn là -3,140 tỷ đồng tính đến quý 3/2022. Tổng kết đến cuối quý 3/2022, dòng tiền lưu chuyển thuần của SSI là chi thuần 615.6 tỷ đồng.
Nhận xét
Trong quý 3, hầu hết các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận sự giảm sút về doanh thu như môi giới, IB, cho vay. Mảng có doanh thu cao nhất là FVTPL có sự tăng trưởng cao. Lợi nhuận của SSI sau 9 tháng kinh doanh đã giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Kết quả này đã phản ánh sự khó khăn của doanh nghiệp khi thị trường bị siết chặt trong thời gian qua.
Tài sản của SSI sau 9 tháng hoạt động đã có sự suy giảm đáng kể. Xu thế chung của SSI tính đến hết quý 3/2022 là rút các khoản đầu tư mạo hiểm trước đây của doanh nghiệp về dạng các tài sản an toàn như FVTPL để tận dụng lợi thế lãi suất tiền gửi gia tăng trong thời gian gần đây. Các khoản cho vay và đầu tư, chiếm tỷ trọng tài sản lớn vào thời điểm đầu năm đã giảm mạnh cho thấy công ty cũng chủ động hạ tỷ trọng nợ vay, ưu tiên tất toán các khoản nợ ngắn hạn. Đồng thời SSI cũng tiến hành hoạt động phát hành cổ phiếu trong kỳ để gia tăng vốn chủ khiến tỷ trọng nợ vay trên tổng nguồn vốn của SSI giảm đi đáng kể. Tất cả các động thái trên của SSI cho thấy doanh nghiệp đang co về phòng thủ.
Mở tài khoản chứng khoán VPS để đồng hành cùng Đầu Tư Từ Đâu và luôn được cập nhật các mã cổ phiếu khỏe nhất thị trường
Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu
Chào các bạn, tôi là Đỗ Hoàng Quân. Tôi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007. Trải qua nhiều chu kỳ, tôi am hiểu quy luật vận động của thị trường và xây dựng cho mình những nguyên tắc quan trọng để có thể kiếm tiền bền vững trên thị trường chứng khoán. Tìm hiểu thêm về tôi tại đây.

Đăng ký mở tài khoản chứng khoán
Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư Miễn phí
