[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu VCG (Vinaconex)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của VCG

Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa vào báo tài chính của VCG, có thể rút ra một số điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 như sau:

  • Trong quý 4/2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của VCG không giữ được đà tăng tốt như ba quý đầu năm mà đã quay đầu giảm 9,5% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu từ hoạt động tài chính của Công ty cũng giảm mạnh gần 65% so với quý 4/2021.
  • Về mặt chi phí, giá vốn hàng bán trong kỳ giảm nhanh hơm so với tốc độ giảm của doanh thu nên lợi nhuận gộp từ bán hàng của VCG được cải thiện đáng kể (+54,9%) so với cùng kỳ. Nhưng điều này vẫn chưa bù đắp được sụt giảm của doanh thu tài chính cũng như một số chi phí hoạt động khác trong kỳ lại có mức tăng khá mạnh như chi phí bán hàng tăng 62,7%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 30,9%. Vì vậy, trong quý 4/2022, VCG ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm đến 61,5% so với cùng kỳ năm 2021.
  • Tuy vậy, khi tính lũy kế cả năm, hoạt động kinh doanh của vẫn đạt được sự tăng trưởng khá tích cực, chủ yếu nhờ các kết quả tốt đã đạt được trong ba quý đầu năm. Cụ thể, doanh thu bán hàng năm 2022 đạt 8.629 tỷ đồng, tăng 50,1% và lợi nhuận sau thuế ở mức 1.049 tỷ đồng, tăng 101,8% so với năm 2021. Tuy nhiên, do đã đặt kế hoạch kinh doanh khá tham vọng trong năm 2022 nên Công ty mới chỉ hoàn thành được 63% mục tiêu doanh thu và 75% mục tiêu lợi nhuận.

Tình hình tài chính

Về mặt tài sản:

  • Quy mô tổng tài sản của VCG tại cuối quý 4/2022 đạt 32.285 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,2% so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn hơn thì có thể thấy sự biến động khá mạnh trong các khoản mục tài sản cụ thể của VCG. Trong đó, các khoản có mức tăng mạnh là tài sản dở dang dài hạn (+288%) và hàng tồn kho (95,2%). Điều này phần nào cho thấy Công ty đã khá tích cực trong việc đầu tư, xây dựng các dự án để mở rộng kinh doanh trong tương lai.
  • Về mặt cơ cấu, tài sản dở dang dài hạn và hàng tồn kho là các khoản đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản của VCG với lần lượt là 24,6% và 21% của tổng tài sản, điều này là phù hợp với ngành nghề hoạt động cũng như động thái tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh của của Công ty. Tuy nhiên cũng cần lưu ý về các khoản phải thu ngắn hạn lớn của VCG, chiếm đến 29% tổng tài sản (với phần lớn các khoản phải thu khách hàng và trả trước cho người bán).

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại ngày 31/12/2022, tổng các khoản nợ phải trả của VCG ở mức 22.259 tỷ đồng, giảm 4,6% so với thời điểm đầu năm và chiếm tỷ trọng khá cao, với gần 68% trong tổng nguồn vốn. Trong số các khoản phải trả của Công ty thì các khoản nợ vay tài chính (ngân hàng, trái phiếu) đang chiếm phần lớn với tổng số dư là 13.223 tỷ đồng cùng tỷ trọng 41% trong tổng nguồn vốn.
  • Tóm lại, cơ tài chính của VCG đang khá phụ thuộc vào nguồn vốn nợ khi đóng góp đến 68% tổng nguồn hình thành tài sản và trong đó vay ngân hàng, trái phiếu đang có số dư nợ và tỷ trọng cao. Khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn của Công ty ở mức độ tương đối đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành là 1,52 lần và tỷ số thanh toán nhanh là 1 lần). Tuy vậy, mức độ thanh khoản của Công ty chưa phải là tốt khi số dư tiền mặt và các lại tài sản thanh khoản cao khác vẫn còn thấp khi so với giá trị các khoản nợ ngắn hạn.

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần của VCG trong năm 2022 ghi nhận ở mức âm 1.061 tỷ đồng, khiến cho số dư tiền và tương đương tiền cuối năm giảm mạnh gần 38% so với hồi đầu năm và ở mức 1.749 tỷ đồng.
  • Nguyên nhân khiến cho dòng tiền thuần của VCG bị hao hụt mạnh năm 2022 chủ yếu do Công ty tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng lượng hàng tồn kho (khiến cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm mạnh 1.637 tỷ đồng dù kết quả lợi nhuận tốt). Ngoài ra, trong năm 2022, VCG cũng tăng cường trả nợ gốc vay cũng như trả cổ tức cho cổ đông, khiến cho dòng tiền từ hoạt động tài chính ở mức âm 589 tỷ đồng.

Nhận xét

Trong quý 4, kết quả kinh doanh của VCG bất ngờ có sự sụt giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu bán hàng giảm 9,5% và doanh thu tài chính giảm mạnh 65%, kết hợp với việc chi phí hoạt động tăng đáng kể đã khiến lợi nhuận sau thuế quý 4 giảm 61,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy vậy, do đã có được sự tăng trưởng tốt trong ba quý đầu năm nên khi nhìn rộng cả năm 2022, hoạt động kinh doanh của VCG vẫn ghi nhận nhiều điểm tích cực. Doanh thu cả năm tăng hơn 50% với động lực từ hoạt động xây lắp và kinh doanh bất động sản đã bù đắp được mức tăng của các loại chi phí kinh doanh, cộng với khoản thu nhập tài chính bất thường do định giá lại khoản đầu tư vào công ty con đã đưa lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VCG tăng mạnh hơn 100% so với năm 2021.

Tình hình tài chính của VCG nhìn chung vẫn duy trì được sự ổn định. Cơ cấu tài sản phù hợp với ngành nghề kinh doanh và Công ty đang tiếp tục đầu tư, thực hiện các dự án bất động sản, mở rộng hàng tồn kho. Tỷ lệ vay, nợ của Công ty ở mức đáng chú ý nhưng cũng không phải là cao khi so với các doanh nghiệp khác thuộc cùng lĩnh vực kinh doanh. Mặc dù vậy, Công ty cần cải thiện thêm về dòng tiền, mức độ thanh khoản cũng chưa phải là an toàn khi so sánh với giá trị các khoản nợ ngắn hạn mà Công ty sẽ phải thanh toán.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3 của VCG

Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa vào báo tài chính của VCG, có thể rút ra một số điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 như sau:

kết quả kinh doanh VCG quý 3.2022
Nguồn: tổng hợp từ BCTC của VCG
  • Trong quý 3/2022, hoạt động kinh doanh của VCG mang lại 3.174 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng mạnh 150% so với cùng kỳ, từ đó, đưa doanh thu lũy kế 9 tháng đầu năm tăng gần 86%, lên mức 6.700 tỷ đồng. Tăng trưởng doanh thu tích cực của VCG chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp (tăng 2,3 lần so với cùng kỳ) và hoạt động kinh doanh bất động sản (tăng 3,9 lần). Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong 9 tháng cũng tăng cao khiến cho lợi nhuận gộp của Công ty chỉ tăng 27,7% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận gộp cũng co hẹp xuống còn 11,2%.
  • Doanh thu từ hoạt động tài chính 9 tháng của VCG đạt 1.007 tỷ đồng, tăng đột biến 224% so với cùng kỳ, phần lớn nhờ khoản lãi 663 tỷ đồng do đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty con. Chi phí tài chính cũng tăng mạnh hơn 90% so với cùng kỳ, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng.
  • Sau khi tổng hợp các khoản doanh thu và chi phí, VCG ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 ở mức 249 tỷ đồng và 969 tỷ đồng, tương ứng với các mức tăng trưởng mạnh +128% và +171% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, sau 9 tháng hoạt động, Công ty đã hoàn thành 69% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của năm 2022.

Tình hình tài chính

tình hình tài chính quý 3.2022 VCG
Nguồn: tổng hợp từ BCTC của VCG

Về mặt tài sản

  • Quy mô tổng tài sản của VCG tại cuối quý 3/2022 đạt 30.966 tỷ đồng, gần như không có sự thay đổi so với mức đầu năm. Cụ thể hơn, các khoản mục có mức tăng mạnh nhất kể từ đầu năm là tài sản dở dang dài hạn (tăng 241%, chủ yếu do đẩy mạnh đầu tư vào các dự án bất động sản) và hàng tồn kho (tăng gần 70%, do chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng). Ở chiều ngược lại, số các khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn là các khoản mục có mức biến động giảm lớn kể từ đầu năm. Điều này cho thấy Công ty đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thêm lượng hàng tồn kho cũng như đầu tư, thực hiện các dự án bất động sản.
  • Về mặt cơ cấu, tài sản dở dang dài hạn và hàng tồn kho là các khoản đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản của VCG với lần lượt là 22,5% và 19% của tổng tài sản, điều này là phù hợp với ngành nghề hoạt động cũng như động thái tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh của của Công ty. Tuy nhiên cũng cần lưu ý về các khoản phải thu ngắn hạn lớn của VCG, chiếm đến 33% tổng tài sản (với phần lớn các khoản phải thu khách hàng và trả trước cho người bán).

Về mặt nguồn vốn

  • Tại ngày 30/9/2022, tổng các khoản nợ phải trả của VCG ở mức 20.996 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm và chiếm tỷ trọng khoảng 68% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, tổng các khoản vay (ngân hàng, trái phiếu, thuê tài chính) cả ngắn hạn và dài hạn là 12.821 tỷ đồng, chiếm hơn 41% tổng nguồn vốn của Công ty.
  • Tóm lại, cơ cấu vốn của VCG đang khá phụ thuộc vào nguồn nợ phải trả với gần 68% tổng nguồn hình thành tài sản và trong đó vay ngân hàng, trái phiếu đang chiếm 41%. Khả năng hoàn trả các khoản nợ ngắn hạn của Công ty ở mức độ tương đối đảm bảo (tỷ số thanh toán hiện hành là 1,64 lần). Tuy vậy mức độ thanh khoản của Công ty chưa phải là tốt khi số dư tiền mặt và các lại tài sản thanh khoản cao khác vẫn còn thấp khi so với giá trị các khoản nợ ngắn hạn.

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần của VCG trong 9 tháng đầu năm ghi nhận ở mức âm 1.899 tỷ đồng, khiến cho số dư tiền và tương đương tiền cuối quý 3 giảm mạnh về mức 911 tỷ đồng so với mức 2.812 tỷ đồng của đầu năm.
  • Nguyên nhân khiến cho dòng tiền thuần của VCG bị hao hụt mạnh trong 3 quý đầu năm chủ yếu do Công ty tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng lượng hàng tồn kho (khiến cho dòng tiên từ hoạt động kinh doanh hụt mạnh dù kết quả lợi nhuận tốt) và chi đầu tư tài sản cố định, thực hiện các dự án (khiến cho dòng tiền hoạt động đầu tư bị âm). Và để bù đắp lại, Công ty đã tăng cường hoạt vay nợ ngân hàng, trái phiếu ở trong kỳ.

THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch

Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.


Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.

Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636

Nhận xét

Xét trên phương diện kết quả kinh doanh, VCG đang ghi nhận các mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tích cực trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2022. Doanh thu tăng đều trong cả 3 quý với động lực từ hoạt động xây lắp và kinh doanh bất động sản đã bù đắp được mức tăng của các loại chi phí kinh doanh, cộng với khoản thu nhập bất thường do định giá lại khoản đầu tư vào công ty con đã đưa lợi nhuận sau thuế 9 tháng của VCG tăng mạnh 170% so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình tài chính của VCG nhìn chung vẫn duy trì được sự ổn định. Cơ cấu tài sản phù hợp với ngành nghề kinh doanh và Công ty đang tiếp tục đầu tư, thực hiện các dự án bất động sản, mở rộng hàng tồn kho. Tỷ lệ vay, nợ của Công ty ở mức đáng chú ý nhưng cũng không phải là cao khi so với các doanh nghiệp khác thuộc cùng lĩnh vực kinh doanh. Mặc dù vậy, Công ty cần cải thiện thêm về dòng tiền, mức độ thanh khoản cũng chưa phải là an toàn khi so sánh với giá trị các khoản nợ ngắn hạn mà Công ty sẽ phải thanh toán.