[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu VGT (Tập đoàn Dệt May Việt Nam)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của VGT

Về mặt kết quả kinh doanh

Một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quý 4 và lũy kế cả năm 2022 của VGT như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4 của VGT
  • Trong quý 4/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của VGT đạt 4.156,6 tỷ đồng và đã quay đầu giảm 15% so với cùng kỳ, sau khi đã tăng khá tốt trong ba quý đầu năm. Phần lãi Công ty được hưởng tại các doanh nghiệp liên doanh, liên kết giảm 19% cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả lợi nhuận trong quý.
  • Về phần chi phí, giá vốn hàng bán trong kỳ cũng giảm nhưng chậm hơn nhiều so với tốc độ giảm của doanh thu, khiến cho lợi nhuận gộp quý 4 giảm hơn 71% so với cùng kỳ. Đồng thời chi phí tài hính tăng mạnh (+208,5%) do ảnh hưởng của lỗ chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay. Chính vì vậy, sau khi trừ chi phí, VGT đã ghi nhận lỗ sau thuế 5,2 tỷ đồng trong quý 4/2022, trong khi cùng kỳ năm 2021, Công ty có lãi 452 tỷ.
  • Tình hình kém tích cực trong quý 4 cũng đã kéo tụt kết quả kinh doanh cả năm 2022 của VGT. Kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của Công ty vẫn tăng 14,8% nhưng lợi nhuận sau thuế thì giảm 19,2% so với năm 2021. Do đã đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng trong năm 2022 nên Công ty vẫn hoàn thành 102% mục tiêu doanh thu và 112% mục tiêu lợi nhuận.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4 của VGT

Về mặt tài sản:

  • Tổng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán hợp nhất của VGT tại cuối quý 4/2022 đạt 20.222 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,6% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản của Công ty đang khá cân bằng giữa các tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Cụ thể hơn, khoản mục đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của VGT là tài sản cố định với tỷ lệ 31,2%. Tiếp đến là hàng tồn kho với tỷ trọng gần 20%, khoản mục này đã có mức tăng khá mạnh (+20,3%) kể từ đầu năm. Ngoài ra, tài sản đầu tư tài chính cũng là các khoản mục quan trọng trong cơ cấu tài sản của VGT, trong đó đầu tư tài chính ngắn hạn (gồm tiền gửi ngân hàng, trái phiếu) chiếm 10,8% tổng tài sản và đầu tư tài chính dài hạn (chủ yếu là đầu tư vào công ty liên kết) chiếm 14,4% tổng tài sản.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại cuối quý 4/2022, tổng nợ phải trả hợp nhất của VGT ở mức 10.659 tỷ đồng và giảm nhẹ 4,1% so với thời điểm đầu năm, cũng như đang chiếm tỷ lệ 52,7% trong tổng nguồn vốn của Công ty. Trong đó, số dư các khoản nợ tài chính (vay ngân hàng, trái phiếu) ngắn hạn và dài hạn của VGT lần lượt là 4.163 tỷ đồng và 2.980 tỷ đồng, đây đồng thời là các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn của Công ty với 20,6% và 14,7%.
  • Nhìn chung, VGT đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức trung bình và cơ cấu nguồn vốn của VGT đang cân bằng giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay, nợ và vốn của chủ sở hữu. Các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Công ty duy trì ở mức tương đối đảm bảo chức chưa phải là quá tốt với tỷ số thanh toán hiện hành = 1,33 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0,77 lần.

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của VGT ở mức dương 75,2 tỷ đồng và đưa số dư tiền mặt cuối kỳ của Công ty lên mức 714,3 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm.
  • Về mặt cơ cấu, thu từ hoạt động kinh doanh vẫn là nguồn tạo tiền chủ yếu của Công ty khi thu ròng 481 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh đã có sự sụt giảm khá mạnh so với mức thu ròng 828,8 tỷ trong cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư của VGT cũng mang về dòng tiền dương 11,9 tỷ đồng, trong khi công ty đã chi ròng 417,8 tỷ đồng cho hoạt động tài chính, chủ yếu dùng để trả cổ tức cho cổ đông.

Nhận xét

Tình hình kinh doanh của VGT trong quý 4 đã chuyển hướng theo chiều kém tích cực hơn sau khi đã tăng trưởng tương đối khả quan trong ba quý đầu năm. Cụ thể, doanh thu quý này đã giảm 15% so với cùng kỳ, cộng với giá vốn không giảm nhiều và chi phí tài chính tăng đột biến đã khiến cho VGT phải chịu lỗ sau thuế 5 tỷ đồng.

Tình hình kém khả quan trong quý 4 cũng đã kéo theo sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh cả năm 2022 của VGT. Kết thúc năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của Công ty vẫn tăng 14,8% nhưng lợi nhuận sau thuế thì giảm 19,2% so với năm 2021, mặc dù trước đó, lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm của Công ty vẫn tăng 23% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tình hình tài chính của VGT phần nào vẫn có được sự lành mạnh và an toàn. Cơ cấu nguồn vốn của Công ty cân bằng, đòn bẩy tài chính sử dụng ở mức độ vừa phải. Hoạt động kinh doanh tạo ra được dòng tiền ổn định, góp phần giúp Công ty đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của VGT

Về mặt kết quả kinh doanh

Một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 của VGT như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 3/2022 của VGT
  • Trong quý 3/2022, hoạt động kinh doanh của VGT mang lại 4.600 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 12,9% so với cùng kỳ. Hoạt động của các công ty liên doanh, liên kết của VGT cũng khá tích cực, mang lại cho Công ty phần lãi được chia hơn 164 tỷ đồng, tăng 29,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, các chí kinh doanh như giá vốn, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng khá mạnh và đặc biệt là chi phí tài chính tăng 120,7% (chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá tăng mạnh) so với quý 3/2021. Vì vậy, sau khi khấu trừ tất cả các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế quý 3 của VGT ghi nhận giảm khá mạnh (-38,4%) so với cùng kỳ năm trước.
  • Do kết quả kinh doanh của hai quý đầu năm tăng trưởng khá mạnh nên khi tính lũy kế 9 tháng, doanh thu và lợi nhuận của VGT vẫn có sự tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, doanh thu thuần trong 9 tháng đầu năm đạt 14.208 tỷ đồng, tăng gần 28% , lợi nhuận sau thuế cũng có mức tăng trưởng 23,3% so với cùng kỳ và đạt mức 1.074,8 tỷ đồng. So với kế hoạch kinh doanh của năm 2022 thì Công ty đã hoàn thành 78,6% chỉ tiêu doanh thu và 113% mục tiêu lợi nhuận.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 3/2022 của VGT

Về mặt tài sản

  • Tổng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán hợp nhất của VGT tại cuối quý 3/2022 đạt 21.199 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,2% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản của Công ty đang khá cân bằng giữa các tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Cụ thể hơn, khoản mục đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của VGT là tài sản cố định với tỷ lệ 30%. Tiếp đến là hàng tồn kho với tỷ trọng 18%, khoản mục này đã có mức tăng khá mạnh (+17%) kể từ đầu năm. Ngoài ra, tài sản đầu tư tài chính cũng là các khoản mục quan trọng trong cơ cấu tài sản của VGT, trong đó đầu tư tài chính ngắn hạn (gồm tiền gửi ngân hàng, trái phiếu) chiếm 12,6% tổng tài sản và đầu tư tài chính dài hạn (chủ yếu là đầu tư vào công ty liên kết) chiếm 14% tổng tài sản.

Về mặt nguồn vốn

  • Tại cuối quý 3/2022, tổng nợ phải trả của VGT ở mức 11.525,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,7% và đang chiếm tỷ lệ 54,4% trong tổng nguồn vốn của Công ty. Trong đó, số dư các khoản nợ tài chính (vay ngân hàng, trái phiếu) ngắn hạn và dài hạn của VGT lần lượt là 4.365,4 tỷ đồng và 3.372 tỷ đồng, đây đồng thời là các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn vốn của Công ty với 20,6% và 15,9%.
  • Nhìn chung, VGT đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức trung bình và cơ cấu nguồn vốn của VGT đang cân bằng giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay, nợ và vốn của chủ sở hữu. Các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Công ty duy trì ở mức tương đối đảm bảo chức chưa phải là quá tốt với tỷ số thanh toán hiện hành = 1,37 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0,86 lần.

Tình hình dòng tiền

  • Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng lưu chuyển tiền thuần của VGT ở mức dương 75,2 tỷ đồng và đưa số dư tiền mặt cuối kỳ của Công ty lên mức 714,3 tỷ đồng, tăng 12% so với thời điểm đầu năm.
  • Về mặt cơ cấu, thu từ hoạt động kinh doanh vẫn là nguồn tạo tiền chủ yếu của Công ty khi thu ròng 481 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm. Tuy nhiên dòng tiền kinh doanh đã có sự sụt giảm khá mạnh so với mức thu ròng 828,8 tỷ trong cùng kỳ năm trước. Hoạt động đầu tư của VGT cũng mang về dòng tiền dương 11,9 tỷ đồng, trong khi công ty đã chi ròng 417,8 tỷ đồng cho hoạt động tài chính, chủ yếu dùng để trả cổ tức cho cổ đông.

Nhận xét

Kết quả kinh doanh quý 3/2022 của VGT có phần suy giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của chi phí sản xuất, chi phí tài chính tăng mạnh. Tuy nhiên, các mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong hai quý đầu năm đã bù đắp được sự sụt giảm của quý 3, giúp lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của VGT vẫn có mức tăng trưởng khác tích cực (+23,3%) so vơi cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, chỉ sau 9 tháng hoạt Công ty cũng đã hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2022.

Tình hình tài chính của VGT tiếp tục giữ được sự lành mạnh và an toàn. Cơ cấu nguồn vốn của Công ty cân bằng, đòn bẩy tài chính sử dụng ở mức độ vừa phải. Hoạt động kinh doanh tạo ra được dòng tiền ổn định, góp phần giúp Công ty đảm bảo được khả năng thanh toán các khoản nợ.

Mở tài khoản chứng khoán VPS để đồng hành cùng Đầu Tư Từ Đâu và luôn được cập nhật các mã cổ phiếu khỏe nhất thị trường

Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu