[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu VPB (VPBank)
Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của VPB
Về mặt kết quả kinh doanh
Dựa vào BCTC quý 4 của VPBank có thể rút ra một số điểm lưu ý về kết quả kinh doanh của Ngân hàng này như sau:

- Hoạt động tín dụng của VPBank trong quý 4/2022 ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 10.283 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ, tuy nhiên tốc độ tăng của thu nhập lãi thuần đã có phần chậm hơn so với quý 3 do chi phí lãi huy động tăng cao.
- Các mảng kinh doanh ngoài tín dụng của VPB trong quý 4 cho ra các kết quả tương đối trái chiều. Mảng dịch vụ tài chính thu về 1.881 tỷ đồng thu nhập thuần, tăng khá mạnh 57,3%, thu nhập từ hoạt động khác cũng tăng gần 54% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận mức lỗ khá lớn 340 tỷ đồng và mảng đầu tư chứng khoán cũng chịu lỗ 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 784 tỷ đồng.
- Về mặt chi phí, VPBank ghi nhận 4.065 tỷ đồng chi phí hoạt động trong quý 4, tăng mạnh (+42%) so với quý 4/2021, đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng khá cao (31%) so với cùng kỳ và đạt mức 7.320 tỷ đồng. Do vậy, sau khi khấu trừ tất cả các khoản chi phí, con số lợi nhuận sau thuế đạt được trong quý 4 của VPB đã giảm 45,7% so với cùng thời kỳ năm 2021.
- Do hoạt động kinh doanh trong 3 quý đầu năm khá tích cực nên kết quả lũy kế cả năm 2022 của VPB vẫn có được sự tăng trưởng tương đối cao so năm trước. Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động tăng hơn 30% nhờ sự gia tăng trong hoạt động tín dụng và hoạt dịch vụ cộng với khoản lãi đột biến ghi nhận trong quý 1 từ thỏa thuận độc quyền bancassurance với AIA. Từ đó, Ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 16.924 tỷ đồng, tăng 47.5% so với năm 2021.
Tình hình tài sản và nguồn vốn

Về mặt tài sản
- Tại ngày 31/12/2022, quy mô tổng tài sản của VPBank đạt mức 631.074 tỷ đồng, tăng 15,3% so với thời điểm đầu năm. Tại cuối quý 4, tổng dự nợ tín dụng hợp nhất của VPB đã tăng 23% so với thời điểm đầu năm và đạt mức 471.230 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng này của VPB là cao hơn khá nhiều so với mức bình quân hơn 14% của toàn ngành ngân hàng.
- Tuy vậy, chất lượng tài sản của VPBank lại có phần suy giảm trong năm 2022. Cụ thể, tổng giá trị nợ xấu hợp nhất tại cuối quý 4 là 25.137 tỷ đồng, tăng mạnh gần 55% so với mức đầu năm. Từ đó, tỷ lệ nợ xấu bị kéo lên mức 5,7% so với 4,6% hồi đầu năm. Cũng cần lưu ý rằng tỷ lệ nợ xấu tương đối cao của VPBank là do ảnh hưởng từ việc hợp nhất các khoản cho vay của FE Credit.
Về mặt nguồn vốn
- Tổng tiền gửi VPBank huy động được từ khách hàng tại thời điểm cuối quý 4/2022 ghi nhận ở mức 303.152 tỷ đồng, tăng mạnh 25,5% kể từ đầu năm và thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng tiền gửi trong năm 2022. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cuối năm 2022 đạt 17.7%, giảm đáng kể so với mức 22.4% nhưng việc tỷ lệ CASA giảm là tình trạng chung của ngành ngân hàng trong năm 2022.
- Tại cuối quý 4/2022, quy mô vốn chủ sở hữu của VPB đạt 103.517 tỷ đồng, tăng khá mạnh gần 20% so với thời điểm đầu năm. Trong năm 2022, VPBank đã tăng vốn điều lệ lên mức hơn 67 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành thêm cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn, đông thời trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất toàn hệ thống.
Nhận xét
Trong quý 4/2022, lợi nhuận kinh doanh hợp nhất của VPBank bất ngờ có sự sụt giảm mạnh (-45,7%) so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân ở hiện tượng tượng này chủ yếu do các loại chi phí kinh doanh như chi phí lãi huy động, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro đều tăng khá mạnh, đồng thời một số mảng hoạt động như kinh doanh ngoại tệ, đầu tư chứng khoán đều chịu các khoản lỗ khá lớn trong quý 4.
Do được hỗ trợ bởi các kết quả tốt hơn trong 9 tháng đầu năm nên khi tính lũy kế cả năm 2022, hoạt động kinh doanh của VPB vẫn có được sự tăng trưởng tương đối tích cực. Trong đó, tổng thu nhập hoạt động tăng hơn 30% so với năm 2021 nhờ đóng góp tích cực của hoạt đông tín dụng và hoạt động dịch vụ tài chính, từ đó giúp cho lợi nhuận sau thuế năm 2022 có sự tăng trưởng cao (+47.5%) so với năm trước. Tuy nhiên do VPB đặt kế hoạch khá tham vọng trong năm 2022 nên khi kết thúc năm Ngân hàng mới chỉ hoàn thành gần 72% mục tiêu lợi nhuận của năm.
Một điểm sáng nữa trong tình hình hoạt động của VPB trong năm 2022 chính là tốc độ tăng trưởng huy động tiền gửi khách hàng trên 25% và thuộc nhóm cao nhất trong ngành ngân hàng. Tuy nhiện, mặt chất lượng tài sản của VPB lại chưa được tốt khi tỷ lệ nợ xấu tăng khá mạnh lên mức 5,7% so với 4.6% hồi đầu năm với nguyên nhân chủ yếu do xấu từ các khoản cho vay của FE Credit tăng mạnh.
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của VPB
Về mặt kết quả kinh doanh
Trong quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh của VPBank có những điểm đáng chú ý như sau:

- Hoạt động tín dụng của VPBank trong quý 3 ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 15.858 tỷ đồng. Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, chỉ tiêu này của VPB cũng tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021.
- Kết quả từ các nguồn thu nhập ngoài lãi của VPB trong quý 3 cho kết quả tương đối trái chiều. Mảng dịch vụ tài chính mang lại 1.769 tỷ đồng thu nhập thuần, tăng mạnh 123,6%, với đóng góp tích cực từ các dịch vụ thanh toán và hợp tác bảo hiểm. Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ 29 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư ghi nhận lãi 11 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 727 tỷ đồng.
- Về mặt chi phí, VPBank ghi nhận 3.536 tỷ đồng chi phí hoạt động trong quý 3 tăng khá mạnh (+44%) so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, VPBank đã trích lập 5.423 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, tăng nhẹ 8,9% so với quý 3 năm 2021.
- Tổng hợp các khoản thu nhập và chi phí, VPBank ghi nhận con số lợi nhuận trước thuế trong quý 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm lần lượt ở mức 4.514 tỷ đồng và 19.837, tương ứng với +67,3% và +69% so với cùng kỳ năm trước. So với với kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm, Ngân hàng đã hoàn thành 67% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.
Tình hình tài sản và nguồn vốn
Về mặt tài sản
- Tại ngày 30/9/2022, quy mô tổng tài sản của VPBank đạt mức 595.902 tỷ đồng, tăng 8,9% so với thời điểm đầu năm. Tại cuối quý 3, tổng dự nợ tín dụng hợp nhất của VPB đạt trên 435.660 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khách hàng chiếm 402.647 tỷ đồng và các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chiếm 33.014 tỷ đồng. Tính đến cuối quý 3, tăng trưởng tín dụng của VPB đã đạt 13,7%, cao hơn so với mức trung bình 10,96% của toàn ngành ngân hàng.
- Về mặt chất lượng tài sản, tổng giá trị nợ xấu của VPB tại thời điểm cuối quý 3 ở mức 20.192 tỷ đồng, tăng hơn 24% kể từ đầu năm. Trong đó, đáng chú ý có nợ xấu nhóm V (nợ có khả năng mất vốn) tăng mạnh hơn 2,7 lần so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/9/2022 của Ngân hàng là 5.02%, giảm nhẹ so với mức 5,25% của quý trước nhưng vẫn cao hơn mức 4,47% tại đầu năm. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cuối quý 3 đạt 62%, cải thiện nhẹ so với mức 60% của đầu năm.
Về mặt nguồn vốn
- Tổng tiền gửi VPBank huy động được từ khách hàng tại thời điểm cuối quý 3/2022 ghi nhận ở mức 277.422 tỷ đồng, tăng 14,7% kể từ đầu năm. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 19,4% tương đương với mức cuối quý 2 nhưng giảm so với mức 22,4% hồi đầu năm. Giá trị huy động thông qua phát hành giấy tờ có giá tại cuối quý 3 đạt 72.873 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm.
- Tại cuối quý 3/2022, quy mô vốn chủ sở hữu của VPB đạt 102.366 tỷ đồng, tăng 18,6% so với thời điểm đầu năm, đưa VPBank lọt vào top 5 ngân hàng ngân hàng thương mại có vốn chủ sở hữu lớn nhất. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II đạt 14,95%, cải thiện nhẹ so với mức 14.39% tại cuối quý 2 và tiếp nằm trong top đầu của ngành ngân hàng về mức độ đảm bảo vốn.
Nhận xét
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của VPB đạt được đã có phần cải thiện hơn so với quý trước. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý 3 tăng 8% so với quý 2, còn nếu so với cùng kỳ năm trước thì mức tăng đạt được là 67,3%, trong khi qúy trước lợi nhuận trước thuế tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Ngân hàng như cho vay tín dụng và dịch vụ tài chính cũng đạt được các mức tăng trưởng thu nhập cao trong quý 3.
Sau 9 tháng đầu năm, VPB ghi nhận tổng lợi nhuận trước thuế đạt được là 19.837, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, khi so với kế hoạch kinh doanh đề ra từ đầu năm thì Ngân hàng mới chỉ hoàn thành 67% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế. Do vậy để hoàn thành được kế hoạch này thì VPBank sẽ còn phải cố gắng hơn nữa trong quý 4.
Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng của VPBank sau 9 tháng đã đạt mức khá cao là 13.7%, tuy vậy so với room tăng trưởng tín dụng 27,2% được cấp trong năm 2022 thì dư địa tăng trưởng cho vay còn lại trong quý 4 của VPBank là rất nhiều. Đây sẽ là một lợi thế khá lớn của VPB do nhiều ngân hàng khác đã gần chạm trần tăng trưởng tín dụng của năm nay.
Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 2 của VPB
Kết quả kinh doanh VPB quý 2/2022
Theo báo cáo KQKD từ VPBank, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng trong quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2022 có những điểm đáng chú ý như sau:

- Hoạt động tín dụng của VPBank trong quý 2 ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 10.466. Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu này của VPB cũng tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2021.
- Kết quả từ các nguồn thu nhập ngoài lãi của VPB trong quý 2 cho kết quả tương đối trái chiều. Các hoạt động ngoại hối và mua bán chứng khoán kinh doanh ghi nhận lỗ 167 tỷ và 232 tỷ đồng. Trong khi đó, thu nhập thuần từ hoạt động dịch vụ lại cho con số tăng trưởng khá tốt (+41,8%) so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra, thu nhập từ các hoạt động khác cũng đóng góp mạnh vào lợi nhuận khi tăng đột biến, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước.
- Về mặt chi phí, VPBank ghi nhận 3.524 tỷ đồng chi phí hoạt động trong quý 2 tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. VPB cũng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 2 với 5.586 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.
- Tổng hợp lại, VPBank đạt được mức lợi nhuận sau thuế 3.324 tỷ đồng, giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do kết quả tăng trưởng đột biến trong quý 1 nên tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận sau thuế của VPB vẫn có mức tăng khá mạnh (+69,6%) so với cùng kỳ.
Tình hình tài chính
Về mặt tài sản
- Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của VPBank đạt mức 608.275 tỷ đồng, tăng 11,1% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tổng dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng tại thời điểm cuối quý 2 đạt 392.505 tỷ đồng, tăng 10,5% kể từ đầu năm. Mức tăng này cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng bình quân 9,35% trong 6 tháng đầu năm của toàn ngành ngân hàng.
- Tổng nợ xấu hợp nhất cuối quý 2 của VPB ở mức 20,625 tỷ đồng, tăng 27% so với thời điểm đầu năm, kéo theo tỷ lệ nợ xấu lên mức 5,25% so với 4,47% hồi đầu năm. Ngoài ra, nợ có khả năng mất vốn của VPBank cũng tăng mạnh hơn 2,4 lần so với đầu năm, lên mức 4.971 tỷ đồng.
Về mặt nguồn vốn
- Vào thời điểm cuối quý 2/2022, tổng tiền gửi huy động của khách hàng tại VPBank ghi nhận ở mức 295.419 tỷ đồng, tăng khá mạnh (+22%) so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn đạt 53.391 tỷ đồng, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Ngân hàng đạt hơn 19%.
- Tổng vốn chủ sở hữu của VPB tại thời điểm cuối quý 2 đạt mức 98.524 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm. Mức tăng này chủ yếu đến từ nguồn lợi nhuận chưa phân khối khi VPBank ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm
Nhận xét
Trong quý 2/2022, kết quả kinh doanh của VPBank nhìn chung chưa được tốt. Mặc dù, thu nhập từ các hoạt động cốt lõi như tín dụng và dịch vụ tăng tương đối tốt, nhưng do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tăng khá mạnh đã kéo lợi nhuận của Ngân hàng giảm hơn 17% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù quý 2 suy giảm nhưng do kết quả kinh doanh quý 1 tăng đột biến nên tính lũy kế 6 tháng đầu năm, VPBank vẫn đạt con số lợi nhuận sau thuế khá ấn tượng với 12.241 tỷ đồng, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng kết quả đột biến của VPB trong 6 tháng đầu năm có đóng góp rất lớn đến từ nguồn thu nhập khác mà cụ thể là khoản khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa VPBank và Công ty Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam.
Trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2022, chất lượng tài sản của VPB có phần suy giảm khi tỷ lệ nợ xấu hợp nhất tăng lên mức 5,25% so với 4,47% của đầu năm. Trong đó một phần nguyên nhân đến từ nợ xấu của FE Credit tăng mạnh. Mặt nguồn vốn lại là một điểm sáng của VPB khi tăng trưởng tiền gửi huy động trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh hơn 22% so với mức bình quân 4,5% của toàn hệ thống ngân hàng. Ngoài ra tỷ lệ an toàn vốn (CAR) VPB của Bank tiếp tục nằm trong top đầu với 14,3%, vượt xa mức tối thiểu 8% của chuẩn Basel II.
THAM GIA NHÓM TƯ VẤN trong phiên giao dịch
Tham gia nhóm Tư vấn của Đầu Tư Từ Đâu (E-Broker) để được admin tư vấn điểm mua/điểm bán có lợi nhất. Bấm tham gia nhóm TẠI ĐÂY.
Hoặc mở app Zalo, quét mã QR để tham gia nhóm Tư vấn đầu tư miễn phí.
Kết bạn với admin qua Zalo 0981 084 636
XEM THÊM:
- Tin nhanh chứng khoán 29.11.2023
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá tình hình kinh doanh của FPT – cổ phiếu FPT
- Tin nhanh chứng khoán 28.11.2023
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá tình hình kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn – cổ phiếu BSR
- Tin nhanh chứng khoán 27.11.2023
- [Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá tình hình kinh doanh của Hòa Phát – cổ phiếu HPG
Chào các bạn, tôi là Đỗ Hoàng Quân. Tôi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007. Trải qua nhiều chu kỳ, tôi am hiểu quy luật vận động của thị trường và xây dựng cho mình những nguyên tắc quan trọng để có thể kiếm tiền bền vững trên thị trường chứng khoán. Tìm hiểu thêm về tôi tại đây.

Đăng ký mở tài khoản chứng khoán
Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư Miễn phí
