[Cập nhật mới nhất 2023] Đánh giá BCTC cổ phiếu VSC (CTCP Container Việt Nam)

Tác giả: Chuyên gia PTCB – Phạm Quốc Đạt

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 2/2023 của VSC
  • Trong quý 2/2023, doanh thu kinh doanh của VSC đã cho tín hiệu phục hồi khi tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên giá vốn hàng bán lại tăng nhanh hơn nhiều so với doanh thu (+15,6%) nên lợi nhuận gộp quý này giảm khá mạnh (-16,3%).
  • Trên phương diện chi phí, hầu hết các chi phí hoạt động của VSC trong quý 2 đều đồng loạt tăng mạnh, đặc biệt là chi phí tài chính (với phần lớn là lãi tiền vay) đã tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Chính vì vậy sau khi khấu trừ tất cả các khoản chi phí, Công ty chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 34,3 tỷ đồng, giảm mạnh gần 70% so với quý 2/2022.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 2/2023 của VSC

Về mặt tài sản

  • Kết thúc quý 2/2023, quy mô tài sản của VSC đã tăng khá mạnh (17,7%) so với thời điểm đầu năm và đạt mức 5.141 tỷ đồng tại cuối quý.  Mức tăng này chủ yếu nhờ đóng góp của khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh 214% sau khi Công ty một phần vốn tại cảng Nam Hải Đình Vũ.
  • Cơ cấu tài sản của VSC hiện tại đang nghiêng nhiều về phía các tài sản dài hạn (chiếm đến 68% tổng giá trị tài sản). Trong đó, đầu tư tài chính dài hạn (tại các công ty liên doanh, liên kết) là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 30% tổng tài sản. Các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản tiếp theo là tài sản cố định với 14,2% và phải thu dài hạn với 16%. Nói chung, cơ cấu tài sản này là phù hợp với ngành nghề kinh doanh, đồng thời cho thấy Công ty cũng đang chủ động đầu tư, mở rộng năng lực hoạt động.

Về mặt nguồn vốn

  • Tổng các khoản nợ phải trả của VSC tại cuối quý 2/2023 là 1.967 tỷ đồng, tăng tương rất mạnh (+68,7%) so với thời điểm đầu năm. Tuy vậy, tỷ trọng nợ phải trong tổng nguồn vốn của Công ty vẫn chưa phải là cao khi ở mức 31,2%. Trong số các khoản nợ của VSC thì vay ngân hàng ngắn và dài hạn đang là khoản quan trọng nhất, chiếm đến 85% tổng nợ phải trả và 33% tổng nguồn vốn.
  • Mặc dù số dư nợ, vay tăng khá mạnh nhưng cơ cấu vốn của VSC nhìn chung vẫn còn tương đối an toàn, Công ty chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của mình (vốn chủ sở hữu chiếm 61,7% tổng nguồn vốn). Đồng thời, các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Công ty cũng đang ở các mức đảm bảo (hệ số thanh toán hiện hành là 2,43 lần và hệ số thanh toán nhanh là 2,37 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Trong hai quý đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh chính của VSC mang lại dòng tiền ở mức dương 308,6 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức 234 tỷ của cùng kỳ năm trước. Đây có thể coi là một kết quả dòng tiền tích cực khi xét trong bối cảnh doanh thu và lợi nhuận trong quý chưa quá khả quan.
  • Mặt khác, Công ty đã chi ròng mạnh 1.064 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư với phần lớn là tiền chi góp vốn vào đơn vị khác mà cụ thể là tham gia mua cảng Nam Hải Đình Vũ. Ngoài ra, VSC đã thu ròng về 725 tỷ từ hoạt động tài chính, chủ yếu là tiền thu được từ vay ngân hàng.

Nhận xét

Kết quả kinh doanh của VSC trong quý 2/2023 nói chung vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Tuy doanh thu bán hàng trong quý đã phục hồi và tăng 4,5% so với cùng kỳ, nhưng do áp lực từ chi phí tài chính, chi phí gái vốn và các chi phí hoạt động khác tăng mạnh đã dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý này đã giảm mạnh gần 70% so với cùng kỳ năm 2022. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng của quý này cũng thu hẹp rất nhiều, phần lớn do yếu tố chi phí ảnh hưởng tiêu cực.

Về khía cạnh tình hình tài chính, VSC vẫn đang có một cơ cấu vốn tương đối an toàn và thận trọng. Tuy số dư nợ phải trả tăng khá mạnh, đồng thời Công ty đã phải huy động thêm từ nguồn vay ngân hàng để tài trợ cho các dự án đầu tư nhưng tỷ lệ đòn bẩy tài chính của VSC vẫn chưa phải là cao (tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chỉ là 0,62 lần). Các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán cũng được duy trì ở mức đảm bảo khi Công ty có số dư tiền mặt và các tài sản thanh khoản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 1/2023 của VSC

Về mặt kết quả kinh doanh

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2023 của VSC
  • Trong quý đầu của năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất từ hoạt động kinh doanh chính của VSC đạt gần 463 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ. Tuy vậy, giá vốn hàng bán vẫn tăng 6,4%, khiến cho lợi nhuận gộp quý này đã giảm tương đối mạnh (-15,8%).
  • Ngoài ra, hầu hết các chi phí hoạt động khác trong quý 1 cũng tăng mạnh như chi phí tài chính (tăng gấp nhiều lần do chi phí lãi vay), chi phí bán hàng và chi phí tài chính đều tăng trên 35%. Vì vậy, sau khi trừ tất cả các loại chi phí, VSC chỉ ghi nhận lãi sau thuế là 42,8 tỷ đồng, sụt giảm mạnh gần 61% so với cùng kỳ năm 2021.

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2023 của VSC

Về mặt tài sản:

  • Trong quý 1/2023, tổng giá trị tài sản hợp nhất của VSC chỉ biến động rất nhẹ, tăng 1,2% so với đầu năm và đạt mức 4.420,6 tỷ đồng. Nhưng khi xem xét các khoản mục cụ thể, vẫn có một số khoản có mức biến động lớn như tiền mặt tăng 56%, trong khi các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 53,5%.
  • Cơ cấu tài sản của Công ty hiện tại đang nghiêng nhiều về phía các tài sản dài hạn (chiếm đến 68% tổng giá trị tài sản). Trong đó, chi phí trả trước dài hạn (chủ yếu là chi phí mua đất, tài sản để xây dựng các dự án cảng, trung tâm logistic) là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 20% tổng tài sản. Các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản tiếp theo là tài sản cố định với 17,7% và phải thu dài hạn với 18,7%. Nói chung, cơ cấu tài sản này là phù hợp với ngành nghề kinh doanh, đồng thời cho thấy Công ty cũng đang chủ động đầu tư, mở rộng năng lực hoạt động.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tổng các khoản nợ phải trả của VSC tại cuối quý 1/2023 là 1.379 tỷ đồng, tăng tương đối mạnh (+18,3%) so với thời điểm đầu năm. Tuy vậy, tỷ trọng nợ phải trong tổng nguồn vốn của Công ty vẫn còn tương đối thấp là 31,2%. Trong số các khoản nợ của VSC thì vay ngân hàng ngắn và dài hạn đang là khoản quan trọng nhất, chiếm đến 65% tổng nợ phải trả và 20,5% tổng nguồn vốn.
  • Mặc dù số dư nợ, vay tăng khá mạnh nhưng cơ cấu vốn của VSC nhìn chung vẫn còn khá an toàn, Công ty chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của mình (vốn chủ sở hữu chiếm 68,8% tổng nguồn vốn). Đồng thời, các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của Công ty cũng đang ở các mức đảm bảo (hệ số thanh toán hiện hành là 2,18 lần và hệ số thanh toán nhanh là 2,13 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Trong quý 1/2023, tổng lưu chuyển tiền thuần của VSC ở mức dương 202,4 tỷ đồng và có sự cải thiện đáng kể so với mức thu chỉ 48,4 tỷ của cùng kỳ năm 2022. Từ đó, số dư tiền và tương đương tiền cuối quý tăng 56% so với thời điểm đầu năm và đang chiếm đến 12,7% trong tổng tài sản của Công ty.
  • Cụ thể hơn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chính trong quý 1 ở mức dương 72 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư cũng thu ròng về 130,3 tỷ đồng, chủ yếu nhờ thu hồi các khoản tiền gửi ngân hàng và tiền lãi, cổ tức được chia.

Nhận xét

Kết quả kinh doanh của VSC trong quý 1/2023 nhìn chung vẫn chưa được khả quan. Doanh thu bán hàng trong quý đã giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ, nhưng do áp lực từ chi phí tài chính và các chi phí hoạt động khác tăng mạnh đã dẫn đến lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 đã giảm mạnh gần 61% so với cùng kỳ năm 2022. Biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng của quý này cũng thu hẹp rất nhiều, phần lớn do yếu tốt chi phí tăng cao.

Về khía cạnh tình hình tài chính, VSC vẫn đang có một cơ cấu vốn tương đối an toàn và thận trọng. Tuy số dư nợ phải trả tăng khá mạnh, đồng thời Công ty đã phải huy động thêm từ nguồn vay ngân hàng để tài trợ cho các dự án đầu tư nhưng tỷ lệ đòn bẩy tài chính của VSC vẫn chưa phải là cao (tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chỉ là 0,45 lần). Các chỉ số về thanh khoản và khả năng thanh toán cũng được duy trì ở mức đảm bảo khi Công ty có số dư tiền mặt và các tài sản thanh khoản chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tài sản.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 4/2022 của VSC

Kết quả kinh doanh

Từ các thông tin trên BCTC, có thể rút ra một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quý 4 cũng như lũy kế cả năm 2022 của VSC như sau:

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của VSC
  • Trong quý 4/2022, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh chính của VSC đạt gần 520 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 2,6% so với cùng kỳ. Ngoài ra, Công ty đã phải ghi nhận phần lỗ 10,6 tỷ đồng từ hoạt động liên doanh liên kết trong quý 4, trong khi cùng kỳ năm 2021 có lãi gần 2 tỷ đồng.
  • Về mặt chi phí, giá vốn hàng bán trong quý đã tăng 7,4% so với cùng kỳ, tốc độ tăng của giá vốn nhanh hơn so với doanh thu đã khiến biên lợi nhuận gộp quý 4 bị thu hẹp đáng kể. Các chi phí hoạt động khác như chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều có mức tăng mạnh trong quý 4. Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý 4 của VSC đã giảm mạnh 31,2% so với cùng kỳ năm 2021.
  • Kết quả kém tích cực của quý 4 đã kéo tụt kết quả kinh doanh cả năm 2022 của VSC. Kết thúc 9 tháng đầu năm Công ty vẫn ghi nhận lãi sau thuế tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ. Nhưng khi kết thúc quý 4, VSC chỉ ghi nhận lãi sau thuế năm 2022 ở mức 393 tỷ đồng và giảm 5% so với năm 2021. So với kế hoạch kinh doanh của năm 2022, Công ty đã hoàn thành 106% mục tiêu doanh thu nhưng chỉ đạt 98,8% mục tiêu lợi nhuận.  

Tình hình tài chính

Nguồn: tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 4/2022 của VSC

Về mặt tài sản:

  • Tại ngày 31/12/2022, tổng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của VSC đạt mức 4.367 tỷ đồng, tăng mạnh 33,7% so với thời điểm đầu năm. Mức tăng này của tổng tài sản chủ yếu do đóng góp từ các khoản mục như phải thu dài hạn khác, phải thu ngắn hạn và đầu tư tài chính ngắn hạn.
  • Ngoài ra, cơ cấu tài sản của Công đang nghiêng nhiều về phía các tài sản dài hạn (chiếm đến 70% tổng tài sản). Trong đó, chi phí trả trước dài hạn (chủ yếu là chi phí mua đất, tài sản để xây dựng các dự án cảng, trung tâm logistic) là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 21% tổng tài sản), đồng thời giá trị của khoản mục này đã có mức tăng mạnh hơn 82% kể từ đầu năm. Các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản tiếp theo là tài sản cố định với 18,6% và phải thu dài hạn với 18,9%. Nói chung, cơ cấu tài sản này là phù hợp với ngành nghề kinh doanh, đồng thời cho thấy Công ty cũng đang chủ động đầu tư, mở rộng năng lực hoạt động.

Về mặt nguồn vốn:

  • Tổng các khoản nợ phải trả của VSC tại cuối năm 2022 là 1.165,6 tỷ đồng, tăng khá mạnh 42,3% so với thời điểm đầu năm. Tuy vậy, tỷ trọng nợ phải trả vẫn còn chiếm tỷ trọng tương đối thấp, khoảng 26,7% trong tổng nguồn vốn của Công ty. Đáng chú ý là trong quý 4, Công ty đã bắt đầu huy động từ nguồn vay tài chính từ ngân hàng và các bên thứ ba, với tổng dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 908 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng đáng kể 20,8% trong tổng nguồn vốn.
  • Mặc dù số dư nợ, vay tăng khá mạnh nhưng cơ cấu vốn của VSC nhìn chung vẫn còn khá rất an toàn, Công ty chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của mình (vốn chủ sở hữu chiếm 73,3% tổng nguồn vốn).

Tình hình dòng tiền

  • Trong năm 2022, tổng lưu chuyển tiền thuần của VSC ở mức âm 653 tỷ đồng, suy giảm mạnh so với mức thu ròng 520 tỷ của năm 2021. Từ đó, khiến số dư tiền và tương đương tiền cuối năm giảm hơn 64% so với thời điểm đầu năm.
  • Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên đến từ hoạt động kinh doanh và hoạt đầu tư của VSC đều có dòng tiền âm lần lượt là 680,6 tỷ và 722 tỷ trong năm 2022. Để bù đắp sự thiếu hụt về dòng tiền, Công ty đã phải tăng cường huy động từ hoạt động tài chính (thu ròng 749 tỷ đồng) mà chủ yếu là thông quy vay tài chính từ ngân hàng và các bên thứ ba.

Nhận xét

Trong quý 4/2022, kết quả kinh doanh của VSC nhìn chung chưa được tích cực. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính chỉ tăng nhẹ 2,6%. Nhưng do các tác động bất lợi của các loại chi phí kinh doanh như giá vốn hàng bán, chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng lên đến khiến cho lợi nhuận quý 4 của Công ty sụt giảm mạnh 31,2% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả không tốt trong quý 4 này đã lất át và đảo ngược những cố gắng của Công ty trong ba quý đầu năm, dẫn đến lợi nhuận cả năm 2022 giảm 5% so với năm 2021.

Về mặt tài chính, nhìn chung VSC đang có một cơ cấu vốn tương đối an toàn và thận trọng. Tuy số dư nợ phải trả tăng khá mạnh, đồng thời Công ty đã phải huy động thêm từ nguồn vay ngân hàng để tài trợ cho các dự án đầu tư nhưng tỷ lệ đòn bẩy tài chính của VSC vẫn chưa phải là cao (tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu chỉ là 0,36). Cơ cấu tài sản của VSC cũng tương đối hợp lý và Công ty cũng đang tiếp tục đầu tư, mở rộng tài sản dài hạn để nâng cao năng lực kinh doanh.


Cập nhật và đánh giá báo cáo tài chính quý 3/2022 của VSC

Về mặt kết quả kinh doanh

Từ các thông tin trên BCTC, có thể rút ra một số điểm đáng chú ý trong kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm 2022 của VSC như sau:

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 3/2022 của VSC
  • Trong quý 3/2022, doanh thu thuần của VSC đạt mức 507,3 tỷ đồng, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 7-8%, tương tự như hai quý đầu năm. Giá vốn hàng bán trong quý 3, tăng nhanh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp trong kỳ của VSC giảm 11,3% so với cùng kỳ. Cộng với việc các chi phí hoạt động như chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh nên con số lợi nhuận sau thuế ghi nhận trong quý 3 của Công ty đã giảm 20,7% so với cùng thời điểm năm 2021.
  • Kết quả lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 của VSC có phần tích cực hơn. Doanh thu 9 tháng đạt 1.385,6 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp sau khi trừ giá vốn tăng khá (+15,4%) cùng với doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh (chủ yếu do lãi tiền gửi ngân hàng tăng) đã bù đắp được cho sự gia tăng của chi phí hoạt động. Từ đó, giúp cho lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của VSC vẫn có sự tăng trưởng nhẹ (+5,2%) so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh của năm 2022, Công ty đã hoàn thành 73% mục tiêu doanh thu và 72% mục tiêu lợi nhuận.

XEM THÊM:
Báo cáo tài chính là gì và các thành phần của báo cáo tài chính
Phân tích báo cáo tài chính của công ty như thế nào?
Buổi 5 – Cách chọn doanh nghiệp tốt để đầu tư
Cổ Phiếu Cần Quan Tâm Hôm Nay – Cập Nhật Mới Hàng Ngày
Cổ phiếu HDG – Điểm giao thoa của năng lượng và bất động sản – 01.07.2022

Tình hình tài chính

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC hợp nhất quý 3/2022 của VSC

Về mặt tài sản

  • Tại cuối quý 3/2022, tổng giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của VSC đạt mức 3.577 tỷ đồng, tăng 9,5% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản của VSC đang nghiêng nhiều về phía các tài sản dài hạn (chiếm đến 63% tổng tài sản). Trong đó, chi phí trả trước dài hạn (chủ yếu là chi phí mua đất, tài sản để xây dựng các dự án cảng, trung tâm logistic) là khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 26% tổng tài sản), đồng thời giá trị của khoản mục này đã có mức tăng mạnh hơn 84% kể từ đầu năm. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn tiếp theo trong tổng tài sản của VSC là tài sản cố định với 22,7%. Nhìn chung, cơ cấu tài sản này là phù hợp với ngành nghề kinh doanh, đồng thời cho thấy Công ty cũng đang chủ động đầu tư, mở rộng năng lực hoạt động.

Về mặt nguồn vốn

  • Tổng các khoản nợ phải trả của VSC tại ngày 30/9/2022 là 307,8 tỷ đồng, tăng đáng kể 13,6% so với thời điểm đầu năm. Tuy vậy, tỷ trọng nợ phải trả vẫn chiếm tỷ trọng rất thấp chỉ 8,6% trong tổng nguồn vốn của Công ty. Ngoài ra, nợ phải trả của VSC hầu hết là các khoản mang tính chất thương mại như người mua trả tiền trước, phải trả người bán, Công ty không có bất kỳ khoản vay tài chính (ngân hàng, trái phiếu) nào.
  • Nhìn chung, cơ cấu vốn của VSC là rất an toàn, Công ty chủ yếu sử dụng vốn chủ sở hữu để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư của mình (vốn chủ sở hữu chiếm 91,4% tổng nguồn vốn). Khả năng thanh toán các khoản nợ của VSC cũng ở mức tốt (tỷ số thanh toán hiện hành = 3,4 lần, tỷ số thanh toán nhanh = 3,3 lần).

Tình hình dòng tiền

  • Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của VSC trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận ở mức âm 256,3 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với mức thu ròng 441,6 tỷ của cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhận chính của tình trạng này đến từ việc Công ty đã đẩy mạnh chi mua đất, tài sản phục vụ việc thực hiện các dự án đầu tư (thể hiện ở chi phí trả trước tăng mạnh). Ngoài ra, số dư các khoản phải thu cũng tăng đáng kể, khiến cho dòng tiền từ hoạt động kinh doanh chưa được tốt.
  • Trong 3 quý đầu năm 2022, VSC cũng đang chi ròng cho các hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính với lần lượt là -275,6 tỷ đồng và -21,5 tỷ đồng.Các số tiền chi ròng trên chủ yếu sử dụng vào các mục đích đầu tư tài chính ngắn hạn và trả cổ tức cho cổ đông.

Nhận xét

Trong quý 3 cũng như 9 tháng đầu năm 2022, hoạt động kinh doanh của VSC nói dung duy trì được sự ổn định chứ không sự tăng trưởng quá nhiều khi so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng doanh thu trong 3 quý đầu năm dao động quanh mức 7-8% cộng với doanh thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) tăng khá mạnh bù đắp được cho các mức tăng của chi phí hoạt động, giúp cho lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng của VSC tăng nhẹ 5,2%.

Tình hình tài chính lành mạnh và an toàn tiếp tục là điểm mạnh của VSC. Tại cuối quý 3, Công ty không có nợ vay ngân hàng, các khoản nợ phải trả chỉ chiếm 8,6% tổng nguồn vốn. Số dư tiền mặt và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn ở mức cao, giúp Công ty có nguồn thanh khoản khá dồi dào, đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tuy có sụt giảm so với cùng kỳ nhưng chủ yếu do Công ty đẩy mạnh chi tiêu phục vụ cho các dự án đầu tư, mở rộng năng lực kinh doanh trong tương lai.

Mở tài khoản chứng khoán VPS để đồng hành cùng Đầu Tư Từ Đâu và luôn được cập nhật các mã cổ phiếu khỏe nhất thị trường

Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu