Cách nhận biết cổ phiếu Mạnh/Yếu sau khi mua?

Nhận biết cổ phiếu mạnh/yếu là yếu tố cực kì quan trọng giúp NĐT tránh được những thua lỗ lớn, cũng như kịp thời thoát khỏi những cổ phiếu không hiệu quả, từ đó giúp NĐT có thể luân chuyển nguồn vốn vào những cơ hội khác. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách nhận biết sức mạnh cổ phiếu nhằm quản trị rủi ro khi đầu tư theo phương pháp theo đà tăng.

Vì sao cần phải nhận biết cổ phiếu mạnh hay yếu sau khi mua

Bởi bản chất của phương pháp mua theo đà tăng là cách mua rủi ro khi NĐT sẵn sàng đánh cược giá cao để kỳ vọng bán được với giá cao hơn trong ngắn hạn, nên kỳ vọng của NĐT phải rất cao khi mua theo phương pháp này, nếu giá cổ phiếu không đạt kỳ vọng về thời gian và mức sinh lãi thì phải xử lý ngay để tìm cổ phiếu khác.

vì sao cần học cách bán nhanh và chủ động

Ngoài ra, nếu một cổ phiếu có điểm mua break (phá vỡ) khỏi nền giá tích lũy thì trong rất nhiều trường hợp giá sẽ tăng nhanh sau đó, còn nếu không tăng nhanh thì nhiều khả năng là cổ phiếu đó vấn đề! Giống như việc cứ mỗi sáng bạn bắt chuyến xe lúc 7h đi làm, nhưng đến một ngày đợi mãi tới 8h bạn vẫn chưa thấy nó đến thì chắc chắn nó đang gặp vấn đề gì đó rồi, do đó trong tình huống này bạn cần phải linh hoạt bắt chuyến xe khác nếu như không muốn trễ giờ làm!

Cách nhận biết cổ phiếu mạnh hay yếu sau khi mua

Thời điểm xem xét sức mạnh cổ phiếu là từ ngày mua cho đến 2 tuần sau (10 phiên) mà cổ phiếu không tăng hơn 5% từ giá mua thì bạn sẽ thực hiện bán cổ phiếu đó, tức cứ 10 phiên bạn kỳ vọng cổ phiếu sẽ tạo ra mức sinh lãi 5%, cứ như thế cho đến khi cổ phiếu không còn đạt kỳ vọng đó nữa thì bạn sẽ bán!

Kế hoạch quản trị rủi ro cụ thể sau khi mua được thực hiện như thế nào?

  • Sau khi mua thì NĐT thiết lập điểm chặn dưới cách 5-7% từ giá mua để bảo vệ tài khoản trước những cú sập bất ngờ thì phải cắt lỗ ngay.
  • 3 phiên sau khi mua (khi hàng đã về tài khoản) nếu cổ phiếu lỗ hơn 3% thì canh bán cơ cấu luôn.
  • 5 phiên sau khi mua nếu cổ phiếu không có lãi thì cũng canh bán cơ cấu chủ động, tức là trong 1 tuần bạn phải kỳ vọng cổ phiếu mua phải có lãi thì mới tiếp tục nắm giữ.
  • 10 phiên sau khi mua, đây là cột mốc thời gian quan trọng để đánh giá đây có phải cổ phiếu “khỏe” hay không, nếu là cổ phiếu khỏe thì nó phải cho mức sinh lãi tối thiểu 5%, nếu sau 10 phiên mà lãi ít hơn 5% thì bán cơ cấu lại! Ngoài ra, nếu đang nắm giữ cổ phiếu nào trong 10 phiên cho mức lãi hơn 10% thì khả năng bạn đang bắt được siêu cổ phiếu, với kỳ vọng lợi nhuận mục tiêu có thể là 25%-30% hoặc hơn thế nữa!
  • Sau khi cổ phiếu đã vượt qua được 2 tuần đầu tiên có lãi ít nhất 5% thì 2 tuần tiếp theo nếu lãi được thêm 5% nữa thì sẽ tiếp tục nắm giữ, cứ như thế 2 tuần lãi 5% thì bạn sẽ nắm giữ cho tới khi nào không còn đạt yêu cầu này thì sẽ bán chốt lời!

Lưu ý là nếu trường hợp ở phiên thứ 10 sau khi mua cổ phiếu sinh lãi 5% nhưng sang tới phiên thứ 11 lãi chỉ còn lại 4% thì cũng sẽ canh bán! Tương tự như vậy đối với khoảng thời gian từ phiên thứ 12 đến phiên thứ 19 sau khi mua.

Ví dụ minh họa

ví dụ về cổ phiếu pc1
Cổ phiếu PC1 vi phạm nguyên tắc và phải bán cắt lỗ chủ động

Cổ phiếu PC1 có phiên mua bứt phá nền giá rất đẹp tại ngày 10.12.2021 giá 40, tuy nhiên sau đó diễn biến giá không thuận lợi khi liên tục tích lũy không thể bùng nổ và cho tới ngày 24.12.2021, tức sau 10 phiên kể từ thời điểm mua giá chỉ còn 38.9, lúc này NĐT đang lỗ 2.75% do đó thực hiện bán cơ cấu lại ngay vì không đạt kỳ vọng 2 tuần lãi hơn 5% mà còn lỗ. Rõ ràng đây không phải cổ phiếu khỏe, sau đó giá xuất hiện pha giảm mạnh về chỉ còn giá 32.

ví dụ về cổ phiếu vhc
Cổ phiếu VHC thỏa mãn kỳ vọng

Cổ phiếu VHC xuất hiện phiên mua đẹp tại ngày 8.2.2022 với giá 67.6, 5 phiên sau đó cổ phiếu cổ phiếu này sinh lãi gần 8%, 10 phiên sau đó sinh lãi 11%, như vậy VHC hoàn toàn thỏa mãn tiêu chí về thời gian và sinh lãi kỳ vọng trong 2 tuần đầu tiên. Và cứ thế nắm giữ cho đến khi cổ phiếu đạt giá 95-100 thì không còn đạt yêu cầu nữa, chốt lời VHC với mức sinh lãi 42% trong vòng 2.5 tháng!

Tổng kết

Nếu chọn phương pháp đầu tư theo đà tăng trưởng, khoảng thời gian 2 tuần (10 phiên) có ý nghĩa lớn nhất là giúp NĐT có thể quản trị rủi ro một cách chủ động nhất, tránh tình trạng ôm một cổ phiếu yếu quá lâu không hiệu quả mà thậm chí còn bị lỗ, đây là kế hoạch quản trị rủi ro hiệu quả giúp NĐT thử sai nhanh chóng cho đến khi bắt được siêu cổ phiếu thực sự! 2 tuần sau khi mua là cột mốc quan trọng mà cổ phiếu khỏe cần phải chứng minh.

Mở tài khoản chứng khoán VPS – Tham gia cùng Đầu Tư Từ Đâu để luôn được cập nhật các cổ phiếu khỏe nhất thị trường

Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu