[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu VEA

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của VEA

Kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của VEA

Từ các thông tin trên BCTC, có thể rút ra một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quý 4 cũng như cả năm 2022 của VEA như sau:

  • Trong quý 4/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của VEA đạt 1.267,2 tỷ đồng và tăng 7,2% so với thời cùng kỳ năm 2021. Tuy tốc độ tăng của doanh thu quý này không được cao như quý 3 nhưng cũng đóng góp tích cực vào mức tăng 18,1% của tổng doanh thu trong năm 20222. Đáng chú ý, phần lãi trong các công ty liên doanh, liên kết mà VEA được hưởng trong năm 2022 tăng mạnh gần 35% và đóng góp đến 6.984 tỷ đồng trong kết quả lợi nhuận chung của Công ty.
  • Về mặt chi phí, giá vốn hàng bán trong năm 2022 tăng vừa phải, tương đương với tốc độ tăng của doanh thu. Trong khí đó, các khoản chi phí kinh doanh khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý đều đồng loạt tăng mạnh trong 2022. Nhưng được bù lại bởi khoản lãi trong công ty liên doanh và lợi nhuận khác nên lãi sau thuế hợp nhất năm 2022 của VEA vẫn đạt mức 7.672 tỷ đồng, tăng 32,4% so với năm 2021. Đồng thời, so với kế hoạch kinh doanh đã đề ra từ đầu năm Công ty đã hoàn thành vượt 2% mục tiêu doanh thu và vượt 31% mục tiêu lợi nhuận.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của VEA

Về mặt tài sản:

  • Tại thời điểm cuối quý 4/2022, tổng giá trị tài sản hợp nhất của VEA đạt mức 27.455 tỷ đồng, tăng gần 10% kể từ đầu năm. Đồng thời, phần lớn tài sản của VEA là các khoản mang tính chất ngắn hạn (chiếm đến 66,3% tổng tài sản).
  • Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn đang là các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của VEA. Trong đó, Công ty đang nắm giữ 12.593 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, chiếm đến gần 46% tổng tài sản và đóng góp gần 803 tỷ tiền lãi trong doanh thu tài chính năm 2022. VEA cũng đang có hơn 6.800 tỷ đồng danh mục đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam như Honda, Toyota, Ford…

Về mặt nguồn vốn:

  • Tổng nợ phải trả của VEA tại cuối năm 2022 ở mức 2.225 tỷ đồng, tăng rất mạnh (+68,3%) so với thời điểm đầu năm. Mức tăng này của nợ phải trả chủ yếu do Công ty đã tăng cường vay ngân hàng ngắn hạn, với số dư nợ vay cuối năm tăng lên mức 1.014 tỷ đồng, so với chỉ 248 tỷ hồi đầu năm. Một điểm đáng chú ý khác là nợ phải trả của VEA hầu hết là ngắn hạn, nợ dài hạn chỉ có số dư nhỏ và tỷ trọng hầu như không đáng kể.
  • Mặc dù nợ phải trả tăng mạnh trong năm 2022 nhưng cơ cấu nguồn vốn của VEA nhìn chung vẫn còn rất an toàn, đòn bẩy tài chính sử dụng ở mức thấp khi các khoản nợ phải trả chỉ chiếm 8,1% tổng nguồn vốn. Công ty chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Tình hình dòng tiền

  • Trong năm 2022, tổng lưu chuyển tiền thuần của VEA là dương 14 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức âm 23,7 tỷ trong cùng kỳ năm 2021 và giúp số dư tiền và tương đương tiền cuối năm tăng nhẹ lên mưc 293,9 tỷ đồng.
  • Về mặt cơ cấu, dòng tiền thu về của VEA chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư khi Công ty nhận được khoản lãi cho vay và cổ tức từ công ty liên doanh, liên kết lên đến hơn 6.069 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VEA cũng được cải thiện tích cực, thu ròng về 101,3 tỷ đồng so với mức âm 186,6 tỷ trong cùng kỳ. Ngoài ra, do đã trả cổ tức với giá trị lớn 5.997 tỷ đồng trong năm 2022 nên dòng tiền từ hoạt động tài chính của Công ty đã bị âm khá mạnh.

Nhận xét

Trên phương diện kết quả kinh doanh, con số doanh thu và lợi nhuận trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 của VEA đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu đạt được trong năm 2022 tăng gần 18,1%. Tuy các khoản chi phí hoạt động cũng tăng mạnh nhưng được bù đắp bởi khoản thu từ các công ty liên doanh, liên kết và lợi nhuận khác nên lợi nhuận sau thuế năm 2022 của VEA vẫn đạt được mức tăng trưởng khá cao (+32,4%) so với năm 2021. Tuy vậy, vẫn có điểm trừ khi kết quả kinh doanh của Công ty đang phụ thuộc khá nhiều vào lợi nhuận trong các công ty liên doanh, liên kết, cụ thể hơn là khoản đầu tư vào Honda Việt Nam.

Mặt khác, tình hình tài chính của VEA tiếp tục duy trì được sự an toàn và bền vững. Cơ cấu nguồn vốn chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu, số dư các khoản nợ vay tài chính ở mức thấp và chiếm tỷ trọng gần như không đáng kể. Dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư khá dồi dào. Mức độ thanh khoản và khả năng thanh toán các khoản nợ cũng được đảm bảo khi Công ty đang có số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn rất lớn.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của VEA

Về mặt kết quả kinh doanh

Từ các thông tin trên BCTC, có thể rút ra một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 của VEA như sau:

  • Trong quý 3/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của VEA tăng khá đột biến (+55,3%) so với cùng kỳ. Từ đó, góp phần đưa doanh thu lũy kế 9 tháng đạt 3.490 tỷ đồng cùng mức tăng trưởng tích cực 22,7% so với cùng kỳ năm 2021.
  • Giá vốn hàng bán trong 9 tháng tăng vừa phải và chậm hơn so với doanh thu nên lợi nhuận gộp của VEA cũng có mức tăng tốt (+36,2) khi so với cùng kỳ. Đáng chú ý, phần lãi trong các công ty liên doanh, liên kết tăng mạnh hơn 33% và đóng góp đến 4.615 tỷ đồng trong kết quả lợi nhuận chung của Công ty.
  • Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, VEA ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 5.141 tỷ đồng, tăng trưởng tích cực hơn 30% so với cùng thời điểm năm 2021. So với kế hoạch kinh doanh thì sau 9 tháng đầu năm Công ty đã hoàn thành cả mục tiêu doanh thu và lợi nhuận của cả năm 2022.

Tình hình tài chính

Về mặt tài sản

  • Tại thời điểm cuối quý 3/2022, tổng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của VEA đạt mức 30.049 tỷ đồng và tăng mạnh hơn 20% kể từ đầu năm. Cơ cấu tài sản của VEA đang nghiêng về phía các tài sản ngắn hạn khi chiếm đến 76,6% tổng tài sản.
  • Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn đang là các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của VEA. Trong đó, Công ty đang nắm giữ 14.927 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn dưới dạng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn, chiếm đến gần 50% tổng tài sản và đóng góp gần 585 tỷ tiền lãi trong 9 tháng đầu năm. VEA cũng đang có hơn 4.600 tỷ đồng danh mục đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết với nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất ô tô tại Việt Nam như Honda, Toyota, Ford…

Về mặt nguồn vốn

  • Tổng nợ phải trả của VEA tại cuối quý 3/2022 ở mức 7.341 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng này của nợ phải trả của Công ty chủ yếu do khoản cổ tức năm 2021 trị giá gần 6.000 tỷ đồng đã được thông báo nhưng chưa thực hiện chi trả cho cổ đông. Một điểm đang chú ý nữa là Công ty sử dụng rất ít nợ vay ngân hàng, số dư nợ vay hiện tại chỉ là khoản ngắn hạn với hơn 216 tỷ đồng, chiếm chưa đến 1% trong tổng nguồn vốn.
  • Cơ cấu nguồn vốn của VEA nhìn chung là an toàn, đòn bẩy tài chính sử dụng ở mức thấp khi các khoản nợ phải trả chỉ chiếm 24,4% tổng nguồn vốn. Công ty chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Tình hình dòng tiền

  • Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng lưu chuyển tiền thuần của VEA là dương 2.480 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức dương 69 tỷ trong cùng kỳ năm 2021. Từ đó, số dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ cũng tăng mạnh lên mức 2.761 tỷ so với chỉ 280 tỷ hồi đầu năm.
  • Về mặt cơ cấu, dòng tiền thu về của VEA chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư khi Công ty nhận được khoản lãi cho vay và cổ tức từ công ty liên doanh, liên kết lên đến hơn 5.700 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VEA cũng được cải thiện tích cực, thu ròng 62,8 tỷ đồng so với mức chi ròng 104 tỷ trong cùng kỳ.

Nhận xét

Trên phương diện kết quả kinh doanh, con số doanh thu và lợi nhuận trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 đều ghi nhận sự tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu đạt được trong 9 tháng tăng gần 23%, các khoản khi phí hoạt động tăng vừa phải, cộng với khoản lãi lớn nhận được từ các công ty liên doanh, liên kết đã giúp lợi nhuận sau thuế lũy kế 3 quý của VEA tăng 31,6%. Tuy nhiên, vẫn có điểm trừ khi kết quả kinh doanh của Công ty đang phụ thuộc khá nhiều vào lợi nhuận trong các công ty liên doanh, liên kết, cụ thể hơn là khoản đầu tư vào Honda Việt Nam.

Mặt khác, tình hình tài chính của VEA tiếp tục duy trì được sự an toàn và bền vững. Cơ cấu nguồn vốn chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu, số dư các khoản nợ vay tài chính ở mức thấp và chiếm tỷ trọng gần như không đáng kể. Dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính khá dồi dào. Mức độ thanh khoản và khả năng thanh toán các khoản nợ cũng được đảm bảo khi Công ty đang có số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn rất lớn.

Mở tài khoản chứng khoán VPS để đồng hành cùng Đầu Tư Từ Đâu và luôn được cập nhật các mã cổ phiếu khỏe nhất thị trường

Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu

Xem thêm: