Lạm phát là gì? Nguyên nhân và cách đối phó với lạm phát

Lạm phát là gì?

Lạm phát là sự suy giảm sức mua của đồng tiền theo thời gian. Sự suy giảm sức mua có thể được tính toán dựa vào sự gia tăng của một rổ các hàng hóa và dịch vụ nhất định trong nền kinh tế. Hàng hóa tăng giá có nghĩa là sức mua của đồng tiền giảm xuống. Ngược lại của lạm phát là giảm phát, sức mua của đồng tiền tăng lên và giá hàng hóa giảm xuống.

Các ý chính:

  • Lạm phát là tỷ lệ % giảm giá trị của đồng tiền, làm mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ tăng lên.
  • Lạm phát được chia thành 2 loại chính: Lạm phát do cầu kéo và lạm phát do chi phí đẩy.
  • Các chỉ số tính lạm phát phổ biến nhất là Chỉ số giá tiêu dùng và Chỉ số giá bán buôn
  • Lạm phát có thể là tích cực hoặc tiêu cực
  • Những người có tài sản hữu hình như bất động sản hoặc hàng hóa dự trữ có thể mong muốn lạm phát tăng làm tăng giá trị tài sản của họ.
lạm phát là gì
Lạm phát là gì?

Nguyên nhân của lạm phát là gì?

Sự gia tăng cung tiền là nguyên nhân sâu xa của lạm phát. Các cơ quan quản lý tiền tệ của một quốc gia có thể tăng cung tiền bằng các cách:

  • In tiền nhiều hơn và bơm ra nền kinh tế
  • Tác động làm giảm giá trị của đồng tiền thông qua thị trường ngoại hối
  • Cho vay tiền dưới dạng tín dụng tài khoản dự trữ thông qua hệ thống ngân hàng

Với những cách làm này, đồng tiền sẽ mất đi sức mua của nó làm tăng lạm phát.

Người ta thường chia cơ chế lạm phát thành 2 loại chính: Lạm phát do cầu kéo và lạm phát do chi phí đẩy.

Lạm phát do cầu kéo

Lạm phát do cầu kéo xảy ra khi chính phủ tăng cung tiền và cho vay nhiều hơn để kích thích người dân mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Điều này làm cho nhu cầu tiêu dùng tăng nhanh hơn so với khả năng sản xuất, dẫn đến lạm phát.

Khi có nhiều tiền hơn, người dân có tâm lý tiêu dùng nhiều hơn dẫn đến chi tiêu nhiều hơn và kéo giá cả hàng hóa dịch vụ lên. Sự chênh lệch cầu lớn hơn cung kích thích nền kinh tế sản xuất nhiều hơn. Điều này lý giải cho việc lạm phát ở mức độ vừa phải là tốt cho nền kinh tế.

Lạm phát do chi phí đẩy

Lạm phát do chi phí đẩy là sự tăng giá của hàng hóa xuất phát từ chi phí đầu vào của quá trình sản xuất tăng.

Chi phí năng lượng tăng thường là nguyên nhân lớn nhất của lạm phát do chi phí đẩy. Nếu lạm phát do chi phí đẩy xảy ra sẽ là một cú sốc cho nền kinh tế.

Các loại chỉ số giá

Chỉ số giá tiêu dùng và chỉ số giá bán buôn là 2 loại phổ biến nhất để tính toán lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Chỉ số CPI đo lường mức giá bình quân gia quyền của một rổ hàng hóa và dịch vụ phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính. Rổ hàng hóa đó bao gồm thực phẩm, chăm sóc y tế và vận chuyển. Mỗi loại mặt hàng sẽ có một tỷ trọng nhất định trong rổ hàng hóa đó. Mức giá đầu vào được khảo sát trên một tập dữ liệu lớn.

Những thay đổi về chỉ sô CPI này sẽ phản ánh thay đổi về chi phí sinh hoạt của người dân. Đây là một trong những số liệu phổ biến nhất thường được dùng để tính toán lạm phát hoặc giảm phát.

Chỉ số giá bán buôn (WPI)

Chỉ số giá bán buôn cũng được một số quốc gia sử dụng để tính toán lạm phát. Rổ hàng hóa tính toán WPI khác nhau giữa các quốc gia, nhưng hầu hết nó bao gồm các mặt hàng ở cấp độ nhà sản xuất hoặc bán buôn. Ví dụ như giá bông thô, sợi bông…

Mặt tích cực và tiêu cực của lạm phát

Lạm phát có thể tích cực hoặc tiêu cực. Dưới đây là một số điểm tích cực và tiêu cực của lạm phát:

Tích cực

Các cá nhân sở hữu tài sản hữu hình như hàng hóa hoặc bất động sản có thể được hưởng lợi khi lạm phát tăng. Nó làm tăng giá tài sản của họ.

Lạm phát thường dẫn đến việc đầu tư nhiều hơn vào các loại tài sản rủi ro cao và kỳ vọng lợi nhuận cao hơn.

Lạm phát ở mức vừa phải cũng giúp khuyến khích người dân tiêu dùng nhiều hơn là tiết kiệm. Từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế của một quốc gia.

Tiêu cực

Tỷ lệ lạm phát cao tác động tiêu cực đến cuộc sống của phần lớn người dân. Sức mua của đồng tiền giảm làm tăng chi phí cho các nhu cầu thiết yếu.

Người đi mua tài sản trong thời kỳ lạm phát cao phải bỏ ra nhiều tiền hơn. Những người nắm giữ tiền mặt hoặc trái phiêu cũng không thích lạm phát vì làm giảm giá trị tài sản của họ.

Tỷ lệ lạm phát cao có thể làm tăng chi phí và giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Làm cách nào để kiểm soát lạm phát

Cơ quan quản lý tài chính của một quốc gia có trách nhiệm kiểm soát lạm phát. Họ sẽ điều chỉnh các chính sách tiền tệ và các hoạt động của ngân hàng trung ương hoặc các cơ quan khác. Cơ quan quản lý cần xác định quy mô và tốc độ tăng/giảm lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cố gắng duy trì lạm phát ở mức 2% mỗi năm. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, tỷ lệ lạm phát lý tưởng có thể cao hơn. Ví dụ mục tiêu lạm phát của Ấn độ là khoảng 4%, Brazil là 3,5%.

Cách đối phó với lạm phát

Đầu tư vào cổ phiếu: Cổ phiếu được coi là hàng rào bảo vệ tốt nhất để chống lại lạm phát. Vì cổ phiếu là một tài sản nên nó cũng tăng giá trị khi lạm phát tăng lên. Ngoài ra, cổ phiếu cũng là kênh đầu tư có tiềm năng sinh lời cao hơn các kênh như gửi tiết kiệm hoặc đầu tư trái phiếu.

Thắt chặt chi tiêu: Bạn có thể kiểm soát một phần sự gia tăng chi phí bằng cách xem lại thói quen chi tiêu và cắt giảm những chi phí không cần thiết. Ví dụ như di chuyển bằng các phương tiện công cộng, cắt giảm các gói internet cho điện thoại, tự nấu cơm thay vì đi ăn ngoài…

Tìm cách gia tăng thu nhập: Nâng cao hiệu suất làm việc để được tăng lương, tìm các công việc ngoài,.. là cách để bạn tăng thu nhập. Điều này có thể đảm bảo mức sống của bạn trước sự mất giá của đồng tiền.

Các ví dụ về tác động tiêu cực của lạm phát

Vì các quốc gia có thể in tiền nội tệ theo ý muốn, nên cung tiền có thể tăng nhanh chóng vì lý do chính trị, dẫn đến lạm phát tăng lên. Ví dụ nổi tiếng nhất là siêu lạm phát của Đức vào đầu những năm 1920.

Các quốc gia chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất yêu cầu Đức phải bồi thường các thiệt hại trong chiến tranh. Đức đã in rất nhiều tiền giấy để mua ngoại tệ mang đi bồi thường. Hành động này của chính phủ dẫn đến sự mất giá nhanh chóng của đồng Mark Đức và kéo theo siêu lạm phát. Người dân Đức đã phản ứng với sự mất giá nhanh chóng của đồng tiền bằng cách tiêu tiền càng nhanh càng tốt. Vì vậy, ngày càng có nhiều tiền đổ vào nền kinh tế, giá trị của tiền giảm mạnh đến mức người ta dán tiền lên tường vì nó gần như vô giá trị. Tình huống tương tự cũng xảy ra ở Peru năm 1990 và Zimbabwe năm 2007.

Mở tài khoản chứng khoán VPS – Tham gia cùng Đầu Tư Từ Đâu để luôn được cập nhật các cổ phiếu khỏe nhất thị trường

Xem chi tiết Quyền lợi khi mở tài khoản chứng khoán VPS với Đầu Tư Từ Đâu

Chào các bạn, tôi là Đỗ Hoàng Quân. Tôi tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2007. Trải qua nhiều chu kỳ, tôi am hiểu quy luật vận động của thị trường và xây dựng cho mình những nguyên tắc quan trọng để có thể kiếm tiền bền vững trên thị trường chứng khoán. Tìm hiểu thêm về tôi tại đây.

anh Quan

Đăng ký mở tài khoản chứng khoán

Tham gia nhóm Zalo tư vấn đầu tư Miễn phí

Mở app Zalo, scan để tham gia nhóm tư vấn của E-Broker hoặc kết bạn với admin qua SĐT 0981 333 743

Đọc nhiều nhất

Chuyên mục