[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu VJC (VietJet)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 1/2023 của VJC

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1/2023 của VJC
  • Trong quý 1/2023, doanh thu bán hàng của VJC đã có sự cải thiện mạnh khi tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 12.898 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía Công ty, số chuyến bay và số lượt khách vận chuyển của VJC trong quý đầu năm đã tăng lần lượt 57% và 75% so với cùng kỳ.
  • Về mặt chi phí, giá vốn kinh doanh cũng tăng nhưng chậm hơn so với tốc độ tăng của doanh thu nên biên lợi nhuận gộp của VJC được cải thiện mạnh lên mức 8,2% so với mức (-5,7%) trong quý 1/2022. Các chi phí kinh hoạt động còn lại cũng tăng nhanh như chi phí bán hàng tăng 225,6%, chi phí quản lý tăng 32,2%.
  • Sau khi khấu trừ tất cả các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VietJet được ghi nhận ở mức 173 tỷ đồng, giảm 29% so với quý 1/2022. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, trong quý 1/2022, lợi nhuận của VJC hoàn toàn đến từ khoản thu nhập từ hoạt động tài chính đột biến. Nếu loại trừ khoản thu nhập tài chính trên thì kết quả lợi nhuận quý 1/2023 của VJC vẫn có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 1/2023 của VJC

Về mặt tài sản:

  • Tại cuối quý 1/2023, tổng tài sản hợp nhất của VJC chỉ tăng nhẹ 1,8% so với đầu năm và đạt mức 69.277 tỷ đồng. Trong đó, có một số khoản mục có mức biến động đáng chú ý như, đầu tư tài chính ngắn hạn (giảm 25,9%), tiền mặt (giảm 6,7%) và tài sản dài hạn khác (giảm 9,6%).
  • Nhìn chung, VJC tiếp tục duy trì một cơ cầu tài sản cân bằng giữa các tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Nhưng đáng chú ý hơn cả là các khoản phải thu đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tài sản của VJC với phải thu ngắn hạn chiếm 43,4% tổng tài sản và phải thu dài hạn chiếm 30,7% tổng tài sản. Giá trị tài sản cố định của VJC chỉ tăng nhẹ 5,4% trong quý này và vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ chỉ 8,7% trong tổng tài sản khi mà đa phần máy bay của Công ty đang sử dụng đến từ nguồn thuê hoạt động.

Về mặt nguồn vốn:

  • Trong quý đầu năm 2023, tổng khác khoản nợ phải trả của VJC cũng không thay đổi nhiều, chỉ tăng 1,9% so với thời điểm đầu năm. Tuy vậy, cơ cấu vốn của VietJet nói chung vẫn đang mất cân bằng, đòn bẩy tài chính ở mức cao khi nợ phải trả đang chiếm đến 78% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, các khoản nợ, vay dài chiếm đa số với tổng dự nợ vay ngắn hạn và dài hạn cuối quý là 18.804 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 27,1% trong tổng số vốn của Công ty. Ngoài ra, các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán nợ ngăn hạn của VJC đang ở các mức tương đối đảm bảo chứ chưa phải là tốt (tỷ số thanh toán hiện hành là 1,14 lần, tỷ số thanh toán nhanh là 1,1 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VJC trong quý 1 đã cho thấy sự cải thiện khi đạt mức dương 17,3 tỷ đồng, tăng nhiều so với mức âm 2.447 tỷ của cùng kỳ năm 2022. Mặc dù con số lợi nhuận có phần sụt giảm nhưng do Công ty đã quản lý tốt hơn các khoản phải thu nên kết quả dòng tiền đã tích cực hơn nhiều so với cùng kỳ.
  • Ngoài ra, VJC cũng thu ròng về 206 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư, chủ yếu nhờ thu hồi các khoản đầu tư dưới dạng tiền gửi ngân hàng. Trong khi đó, hoạt động tài chính lại chi ròng ra 129,7 tỷ do hoàn trả các khoản nợ vay ngân hàng.

Tổng kết

Hoạt động kinh doanh của VJC trong quý đầu năm 2023 đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực trở lại. Trong đó, điểm sáng nhất là doanh thu vận chuyển và dịch vụ hàng không đã hồi phục mạnh, tăng gần gấp 3 lần so với quý 1/2022. Giá nhiên liệu bay cũng có phần hạ nhiệt giúp cho giá vốn hàng bán tăng chậm hơn so với doanh thu và góp phần cải thiện biên lợi nhuận gộp. Mặc dù lợi nhuận sau thuế hợp nhất vẫn giảm 29% so với cùng kỳ, nhưng mức giảm này chủ yếu do Công ty không còn ghi nhận khoản doanh thu hoạt động tài chính bất thường như quý 1/2022.

Tuy vậy, tình hình tài chính của VietJet vẫn đang có một số vấn đề tồn tại như đòn bẩy tài chính đang ở mức cao khi nợ phải trải chiếm hơn 78% trong tổng nguồn vốn, số dư và tỷ trọng các khoản vay ngân hàng, trái phiếu vẫn còn khá cao. Đồng thời các khoản phải thu vẫn đang chiếm tỷ trọng cao, lên đến hơn 74% trong tổng tài sản, việc chậm thu hồi các khoản phải thu vẫn phần nào ảnh hưởng đến kết quả dòng tiền của VJC.


cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của VJC

Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa vào các thông tin trên BCTC của VietJet, có thể rút ra một số điểm chính về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 4 và lũy kế cả năm 2022 như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4 và toàn niên 2022 đã kiểm toán
  • Trong quý 4/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính của VJC đạt 11.807 tỷ đồng, tiếp tục phục hồi mạnh (tăng 323,3%) từ mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên chi phí khai thác bay tăng mạnh (chủ yếu do giá nhiên liệu bay neo ở mức cao) dẫn đến giá vốn hàng bán trong kỳ cao hơn cả doanh thu và làm cho Công ty lỗ gộp 3.843 tỷ đồng.
  • Ngoài ra, trong quý 4, VJC đã ghi nhận khoản thu đột biến từ hoạt động tài chính (2.062 tỷ đồng) và lãi từ các hoạt động khác (1.619 tỷ đồng). Nhưng điều này là không đủ để bù đắp cho khoản lỗ gộp kể trên cũng như các chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng mạnh trong kỳ. Do vậy, trong quý 4/2022, VJC ghi nhận khoản lỗ sau thuế lên đến 2.359 tỷ đồng.
  • Các con số kém tích cực trong quý 4 cũng đã kéo giảm mạnh kết quả kinh doanh của năm 2022. Kết thúc 3 quý đầu năm VJC vẫn có lãi sau thuế 187 tỷ đồng nhưng sau khi kết thúc quý 4, con số này chuyển thành lỗ 2.262 tỷ đồng.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của VJC

Về mặt tài sản:

  • Tại thời điểm cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản của VJC đạt mức 67.147 tỷ đồng, tăng khá mạnh (+30%) kể từ đầu năm. Mức tăng của tổng tài sản nêu trên có sự đóng góp từ các nguồn như tài sản cố định (tăng 403%, chủ yếu do mua sắm thêm máy bay và các bộ phận), các khoản phải thu dài hạn (tăng 31%), các khoản phải thu ngắn hạn (tăng 15,8%)…
  • Cơ cấu tài sản của VJC đang khá cân bằng giữa các tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. Nhưng đáng chú ý hơn cả là các khoản phải thu đang chiếm tỷ trọng rất lớn trong tài sản của VJC với phải thu ngắn hạn chiếm 40% tổng tài sản và phải thu dài hạn chiếm 32,9% tổng tài sản. Giá trị tài sản cố định của VJC đã tăng mạnh trong năm 2022, tuy nhiên vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ chỉ 8,7% trong tổng tài sản khi mà đa phần máy bay của Công ty đang sử dụng đến từ nguồn thuê hoạt động.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tại cuối năm 2022, tổng khác khoản nợ phải trả của VJC ở mức 52.905 tỷ đồng, tăng rất mạnh (+52%) so với đầu năm và chiếm tỷ trọng lớn, lên đến 78,8% trong tổng nguồn vốn. Mức tăng trên của nợ phải trả chủ yếu đến từ các khoản nợ mang tính thương mại như doanh thu chưa thực hiện (+817%), người mua trả tiền trước (+238%) và phải trả người bán ngắn hạn (+202%). Tuy không tăng quá mạnh nhưng các khoản vay tài chính (ngân hàng, trái phiếu) vẫn còn chiếm tỷ trọng đáng kể 26,1% trong tổng nguồn vốn của VJC.
  • Cơ cấu vốn của VietJet nhìn chung đang mất cân bằng, đòn bẩy tài chính ở mức cao khi nợ phải trả đang chiếm đến gần 79% trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó các khoản nợ, vay dài chiếm đa số. Do các khoản nợ đặc biệt là nợ ngắn hạn tăng nhanh nên các chỉ số về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của VJC đã có sự suy giảm đáng kể và chỉ ở các mức tương đối đảm bảo chứ chưa phải là an toàn (tỷ số thanh toán hiện hành = 1.01 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 0.98 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 của VJC ở mức âm 31,6 tỷ đồng, phần nào có sự cải thiện so với mức âm 1.134 tỷ đồng trong năm 2021, giúp cho số dư tiền cuối năm giữ gần như tương đương so với mức đầu năm.
  • Cụ thể hơn, hoạt động kinh doanh vẫn thu ròng 2.745 tỷ đồng, đây là kết quả bất ngờ khi trong năm VJC phải chịu khoản lỗ lên đến hơn 2.000 tỷ đồng. Hoạt động tài chính cũng thu ròng 2.103 tỷ đồng nhưng chủ yếu nhờ huy động từ nguồn đi vay. Nguồn tiền thu được từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính kể trên đã được VJC chi ra trở lại trong hoạt động đầu tư (chi ròng 4.880 tỷ đồng) với chủ yếu là mua sắm tài sản cố định.

Nhận xét

Kết quả kinh doanh của VJC đã bất ngờ xấu đi một cách nhanh chóng trong quý 4/2022. Mặc dù doanh thu duy trì được đà phục hồi và tăng tốt so với cùng kỳ nhưng do ảnh hưởng bất lợi của chi phí khai thác bay (chủ yếu do chi phí nhiên liệu bay ở mức cao) đã khiến cho giá vốn hàng bán quý 4 còn cao hơn cả doanh thu. Tuy được hỗ trợ từ các khoản thu đột biến từ hoạt động tài chính và hoạt động khác nhưng vẫn chưa đủ để bù đắp cho tất cả các chi phí kinh doanh, từ đó Công ty chịu khoản lỗ sau thuế lớn, lên đến 2.359 tỷ đồng trong quý 4/2022. Ngoài ra, khoản lỗ trong quý 4 cũng kéo tụt kết quả lũy kế cả năm 2022, khi mà sau 9 tháng đầu năm Công ty vẫn ghi nhận lãi 187 tỷ đồng nhưng khi hết quý 4 thì đã ghi nhận lỗ cả năm 2.262 tỷ đồng.

Tình hình tài chính của VietJet cũng đang có một số vấn đề như đòn bẩy tài chính đang ở mức cao khi nợ phải trải chiếm gần 79% trong tổng tài sản, số dư và tỷ trọng các khoản vay ngân hàng, trái phiếu vẫn còn khá cao. Đòn bẩy tài chính cao trong bối cảnh lãi suất tăng càng gây thêm áp lực về chi phí tài chính cho Công ty. Ngoài ra, trong giá trị tài sản của Công ty thì các khoản phải thu đang chiếm đến hơn 70%, việc chậm thu hồi các khoản phải thu đã phần nào ảnh hưởng đến kế quả dòng tiền của VJC.


cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của VJC

Về mặt kết quả kinh doanh

Dựa vào BCTC của VietJet, có thể rút ra một số điểm chính về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 như sau:

kết quả kinh doanh quý 3.2022 VJC
Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 3 của VJC
  • Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 của VJC đạt lần lượt 11.600 tỷ đồng và 3.3 tỷ đồng doanh thu thuần, ghi nhận các mức tăng mạnh 337% và 170% so với với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, do ảnh hưởng của giá nhiên liệu máy bay tăng mạnh đã khiến cho giá vốn tăng đột biến nên lợi nhuận gộp của quý 3 giảm gần 35% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp cũng bị bào mòn mạnh, chỉ còn 3,1%.
  • Doanh thu từ hoạt động tài chính trong 9 tháng đạt 552 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do Công ty đã ghi nhận một doanh thu tài chính đột biến trong quý 3/2021 từ việc chuyển nhượng cổ phần. Chi phí tài chính 9 tháng ở mức 1.514 tỷ đồng, tăng rất mạnh so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu do chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỷ giá tăng cao.
  • Các chi phí hoạt động khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2022 cũng có mức tăng lần lượt là 9,5% và 37,2%.
  • Sau khi tổng hợp các khoản doanh thu và chi phí, Vietjet ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3/2022 đạt 43 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm Công ty cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 3,6% so với cùng kỳ, đạt mức 187 tỷ đồng. Biên lợi nhuận ròng có sự suy giảm đáng kể, chỉ đạt 0,68% trong 9 tháng.

Tình hình tài chính

tình hình tài chính quý 3.2022 VJC
Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 3 của VJC

Về mặt tài sản

  • Tại thời điểm cuối quý 3/2022, quy mô tổng tài sản của VJC đạt mức 67.470 tỷ đồng, tăng khá mạnh (30,6%) kể từ đầu năm. Trong đó, đáng lưu ý là các khoản phải thu ngắn hạn của Công ty tăng mạnh, cụ thể, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng hơn 52%, trả trước cho người bán ngắn hạn tăng 24,8 lần, phải thu ngắn hạn khác tăng 46%. Ngoài ra, công ty cũng tăng cường đầu tư cho tài sản cố định (tăng gần 75% so với thời điểm đầu năm)
  • Xét về cơ cấu tài sản, các khoản phải thu (ngắn hạn và dài hạn) đang chiếm tỷ trọng rất lớn với gần 80% tổng tài sản của VJC. Tài sản cố định chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn (chỉ 3% tổng tài sản) do máy bay mà Công ty sử dụng chủ yếu đến từ nguồn thuê hoạt động.

Về mặt nguồn vốn

  • Tổng các khoản nợ phải trả của VietJet tại thời điểm cuối quý 3 ở mức 49.938 tỷ đồng, tăng mạnh 43,5% so với đầu năm và chiếm tỷ trọng lớn với 74% trong tổng nguồn vốn. Trong số các khoản phải trả thì doanh thu chưa thực hiện và phải trả người bán ngắn hạn là các mục tăng mạnh nhất kể từ đầu năm (+139% và +386%). Tổng các khoản vay nợ ngân hàng, trái phiếu và thuê tài chính cuối quý 3 của VJC đạt 19.442 tỷ đồng, tăng gần 26% so với mức đầu năm và chiếm gần 29% tổng nguồn vốn.
  • Quy mô vốn chủ sở hữu của VJC tại ngày 30/9/2022 đạt 17.532 tỷ đồng, tăng mạnh nhẹ 4% so với thời điểm đầu năm. Mức tăng này của vốn chủ sở hữu chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, trong khi vốn góp và lợi nhuận chưa phân phối hầu như giữ nguyên so với đầu năm.

Về cơ cấu vốn và khả năng thanh toán

  • VietJet đang sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức khá cao khi nợ phải trả đang chiếm đến 74% trong tổng nguồn vốn của doanh nghiệp, trong đó các khoản nợ, vay dài chiếm đa số. Về mặt thanh khoản thì Công ty vẫn duy trì được khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn ở mức tương đối an toàn (hệ số thanh toán hiện hành = 1,5 lần), tuy nhiên số dư tiền mặt của VJC vẫn còn khá thấp khi so với các khoản vay, nợ ngắn hạn.

Tình hình dòng tiền

  • Tổng lưu chuyển tiền thuần trong 9 tháng đầu năm của VJC ở mức dương 216 tỷ đồng, từ đó số dư tiền và tương đương tiền cuối quý 3 tăng nhẹ lên mức 2.068 tỷ đồng.
  • Tuy nhiên điều đáng lưu ý là về mặt cơ cấu thì dòng tiền. Cụ thể, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VJC trong 9 tháng đang ở mức âm 3.593 tỷ đồng với nguyên nhân chủ yếu là công ty chậm thu hồi các khoản phải thu. Do dòng tiền từ hoạt động kinh doanh yếu nên Công ty đang phải phụ thuộc vào dòng tiền từ hoạt động tài chính mà cụ thể là vay nợ (thu ròng 3.872 tỷ) để tài trợ cho các hoạt động của mình.

Nhận xét

Kết quả kinh doanh của VJC trong quý 3/2022 không mấy tích cực và đã có sự sụt giảm về lợi nhuận so với cùng kỳ, mặc cho mức nền lợi nhuận của trong quý 3/2021 khá thấp do ảnh hưởng của dịch Covid. Điểm sáng hiếm hoi nằm ở mặt doanh thu 9 tháng đầu năm khi đã tăng mạnh gần 169% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, chi phí nhiên liệu máy bay tăng cao cùng áp lực của chi phí lãi vay đã bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Tình hình tài chính của VietJet cũng đang có một số vấn đề như các khoản phải thu tăng mạnh và chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu tổng tài sản. Việc chậm thu hồi các khoản phải thu dẫn đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Công ty đang ở mức âm. Điều này khiến cho VJC tiếp tục phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay nợ, đòn bẩy tài chính cao trong bối cảnh lãi tăng càng gây thêm áp lực về chi phí lãi vay cho Công ty.

THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch

Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.


Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.
Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636

XEM THÊM: